Thấy gì khi Phú Quốc và Hội An liên tiếp tuột mất khách nội?
Doanh thu từ du lịch tại Phú Quốc và Hội An tăng cao, bất chấp việc sụt giảm du khách nội địa. Tuy nhiên, theo chuyên gia và đơn vị lữ hành, đây không hẳn là tín hiệu đáng mừng.
Từng trả lời Tri Thức - Znews về việc liệu Phú Quốc có đang chủ động nhắm đến tệp khách ngoại, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc (Kiên Giang), nhận định: "Không có chuyện thiên vị đó, Phú Quốc luôn chào đón khách nội địa cũng như khách quốc tế".
Song, trong vòng 2 năm qua, thành phố này vẫn chứng kiến dòng chảy khách nội đổ về địa phương khác.
Cụ thể, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Phú Quốc chứng kiến lượng khách ngoại tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ, song vẫn "bốc hơi" 3,6% lượng khách nội địa và 6,6% khách tham quan tại các khu, điểm du lịch.
Tình trạng tương tự thậm chí còn rõ rệt hơn tại Hội An (Quảng Nam). Từ năm 2023. thành phố di sản mất đà tăng trưởng khách nội, theo số liệu thống kê về tổng khách tham quan, lưu trú cùng năm.
Theo đó, vào năm 2023, Hội An đón 4 triệu lượt khách, nhưng khách quốc tế gấp đến 3 lần khách nội địa. Lượng vé tham quan bán cho khách nội địa tại phố cổ Hội An - điểm đến trọng yếu của địa phương - cũng không đạt kế hoạch đề ra khi chỉ bán được 219.000 lượt vé, tương đương 27,3% so với kỳ vọng 800.000 lượt.
Đến dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay, tổng lượt khách nội địa tham quan và lưu trú du lịch tại Quảng Nam giảm 19%, trong khi lượng khách ngoại tăng 10% so với cùng kỳ.
Lượng khách nội địa - quốc tế có thể trồi sụt, nhưng doanh thu từ du lịch tại 2 tỉnh Kiên Giang và Quảng Nam vẫn tịnh tiến tăng đều qua từng năm. Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Kiên Giang ghi nhận doanh thu đạt 589,9 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ; Quảng Nam cũng công bố doanh thu đến 600 tỷ đồng.
Lúc này, nhiều người đặt câu hỏi liệu có cần so sánh lượng khách nội - ngoại tại Phú Quốc, Hội An hay không khi các địa điểm du lịch này vẫn đạt doanh thu lớn? Và liệu một địa phương có cần thiết phải cân bằng lượng du khách quốc tế và nội địa để phát triển du lịch?
Doanh thu không phải là tất cả
Dựa trên góc nhìn doanh nghiệp, bà Trần Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Vietluxtour, nhận định một điểm đến tốt phải duy trì được sự cân bằng giữa các nguồn khách tham quan để đa dạng hệ sinh thái văn hóa, cảnh quan và kinh tế du lịch...
Việc phụ thuộc vào chỉ một nguồn khách có thể dẫn đến rủi ro khi nguồn này phải mất đi hoặc bị gián đoạn đột ngột.
Đồng quan điểm, ông Bùi Thanh Tú, Giám Đốc Marketing Công ty Du lịch BestPrice, cho rằng việc tập trung cho khách nội địa hay quốc tế tùy thuộc vào mục tiêu đón khách của từng địa phương. Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ quên vai trò của tệp du khách nội địa. Ví dụ, dòng khách này là cứu cánh cho du lịch Việt Nam trong giai đoạn dịch Covid-19, khi nguồn khách ngoại giảm gần về 0.
Liên quan đến trường hợp cụ thể như Hội An, chia sẻ với Tri thức - Znews, tiến sĩ Vũ Triết Minh, giảng viên bộ môn Du lịch, Khoa tiếng Pháp, Đại học Sư Phạm TP.HCM, nhận định Hội An là thành phố di sản nên địa phương cần đảm bảo tất cả nguồn du khách, dù khách ngoại hay nội đều được "hưởng thụ" di sản đó.
"Quan điểm chỉ tập trung vào một dòng khách nhất định sẽ đi ngược lại với góc nhìn phát triển du lịch xét về mặt nhân văn. Hội An không chỉ là di sản của quốc gia mà còn là Di sản Văn hóa thế giới, được UNESCO công nhận. Theo tôi, đã là di sản của nhân loại thì cần được bảo tồn và đảm bảo mọi cá nhân được quyền thụ hưởng chúng", ông Minh cho hay.
Còn đối với đảo ngọc Phú Quốc, tuy không phải là di sản thế giới như Hội An nhưng vẫn có di tích lịch sử của nước ta. Ông Minh cho rằng người dân Việt Nam phải là những người đầu tiên được tạo điều kiện đến tham quan, du lịch địa điểm này.
Ông nhấn mạnh khách trong nước mới là dòng khách ổn định. Khách ngoại có mức chi tiêu cao hơn, song tệp khách này dễ bị ảnh hưởng. Việc duy trì tốt cả 2 dòng khách mới có thể đảm bảo nguyên tắc tối đa hóa lợi nhuận hoạt động kinh doanh trong việc quản lý điểm đến, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng của địa phương.
"Mỗi dòng khách có những sở thích khác nhau. Có những địa điểm trên cùng một địa phương chỉ khai thác được dòng khách ngoại. Ngược lại, một số điểm khác chỉ phù hợp để khai thác khách nội. Tôi cho rằng không nên đồng nhất loại hình/hoạt động du lịch với điểm đến", tiến sĩ Minh nói.
Bài học từ Maldives
"When You Don’t Have Any Domestic Tourism to Rely On: Maldives as a Pandemic Case Study" (tạm dịch: Khi bạn không có nổi một khách nội địa để dựa vào: Bài học từ Maldives qua đại dịch) là tên bài nghiên cứu vào tháng 5/2020 của Xinyi Liang-Pholsena, cây bút du lịch với 15 năm kinh nghiệm tại Weekly Asia (chuyên trang du lịch hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
Theo Pholsena, Maldives là minh chứng rõ nhất cho thấy một điểm đến dễ bị "tổn thương" ra sao khi chỉ phụ thuộc vào một dòng khách.
Nguồn thu nhập ngoại hối tại Maldives chủ yếu dựa vào ngành du lịch. Ngân hàng Thế giới ước tính lĩnh vực này chiếm đến 2/3 GDP của Maldives.
"Đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế Maldives xuống vực thẳm", "Làm thế nào để du lịch Maldives vực dậy sau dịch Covid-19"... là một số tiêu đề truyền thông quốc tế hướng đến quốc đảo này trong giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh.
Năm 2020, khoảng một năm kể từ khi đại dịch bùng phát, GDP Maldives giảm 33,5%, đưa đảo quốc này vào thời điểm suy thoái kinh tế tồi tệ nhất, theo nhà kinh tế tại Cơ quan tiền tệ Maldives (MMA) - Dhaha Shuaib - trình bày tại hội thảo trực tuyến của SAARC finance năm 2021.