Thấy gì qua bản Hương ướccủa làng Cổ Liêu, phủ Nghĩa Hưng

Bản hương ước của làng Cổ Liêu thuộc phủ Nghĩa Hưng, Nam Định xưa sẽ giúp bạn đọc có một cái nhìn tổng quan hơn về những quy định của làng xã trong xã hội phong kiến xưa.

Hương ước làng Cổ Liêu viết bằng chữ Quốc ngữ và Hán văn. (Nguồn Tác giả sưu tầm)

Hương ước làng Cổ Liêu viết bằng chữ Quốc ngữ và Hán văn. (Nguồn Tác giả sưu tầm)

Khái quát về Hương ước tổng Cổ Liêu xưa

Theo cuốn Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh, một danh nhân sinh ra trên mảnh đất xã Chân Mỹ, tổng Tử Vinh xưa (nay thuộc xã Yên Cường, huyện Ý Yên) thì phủ Nghĩa Hưng xưa có 12 tổng, 108 xã thôn. Trong đó, tổng Cổ Liêu có 5 xã: Cổ Liêu, Phúc Chỉ, Đồng Bạn, Quảng Cư, Thụy Quang. Làng Cổ Liêu gồm có 7 thôn: Hoàng Mẫu, Nhân Giả, Đống Lương, Nhân Lễ, An Mỹ, Ngọc Tân, Khang Thọ (nay thuộc xã Yên Lương, huyện Ý Yên). Cũng giống như các làng xã khác ở đồng bằng Bắc Bộ, làng Cổ Liêu thuộc tổng Cổ Liêu có hương ước quy định cụ thể các điều được và không được làm, kèm theo đó là chế độ thưởng, phạt công khai, rõ ràng. Bản hương ước này được sao lại từ bản chính, ngày 08/8/1942 và hiện được lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội.

Trong phần đầu của bản hương ước, có mục: Chú ý cải lương, trong đó có viết: “Khoán ước các làng lưu truyền từ xưa hoặc chỉ có phần khẩu truyền mà không có minh văn hoặc có minh văn mà không có hợp thời thế. Bởi vậy cần nên cải lương, suy xét hiện trình thời nay, sổ sách, khoán lệ thuở trước, điều nào hại thời bỏ, điều nào lợi thời theo, mục đích làm cho gia tộc được thực giàu, đầu làng trật tự, sau sẽ theo trình độ tiến hóa mà cải bổ thêm”. Ở đây, thiết nghĩ cần phải hiểu rõ ý nghĩa của từ “cải lương”. “Cải” ở đây là sửa đổi, thay đổi; “Lương” nghĩa là điều thiện, tốt. Vậy “Cải lương” có nghĩa là thay đổi để cho tốt, đẹp hơn. Qua đó có thể nhận thấy, bản hương ước của tổng Cổ Liêu đã được điều chỉnh lại theo Nghị định của quan Thống sứ ngày 12 tháng 8 năm 1921 về việc chỉnh đốn lại hương hội các xã Bắc Kỳ. Điểm chủ yếu của Nghị định này là sự thay thế Hội đồng kỳ mục truyền thống bằng một Hội đồng tộc biểu. Hội đồng tộc biểu có chức năng và quyền hạn giống như Hội đồng kỳ mục, tức là: Quản lý mọi mặt đời sống văn hóa, xã hội, tổ chức thi hành các mệnh lệnh của chính quyền bảo hộ, phân chia công điền, san bổ sưu thuế, đặt lệ, quản lý các tài sản, xét xử những tranh chấp dân sự giữa các xã dân, tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo phong tục tập quán, quản lý các nguồn thu chi của làng xã. Hội đồng tộc biểu vừa là cơ quan quyết định, vừa là cơ quan thi hành các quyết định đó thông qua các tộc biểu và bộ phận chức dịch trong làng. Ngoài ra, nghị định này cũng thể hiện rõ việc tăng cường sự giám sát của Nhà nước bảo hộ đối với bộ máy quản lý làng xã, đặc biệt là vai trò của Lý trưởng cũng như sự giám sát trên phương diện tài chính với việc lập ra ngân sách xã.

Một số điều quy định

Hương ước của làng Cổ Liêu gồm có 2 phần và 82 điều quy định. Cụ thể, trong phần 1 là những điều lệ về chính trị (từ điều thứ 1 đến điều thứ 71), quy định cụ thể về: Chi thu thuế, kiện cáo, việc canh phòng trong làng của tuần đinh, canh ngoài đồng, về cấp cứu, sự vệ sinh, sửa sang đường sá, bảo vệ đê điều, vệ nông, quy định về của công, trừ gian lận, sự giao tiếp, học hành và giáo dục, ngụ cư và ký táng.

Phần thứ 2 nói về các tục lệ quy định của làng, cụ thể về: Điền công (ruộng đất công), lệ cưới xin, mai táng, tiền khao vọng (dành cho những người đỗ đạt, có chức sắc, phẩm hàm), tế tự và một số loại thuế khác của làng (quy định từ điều thứ 72 đến điều thứ 82).

Một điều có thể nhận thấy đó là bản hương ước này có những quy định “cải lương” để hợp với bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, những tình trạng vòi vĩnh, nhiêu khê, bắt vạ hay như “miếng ăn giữa đình” của những lý trưởng, tiên chỉ, chức sắc trong bộ máy hành chính làng xã như nhà văn Ngô Tất Tố từng miêu tả trong tập phóng sự “Việc làng” hầu như không còn nữa. Thay vào đó là những điều khoản quy định có phần giản lược về thủ tục và “dễ thở” hơn cho người dân. Chẳng hạn, trong quy định về chi thu của làng, điều thứ 4 quy định: “Chiểu theo điều thứ 6 ở trong Nghị định (ngày 12/8/1921) đã nói trên, cấm không ai được bắt dân phải làm cỗ mời công dân khi có việc tang, thi đỗ, thăng bổ hàm chức, ngôi thứ tổng lý, lên lão... Hễ đã có đóng đủ tiền lệ đã định trong hương ước này thì ngoài ra không phải chịu khoản tiền nào nữa”.

Về tiền sưu thuế, điều thứ 10 quy định rõ: “Trong sổ bổ phải biên rõ người nào bao điền thổ, bao nhiêu sưu đinh thành ngân bao nhiêu, không được hàm hỗn”. Hay: “Ngày hội bổ thuế cấm hương hội không được bày ra ăn uống để dân phải đóng góp nặng thêm” (Điều thứ 13).

Về kiện cáo, điều thứ 18, hương ước quy định rõ: “Hương hội xét hỏi chuyện có viên hình sự phát ra làm biên bản trình quan, không được ăn uống hay là để cho tuần tráng sách nhiễu nhà sự chủ”.

Khi làng có biến: hỏa hoạn, cướp bóc, vỡ đê… thì điều thứ 38 của hương ước nêu rõ: “Gặp lúc cần kíp như là hỏa tai, cướp bóc, đê sạt, trừ ra những người 60 tuổi, người yếu đuối, còn người làng nghe hiệu đều phải lập tức đến cứu. Nếu ai biếng nhác không đến cứu, hương hội xét thực phạt tự 2 hào đến 5 hào”. Bên cạnh đó, hương ước cũng quy định rõ việc hỗ trợ đối với những trường hợp không may bị thương tật hay qua đời khi ứng cứu như: “Ai vì sự cấp cứu bị thương, làng cấp tiền cho chữa thuốc, trọng thương thành tật làng cho ngôi tộc biểu, lại thương đến nỗi chết làng cấp cho tiền tuất, cho 20 đồng và cả làng đưa ma” (Điều thứ 39).

Một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất lúc bấy giờ đó là việc sửa sang, trông coi đê điều, cầu cống, đường sá, Hương ước của làng Cổ Liêu quy định rõ trong điều thứ 47 như sau: “Làng cử 1 người thủ lộ để trông coi đường sá, cầu cống và đê điều. Thấy nói chỗ nào hư hỏng phải trình hương hội để sửa lại. Đến như đê điều thì thủ lộ phải coi sóc đừng để người cùng súc vật làm hư hại đến đê. Phải chữa những nơi hư hỏng, giữ gìn đừng để cho người ta cày cấy vào chỗ sườn đê hay là giồng giọt gì ở đấy. Và phải giữ gìn cho đê lúc nào cũng được tốt. Khi có chỗ nào hư hỏng nhiều mà cần phải Nhà nước tu bổ mới được thời thủ lộ phải tường hương hội kê trình quan”.

Làng Cổ Liêu xưa vốn là nơi trọng việc học hành, vì vậy, sự giáo dục luôn được dân làng và bộ máy chức dịch quan tâm và có những quy định rất nhân văn, bình đẳng đối với mọi tầng lớp người dân trong việc cho con đi học: “Bổn phận cha mẹ phải cho con đi học sơ học, vậy khi làng có dư tiền mà làm nhà trường thời phải làm trường ở làng cho trẻ con đến học” (Điều thứ 65); “Tiền chi phí về việc học và cấp lương cho thầy giáo sẽ lấy tiền công của dân” (Điều thứ 66); “Khi nhà trường đã làm xong rồi, ở sổ chi thu phải để phòng ra một mức tiền để mua sách vở, giấy bút cho những con nhà nghèo” (Điều thứ 68).
Ngoài các quy định mang tính chính trị, buộc dân làng phải tuân thủ theo Nghị định của quan Thống sứ ngày 12 tháng 8 năm 1921, làng Cổ Liêu cũng có những quy định riêng về tục lệ của dân làng về ma chay, cưới hỏi hoặc khao vọng… Tuy nhiên, những tập tục này không quá hà khắc, nặng nề khiến biết bao gia đình phải khốn đốn như nhiều nơi khác. Về cưới xin, Hương ước của làng quy định: “Làng chúng tôi ở về 7 thôn, việc cheo cưới hễ ai có con gái gả chồng cho người làng thì phải nộp 1 đồng bạc cheo. Gả cho người làng khác thì phải nộp 2 đồng bạc cheo. Không cứ ở thôn nào thời cấm không được giăng dây đóng cổng để ngăn trở việc cưới. Nếu ai không tuân phải phạt 5 hào mà số tiền ấy phải nộp vào quỹ” (Điều thứ 73). Còn về ma chay: “Khi có ai chết trong hạn 3 ngày phải đem mai táng, nếu chết vì bệnh dịch thời phải chôn ngay trong ngày hôm chết. Nói rõ tục lệ, thông lệ và tiền lệ làng nộp là bao nhiêu”.

Hương ước là những quy định của làng nhưng vẫn phải tuân theo sắc luật, nghị định của chính quyền bảo hộ, vì vậy, khi người dân bất tuân hoặc vi phạm điều khoản nào thì điều thứ 79 cho biết: “Trong làng ai trái những khoản ước trên thời Hương hội tùy tình lý nhẹ nặng mà phạt hoặc không cho dự đình trung, tế tự, một hạn là bao nhiêu lâu hoặc truất vị thứ xuống mấy hạng”.

Ngày nay, khi phong trào xây dựng nông thôn mới đã và đang mang lại những kết quả tích cực, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao cũng là một dịp để ta nhìn lại, so sánh với cuộc sống của người nông dân trong xã hội phong kiến, được quy định bởi hương ước và lệ làng. Mặc dù chịu sự chi phối và quyết định bởi chính quyền bảo hộ Pháp, triều đình phong kiến nhà Nguyễn nhưng bản Hương ước của làng Cổ Liêu đã cho thấy được những nét nhân văn và tiến bộ trong cải cách lúc bấy giờ.

Nguyễn Ba
(Bảo tàng Báo chí Việt Nam)

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202408/thay-gi-qua-ban-huong-uoccua-lang-co-lieu-phu-nghia-hung-52e2026/