Thấy gì từ bản quy hoạch mạng lưới đường sắt vừa được công bố?

Chiều 1/11, Bộ GTVT công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 với những mục tiêu lớn.

 Bộ trưởng Bộ GTVT phát biểu tại Lễ Công bố quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 (Ảnh: Quý Nguyễn).

Bộ trưởng Bộ GTVT phát biểu tại Lễ Công bố quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 (Ảnh: Quý Nguyễn).

Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, cùng nhiều đại diện đến từ các bộ, ban, ngành liên quan. Về phía địa phương có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn và lãnh đạo nhiều địa phương khác tại các điểm cầu.

Mục tiêu đầy tham vọng

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ GTVT chỉ đạo lập tuân thủ theo quy định tại Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 và các văn bản hướng hướng dẫn.

Quá trình lập quy hoạch, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo đồng bộ hoach mạng lưới đường sắt với các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan. Bộ GTVT đã xin ý kiến và nhận được sự phối hợp, tham gia góp ý, phản biện của 17 bộ, cơ quan ngang bộ; 63 địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học.

Nội dụng quy hoạch cũng đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch ngành quốc gia, Thường trực Chính phủ xem xét kỹ lưỡng và cho ý kiến để bổ hoàn thiện. Quy hoạch đã được Thủ thướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Quy hoạch mạng lưới đường đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới mục tiêu đến năm 2030 khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%.

Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40% (trong đó đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87%).

Hoàn thành nâng cấp cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440km; quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362km, trong đó triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP Hồ Chí Minh).

Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ mang đến diện mạo mới cho hạ tầng đường sắt trong tương lai (Ảnh minh họa).

Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ mang đến diện mạo mới cho hạ tầng đường sắt trong tương lai (Ảnh minh họa).

Quy hoạch cũng sẽ ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.

Mục tiêu đến năm 2050 sẽ hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối. Hà Nội, khu đầu mối TP Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.

Đường sắt tốc độ cao sẽ cạnh tranh với hàng không

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, giao thông luôn là lĩnh vực đi trước mở đường, trong đó công tác quy hoạch giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Trong bối cảnh khối lượng công việc khổng lồ phải thực hiện trong thời qua, nhất là nhiều dự án giao thông trọng điểm được triển khai nhưng Bộ GTVT vẫn nỗ lực hoàn thành 5 quy hoạch quốc gia về giao thông của 5 lĩnh vực giao thông trọng điểm là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng biển và hàng không.

Tới nay, cả 5 bộ quy hoạch này đều đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua và báo cáo Chính phủ. Trong đó thì 4 quy hoạch đã được Thường trực Chính phủ cho ý kiến và 3 quy hoạch trong số này đã được Chính phủ phê duyệt.

Đường sắt hiện hữu sẽ được tăng cường tính kết nối với cảng biển, sân bay để vận chuyển hàng hóa (Ảnh: Lê Thanh).

Đường sắt hiện hữu sẽ được tăng cường tính kết nối với cảng biển, sân bay để vận chuyển hàng hóa (Ảnh: Lê Thanh).

“Cả 5 quy hoạch giao thông đều đã hoàn thành, đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thống nhất. Đây là 5 quy hoạch nhanh nhất trong 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia. Quy hoạch giao thông là nền tảng để hình thành thêm các quy hoạch khác như quy hoạch khu vực sản xuất, thương mại, đô thị...” – Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói.

Ông Nguyễn Văn Thể cũng đánh giá, chưa bao giờ ngành giao thông hoàn thành được 5 quy hoạch của 5 lĩnh vực cùng lúc như hiện nay. Điều này sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho việc đánh giá thế mạnh, tiềm năng của cả 5 lĩnh vực so với việc quy hoạch các lĩnh vực thường lệch nhau 1 - 2 năm như trước kia.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết thêm, sau quy hoạch, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao còn hàng hóa thì ưu tiên cho vận tải biển. Trong đó, việc xác định phải xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chính là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của quy hoạch đường sắt lần này.

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, đường sắt tốc độ cao sẽ được đầu tư chuyên chở người để cạnh tranh với hàng không. Còn tuyến đường sắt hiện hữu sẽ được điều chỉnh tăng cường tính kết nối với các cảng biển, cảng hàng không để phục vụ vận tải hàng hóa.

“Trong kỳ này, Bộ sẽ báo cáo Bộ chính trị, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để kỳ tới sẽ tập trung thiết kế, giải phóng mặt bằng nhằm hướng tới năm 2028 - 2029 có thể khởi công một số gói thầu trong 2 đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP Hồ Chí Minh” – ông Nguyễn Văn Thể nói.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thay-gi-tu-ban-quy-hoach-mang-luoi-duong-sat-vua-duoc-cong-bo-439618.html