Thấy gì từ danh xưng 'nhà văn'

Một thực tế nữa là có nhiều người dù không phải hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng họ vẫn có tác phẩm, có dấu ấn sâu sắc trong đời sống sáng tác.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Mới đây, trên trang Facebook cá nhân của một số nhà văn có thông tin về cuốn sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thực hiện, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2020.

Theo đó, cuốn sách này không có tên một số nhà văn nhà thơ đã xác lập vị trí trên văn đàn, như Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Quang Lập, Bùi Minh Quốc, Bùi Ngọc Tấn… Lý do vì sao không có tên họ trong cuốn sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại” cũng không được giải thích rõ ràng.

Ở nước ta, danh xưng “nhà văn”, “nhà thơ” thường dùng để chỉ những người làm văn chương có thành tựu, có tác phẩm để lại dấu ấn, được bạn đọc và giới nghiên cứu phê bình biết đến ở các mức độ khác nhau.

Danh sách hội viên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam mỗi năm một dài hơn. Song số người có tác phẩm đến được bạn đọc không nhiều. Những tác phẩm gây tiếng vang càng hiếm hoi. Ngay cả các giải thưởng dành cho văn chương cũng dễ dàng bị lãng quên. Đó là một thực tế.

Một thực tế nữa là có nhiều người dù không phải hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng họ vẫn có tác phẩm, có dấu ấn sâu sắc trong đời sống sáng tác. Danh xưng “nhà văn” vốn cũng đã xuất hiện trước khi Hội Nhà văn Việt Nam ra đời.

Nếu lập danh sách về “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, thì những người được gọi là nhà văn ở nước ta có thể là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cũng có thể không.

Ngược lại, có người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng chưa chắc có tác phẩm được nhiều độc giả biết đến và ghi nhận. Do đó, tên gọi của cuốn sách đã đề cập ở trên, chuẩn xác nhất là “Danh sách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam”, hoặc “Kỷ yếu Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam”.

Ở một đất nước có ảnh hưởng Nho giáo sâu sắc, từng quan niệm “văn sử triết bất phân” như nước ta, danh xưng “nhà văn” đi cùng với vinh dự là trách nhiệm.

Bởi ở bất cứ thời đại nào, trí thức văn nghệ sĩ luôn là một lực lượng đi đầu gắn với tiến bộ xã hội. Tiếng nói của trí thức, của văn nghệ sĩ là tiếng nói có trọng lượng, có sự tỉnh thức, góp phần vào quá trình phát triển của văn hóa dân tộc, của văn minh nhân loại.

Danh xưng có quan trọng không? Rất quan trọng. Song có lẽ sức sống của một tác phẩm quan trọng hơn. Nó sẽ định vị ai là nhà văn trong lịch sử.

Vậy nên, là nhà văn Việt Nam hay là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có lẽ cũng cần phải thấu tỏ rõ ràng.

Vũ Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-gi-tu-danh-xung-nha-van-post627244.html