Thấy gì từ hiện tượng hãm phanh đột ngột của ô tô lắp ráp trong nước?

Cú hãm phanh quyết liệt của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được cho là động thái chờ đợi chính sách giảm lệ phí trước bạ dự kiến được áp dụng từ tháng 7/2024.

Tạm "nhường sân" cho xe nhập khẩu

Một bất ngờ thú vị đã diễn ra ở thị trường ô tô Việt Nam tháng 5/2024 vừa qua. Cụ thể, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) tiêu thụ trên toàn thị trường đã tụt lại phía sau so với xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Đây là một hiện tượng lạ bởi ngoại trừ thời điểm bùng nổ ô tô nhập khẩu hồi năm 2009, doanh số bán hàng của các loại xe CKD luôn dẫn trước xe CBU với khoảng cách khá xa.

Sản lượng bán hàng của các loại ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ đạt 11.985 chiếc, chiếm gần 46,5% tổng dung lượng thị trường tháng 5/2024.

Sản lượng bán hàng của các loại ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ đạt 11.985 chiếc, chiếm gần 46,5% tổng dung lượng thị trường tháng 5/2024.

Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, đã có 25.794 ô tô được bán ra trên toàn thị trường trong tháng 5/2024 vừa qua, tăng nhẹ 6% so với tháng liền trước và tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. (Con số thống kê này không bao gồm sản lượng bán hàng của Hyundai Thành Công).

Trong đó, đáng chú ý là sản lượng bán hàng của các loại ô tô CKD chỉ đạt 11.985 chiếc, chiếm gần 46,5% tổng dung lượng thị trường tháng 5, hầu như đứng yên so với tháng liền trước. Ở phía bên kia, các loại xe CBU được nhập khẩu về nước đạt 13.809 chiếc, tăng trưởng đến 12%.

Tỷ trọng doanh số bán hàng của một số hãng xe lớn cũng cho thấy rất rõ hiện tượng hãm phanh đột ngột của nhóm ô tô CKD so với CBU.

Toyota Việt Nam là một điển hình. Dữ liệu thống kê cho thấy liên doanh này đã bán ra thị trường 5.356 xe, tăng trưởng 19% so với tháng liền trước. Tuy nhiên, sản lượng bán hàng các loại xe CKD chỉ đạt 1.740 chiếc trong khi xe nhập khẩu đạt 3.616 chiếc, chiếm đến 67,6% tổng doanh số của hãng.

Mitsubishi, thương hiệu đang chiếm thị phần lớn thứ 4 tại thị trường ô tô Việt Nam, thậm chí còn thể hiện rõ hơn. Cũng theo báo cáo của VAMA, hãng xe này dã bán ra thị trường 3.151 chiếc trong tháng 5/2024, tăng 11,9% so với tháng liền trước. Trong đó, đáng chú ý là các loại xe lắp ráp trong nước chỉ chiếm tỷ trọng vẻn vẹn 8,7%, đạt 276 chiếc; doanh số xe nhập khẩu chiếm đến 91,3%, đạt 2.875 chiếc.

Sẵn sàng bung sức?

Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng hãm phanh chờ giảm lệ phí trước bạ của ô tô CKD là hiện tượng hoàn toàn dễ hiểu. Bởi lẽ, khả năng lệ phí trước bạ đối với các loại xe CKD tiếp tục có lần thứ 4 được giảm 50% gần như chắc chắn xảy ra. Mới đây, Chính phủ cũng đã đồng thuận với giải pháp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước thông qua chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ, đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện sớm các văn bản chính sách.

Đáng chú ý là ngày 17/6/2024 vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 65/2024/NĐ-CP theo đó gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô CKD. Tương tự chính sách lệ phí trước bạ, đây đã là lần thứ 4 mặt hàng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt.

Vì vậy, nhiều khả năng trong những ngày cuối tháng 6, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ ô tô trong nước sẽ chính thức được ban hành và áp dụng kể từ ngày 1/7/2024.

Đối với người tiêu dùng, chi phí lăn bánh sau khi lệ phí trước bạ ô tô CKD giảm 50% có thể sẽ không thay đổi hoặc giảm không đáng kể, nhất là khi so sánh với xe nhập khẩu. Bởi thực tế ở 3 lần giảm lệ phí trước bạ trước đây, các hãng xe đều có những thay đổi chính sách giá và bán hàng nhằm cân bằng lợi ích giữa các dòng sản phẩm khác nhau.

Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ được hưởng lợi rất lớn nhờ chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Trước khi chính sách mới được ban hành, hầu hết các hãng xe đều đã và đang áp dụng các chương trình khuyến mại, giảm giá rất sâu nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Vì vậy, sau khi lệ phí trước bạ giảm 50%, các doanh nghiệp ô tô trong nước có thể sẽ hạn chế bớt các chương trình giảm giá, khuyến mại. Nhờ đó, các hãng xe lớn như Thaco (Kia, Mazda, Peugeot), Hyundai Thành Công, Toyota hay Ford sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng chi phí.

Sau cú hãm phanh tháng 5, sản lượng bán hàng của các loại ô tô CKD tháng 6 dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở tỷ trọng thấp so với xe CBU. Đây có thể được xem là động thái co mình giữ sức của ô tô CKD để bứt tốc trong giai đoạn nửa cuối năm 2024, khi lệ phí trước bạ chính thức được giảm 50% mức thu.

An Nhi

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/thay-gi-tu-hien-tuong-ham-phanh-dot-ngot-cua-o-to-lap-rap-trong-nuoc-183240624102140964.htm