Thấy gì từ việc doanh nghiệp FDI báo lỗ vẫn mở rộng quy mô?

Cứ 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động tại Việt Nam, có hơn 1 doanh nghiệp báo lỗ. Đáng chú ý, doanh nghiệp báo lỗ liên tục song vẫn mở rộng quy mô vốn đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chuyên gia cho rằng, đây là nghịch lý, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá với doanh nghiệp FDI và ngăn ngừa các vi phạm khác.

Hơn một nửa doanh nghiệp FDI báo lỗ

Bộ Tài chính vừa báo cáo Chính phủ kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2023 của các doanh nghiệp FDI. 28.918 doanh nghiệp FDI có dữ liệu báo cáo tài chính đầy đủ để phân tích.

Báo cáo cho thấy, doanh thu năm 2023 của các doanh nghiệp FDI đạt hơn 9,4 triệu tỷ đồng, giảm 426.920 tỷ đồng, tương đương 4,3% so với năm 2022.

Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp FDI năm 2023 ghi nhận đạt hơn 411.700 tỷ đồng, giảm khoảng 68.300 tỷ đồng so với năm 2022. Trong khi lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp FDI đạt gần 340.000 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 63.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu có chiều hướng gia tăng trong nhiều năm. Trong 28.918 doanh nghiệp FDI có dữ liệu báo cáo tài chính đầy đủ, có 16.292 doanh nghiệp FDI báo cáo kinh doanh thua lỗ, tăng 21,2%; số doanh nghiệp bị lỗ lũy kế là 18.140 đơn vị, tăng 15%.

Số doanh nghiệp bị lỗ mất vốn chủ sở hữu là 5.091 đơn vị, tăng 15,2%; trị giá lỗ lũy kế là 908.211 tỷ đồng, tăng 20%; trị giá âm vốn chủ sở hữu là 241.560 tỷ đồng, tăng 29%.

Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Như vậy, năm 2023 có hơn một nửa số doanh nghiệp FDI báo lỗ, hay nói cách khác, trung bình cứ 2 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam có hơn 1 doanh nghiệp FDI báo cáo đầu tư, kinh doanh thua lỗ.

Bộ Tài chính đánh giá, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng phần lớn tập trung vào các dự án quy mô đầu tư nhỏ và vừa.

Các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp chủ yếu là nhập khẩu linh kiện, thiết bị để gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, dây chuyền công nghệ ở mức độ trung bình để tận dụng ưu đãi về thuế, mặt bằng và lao động giá rẻ.

Điều đáng nói, số doanh nghiệp FDI báo lỗ, lỗ lũy kế mất vốn chủ sở hữu tăng đáng kể về số lượng và giá trị vốn. Nhiều doanh nghiệp báo lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô vốn đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung ở các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô mô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ. Nhiều doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư tại Việt Nam lớn, doanh thu cao, lợi nhuận trước thuế lớn nhưng mức đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp.

Chuyên gia kinh tế-tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, không thể không nghĩ đến việc chuyển giá trong doanh nghiệp FDI. Trong nhiều năm qua, câu chuyện doanh nghiệp FDI sử dụng công cụ chuyển giá tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách đã được nói đến. Nhiều doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, song thực tế cho thấy việc chống chuyển giá gặp nhiều khó khăn, nên tình trạng này vẫn tồn tại.

Siết quản lý doanh nghiệp FDI hoạt động không hiệu quả

Hành vi chuyển giá của doanh nghiệp FDI được thực hiện theo nhiều hình thức. Chẳng hạn, nhà đầu tư nước ngoài thường góp vốn vào doanh nghiệp trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết, nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực, từ đó nâng khống giá trị vốn góp, gây thất thu cho ngân sách.

Một hành vi phổ biến khác là doanh nghiệp FDI bán hàng hóa, nguyên vật liệu cho các bên có quan hệ liên kết với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Với lợi thế nắm giữ phần vốn lớn tại các doanh nghiệp Việt Nam, bên liên kết nước ngoài có quyền định đoạt giá chuyển giao hàng hóa, nguyên liệu để chuyển được nhiều lợi nhuận trước thuế ra nước ngoài…

Để hạn chế tình trạng này, theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, cần xây dựng kho dữ liệu về vật tư, nguyên vật liệu liên quan đến từng lĩnh vực, từng ngành, từ đó thường xuyên kiểm tra, giám sát theo định mức, chi tiêu và giá cả. Cùng với đó là kiểm tra, giám sát với từng đơn hàng, ngành hàng, từng lần xuất, nhập khẩu, từ giá cả đến khối lượng.

Còn chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá phù hợp với bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế. Song song với đó là có giải pháp tổng thể với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các bộ, ngành liên quan.

Từ góc độ quản lý, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra, thanh tra đối với các dự án đầu tư đang hoạt động; có biện pháp quản lý đối với những doanh nghiệp FDI hoạt động không hiệu quả hoặc có dấu hiệu vi phạm, gây thiệt hại đến nguồn thu ngân sách, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư - kinh doanh, kinh tế, xã hội.

Bộ Tài chính cũng đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu trong hệ thống thông tin và liên thông dữ liệu, thông tin về các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng giữa các cơ quan quản lý nhà nước; xây dựng các chỉ tiêu về hiệu quả đầu tư làm căn cứ đánh giá tác động của dự án FDI đối với kinh tế, xã hội, môi trường, nhằm quản lý, ngăn chặn kịp thời rủi ro có thể xảy ra.

Đề xuất khác từ cơ quan quản lý này là cần có phương án đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn, quản lý cho các cơ quan, đơn vị quản lý tại địa phương; tăng cương phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong kết nối, khai thác, đối chiếu thông tin chống chuyển giá, trốn thuế, quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp FDI…

Hương Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thay-gi-tu-viec-doanh-nghiep-fdi-bao-lo-van-mo-rong-quy-mo-693708.html