Bảo tàng Hoa Cương do Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương (SN 1957, giảng viên trường Đại học Quy Nhơn) mở tại chính mảnh đất quê hương của ông là xã Bình An, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương có thâm niên công tác hơn 40 năm trong ngành giáo dục. Ngay từ khi còn trẻ, ông đặt ước mong sẽ thực hiện ước mong xây dựng một bảo tàng gia đình hoặc bảo tàng làng xã, tại chính nơi ông chào đời nhằm lưu giữ hồn quê, xóm làng, tái sinh hồn quá khứ và phục sinh những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Năm 2004, ông đã bỏ cả tỷ đồng để xây dựng Nhà khuyến học Hoa Cương với gần 20.000 đầu sách trên diện tích 500m2. Đến năm 2017, ông Cương tiếp tục xây dựng Bảo tàng Hoa Cương tại xã Bình An.
Bảo tàng tọa lạc trên 2 khu đất liền kề, với diện tích 1.500m², nằm sát quốc lộ 281. Trong đó, trung tâm bảo tàng có diện tích gần 1.000m². Hiện tại, bảo tàng đã trưng bày 4.000 hiện vật, cổ vật quý hiếm và 3.700 đầu sách, tài liệu, bút tích, hình ảnh các loại phản ánh khá đa diện về đời sống, văn hóa truyền thống của người Việt.
Những hiện vật, tài liệu này được ông sưu tầm, đi tìm tòi trong quãng thời gian 50 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Phần lớn các hiện vật đều được sưu tầm ở khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh.
Các hiện vật, tài liệu được phân chia thành từng vị trí để trưng bày. Tầng 1 trưng bày các loại sách, tầng 2 đồ cổ quý giá cùng các nông cụ xưa. Ngoài ra phía ngoài cổng chính đặt hàng trăm chiếc chum, bình sứ xưa.
Tất cả đều được sắp xếp theo hệ thống với 13 chủ đề như: Nông cụ truyền thống, tiền cổ Việt Nam, nước ngoài, hiện vật chiến tranh, hiện vật thời bao cấp.
Các hiện vật do ông Cương sưu tầm rất phong phú, đa dạng, gồm: đồ tre, đồ gốm sứ, đồ đồng, đồ gỗ, đồ sắt, đồ hợp kim…và những hiện vật thời kháng chiến.
Những hiện vật được bày biện rất đẹp mắt, phân loại theo các chủ đề riêng.
Đặc biệt trong những hiện vật cổ được trưng có hiện vật mộc hóa thạch niên đại hàng triệu năm sưu tầm ở Tây Nguyên được đặt ở trung tâm của bảo tàng.
Còn đây là hũ tiền thời nhà Lê Trung Hưng được ông mua lại của một người dân trong xã Bình An (huyện Lộc Hà).
Cạnh đó là những bộ dụng cụ bằng đá thời tiền sử niên đại hàng ngàn năm, cùng hàng ngàn hiện vật cổ xưa có từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn cũng như các hiện vật thời chiến tranh và thời bao cấp.
Đây là miếng lót giếng thời Lê (Năm Quang Thuận thứ 10 -1469). Theo Tiến sỹ Cương thì đây là cổ vật hiếm hoi này được ông tìm thấy tại nhà một người dân trong xã. Nhiều người sau khi biết đã tìm về bảo tàng ngỏ ý mua lại nhưng ông không đồng ý.
Bộ sưu tập công cụ sản xuất thời tiền sử.
Còn đây là bộ chén đĩa, bát, nồi đồng được tiến sĩ sưu tầm trong thời gian dài.
Sau khi sưu tầm, các cổ vật đã được chủ nhân bảo tàng mời chuyên gia tại Bảo tàng Hà Tĩnh thẩm định, xử lý khoa học và số hóa. Trong ảnh là rùa đá cổ có nguồn gốc ở khe Hao, núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) với niên đại hàng ngàn năm.
Không chỉ sưu tầm các hiện vật Việt Nam, nhiều hiện vật tại đây có xuất xứ từ nước ngoài
Theo Tiến sĩ Cương, Bảo tàng là nơi tái sinh hồn quá khứ, phục sinh những giá trị truyền thống; lưu giữ, truyền trao những di sản, giá trị văn hóa cho muôn sau. Đồng thời là trường học truyền thống, thức tỉnh, giáo dục tình yêu cội nguồn, quá khứ cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ.
Ngoài các hiện vật, tài liệu trưng bày trong nhà, phía bên ngoài còn trưng bày 2 mô hình biểu tượng Hoàng Sa và Trường Sa cùng nhiều hiện vật thuyền cổ được sưu tầm từ Thái Bình đến Quảng Bình như: 15 chiếc thuyền cổ được làm bằng tre và gỗ, lưới đánh cá, mỏ neo thuyền bằng gỗ…
Các loại xe cổ cũng được ông Cương sưu tầm về lưu giữ tại bảo tàng. Theo ông Cương, hiện ông đang lên kế hoạch xây dựng khu ẩm thực truyền thống diện tích hơn 500m2, nhằm phục hồi những món ăn truyền thống để phục vụ du khách đến tham quan bảo tàng và du lịch trong tương lai.
Hoài Nam