Thầy và trò nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống
Ngoài làm tốt công tác chuyên môn, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp học sinh bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống
Nhiều năm nay, Trường Phổ thông dân tộc nội trú – THCS Cư Mgar (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã chú trọng giáo dục công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh toàn trường. Qua đó, không chỉ giáo dục cho các em học sinh hiểu, yêu mến mà còn trân trọng bản sắc văn hóa và có ý thức tự tôn dân tộc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Thầy Nguyễn Huy Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú – THCS Cư Mgar thông tin, toàn trường có 155 học sinh, với 13 dân tộc anh em. Trong đó, học sinh người Ê Đê chiếm 70%.
“Mỗi học sinh của trường là đại diện văn hóa của một vùng quê, một dân tộc. Do đó, việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt của Trường Phổ thông dân tộc nội trú – THCS Cư Mgar. Trường luôn tạo điều kiện để học sinh được trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và tiếp xúc với các giá trị văn hóa của dân tộc khác để dòng chảy văn hóa không ngừng được nuôi dưỡng và lớn mạnh”, thầy Hoan chia sẻ.
Thời gian qua, Ban Giám hiệu nhà trường luôn tạo điều kiện cho các em học sinh tiếp cận và trải nghiệm với các giá trị văn hóa truyền thống thông qua nhiều hình thức khác nhau. Theo đó, mỗi năm học, nhà trường đều mời các nghệ nhân về dạy các nghề truyền thống (nấu rượu cần, dệt thổ cẩm...), dạy đánh các nhạc cụ dân tộc cho học sinh.
Mới đây, nhà trường đã mời một nghệ nhân trên địa bàn về truyền dạy cho học sinh cách làm Rượu cần Ê Đê ngày Tết. Được tham gia hoạt động thiết thực, ý nghĩa này, các em học sinh của trường vô cùng hồ hởi, háo hức.
Sau gần 3 giờ đồng hồ, dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân, các em học sinh đã hoàn thành sản phẩm đầu tay với 4 ché rượu cần, mỗi ché 4 lít vô cùng chất lượng mang hương vị đậm dà bản sắc dân tộc với men rượu tự nhiên, gạo nếp, vỏ trấu, lá chuối...
Hơn 10 năm nay, trường còn thành lập một câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc với sự tham gia của 13 học sinh. Qua đó, góp phần phát huy năng khiếu, giúp các em hiểu và chơi thành thạo các loại nhạc cụ như: Ching K’ram, đàn T’rưng, Đinh tút... Đồng thời, nhà trường còn phối hợp với Trung tâm Văn hóa huyện để dạy đánh các loại nhạc cụ dân tộc cho học sinh.
Không chỉ vậy, tại buổi chào cờ hàng tuần, Trường Phổ thông dân tộc nội trú – THCS Cư Mgar đã tổ chức hoạt động sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh như: Thi thời trang, nấu các món ăn truyền thống của các dân tộc như: cà đắng cá khô (người Ê Đê); khâu nhục, canh gà gừng (người Dao); bánh dày và bánh khảo (người Tày)...
“Mỗi tuần, nhà trường đều tổ chức 1 hoạt động sinh hoạt dưới cờ để giúp cho các em học sinh có ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc mình. Tại buổi sinh hoạt, các em sẽ tự tay chuẩn bị và giới thiệu các món ăn truyền thống của các dân tộc mình để các thầy cô và học sinh trong trường được biết. Để khích lệ, động viên tinh thần cho các em học sinh, kết thúc mỗi buổi sinh hoạt, Ban Chấp hành Công đoàn của trường sẽ tổ chức chấm thi và có phần thưởng xứng đáng cho các em”, thầy Hoan cho hay.
Vào dịp ngày 26/3, nhà trường cũng tổ chức một buổi sinh hoạt ngoại khóa để cho các em thi nấu ăn, trò chơi dân gian, nhạc cụ dân tộc, các nghề truyền thống (nấu rượu cần, dệt thổ cẩm...).
“Trước khi tổ chức các cuộc thi, nhà trường đều hướng dẫn, khuyến khích các em học sinh thường xuyên hỏi thăm kiến thức từ những già làng, các mẹ, các bà trong các buôn làng để hiểu hơn về văn hóa của dân tộc. Từ đó, giúp các em hiểu và phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc vào trong hoạt động trải nghiệm đạt kết quả cao và ý nghĩa hơn”, cô Vương Thị Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú – THCS Cư Mgar lý giải.
Hàng năm, trường còn tổ chức cho các em học sinh tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật khởi nghiệp cấp huyện, cấp tỉnh. Qua đó, nhằm phát huy tinh thần không ngừng sáng tạo trong học tập và giúp học sinh có điều kiện nghiên cứu, hiểu thêm về văn hóa dân tộc.
Được biết, trong năm học 2023-2024, Trường Phổ thông dân tộc nội trú – THCS Cư Mgar có 2 sản phẩm khoa học cấp huyện, với 1 giải Nhất và 1 giải Nhì. Trong đó, 1 sản phẩm giải nhất được tham dự thi cấp tỉnh vào ngày 20/1/2024.
Giúp học sinh trân trọng di sản văn hóa dân tộc
Em H’Rên Niê Kđăm (người dân tộc Ê Đê, học sinh lớp 8, Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THCS Cư Mgar) cho hay: “Thông qua các hoạt động học tập, trải nghiệm, em cảm thấy bản sắc văn hóa dân tộc của mình rất phong phú. Em cảm thấy rất tự hào và luôn quyết tâm chung tay bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc. Quá trình tham gia các hoạt động tại trường, em mới biết dân tộc mình có những phong tục mà trước giờ chưa từng nghe tới như “tục nối dây”. Để hiểu hơn về văn hóa của dân tộc mình, mỗi khi về với buôn làng, em đều tìm đến ông, bà, cha mẹ để hỏi thăm về các phong tục, nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua đó, em được nghe kể lại rất nhiều câu chuyện thú vị, giúp bản thân em ngày càng yêu quý văn hóa truyền thống mà cha ông để lại”.
Tương tự, em Đàm Hà Kiều Ngân (học lớp 7) cũng đã từng tham gia tuyên truyền, giới thiệu cho học sinh, thầy cô giáo trong trường về nhiều loại nhạc cụ, món ăn, trang phục truyền thống của dân tộc Tày.
Công tác tại trường 22 năm nay, thầy Nguyễn Công Long, Phó Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Để am hiểu tất cả các bản sắc văn hóa của 13 dân tộc là điều không phải dễ dàng. Lúc đầu, bản thân tôi rất lạ lẫm và mơ hồ với các nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, sau nhiều lần trực tiếp đến các buôn làng để nắm bắt hoàn cảnh của mỗi học sinh, đồng thời qua tiếp xúc với học sinh và cha mẹ học sinh, tôi dần hiểu hơn về những nét đặc sắc trong văn hóa của các dân tộc. Từ đó, có thêm kiến thức để để giảng dạy cho các em”.
Ngoài ra, các giáo viên, cán bộ quản lý trong trường còn học tiếng dân tộc để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các em học sinh và có biện pháp hỗ trợ cho học sinh cách kịp thời. Đồng thời, việc tiếp cận, giảng dạy cho các em cũng thuận lợi hơn.
Theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Công Long, bằng các hoạt động thiết thực nói trên, nhà trường mong muốn góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho các em học sinh. Đồng thời, hình thành và rèn luyện kỹ năng sống (kỹ năng nói, giao tiếp, làm việc tập thể, tinh thần trách nhiệm...) cho mỗi học trò. Đặc biệt, qua đó cũng giúp các em biết quý trọng, gìn giữ vẻ đẹp bản sắc văn hóa dân tộc của mình.
Đồng thời, nâng cao thái độ trân trọng di sản văn hóa dân tộc và trách nhiệm đối với sự phát triển của cộng đồng và quê hương, hình thành ở các em tình cảm trong sáng, cao đẹp, yêu thương, gắn bó với cộng đồng. Ngoài ra, nhà trường cũng mong muốn xây dựng khối đại đoàn kết của 13 dân tộc ngay trong chính ngôi trường của mình.