Thấy vết đen 'lạ' ở chân, nam thanh niên đến thẩm mỹ đốt đi ai ngờ mắc bệnh nặng hơn

Nam thanh niên phát hiện lòng bàn chân có vết đen không đau hay ngứa, nghĩ là nốt ruồi nên đi đốt. Không ngờ bác sĩ đưa ra cảnh báo này.

Nghĩ là nốt ruồi hoặc mụn cơm, nam thanh niên không ngờ mắc ung thư da

Theo Bệnh viện Da liễu Trung ương, nam thanh niên 25 tuổi (ở Hà Nội) đến khám viện khám và cho biết, anh cho biết bản thân phát hiện lòng bàn chân có một vết đen, không gây đau, ngứa ngáy, không lồi lên mà bằng phẳng, lan theo dạng bề ngang cách đây hơn 1 năm. Nghĩ là nốt ruồi hoặc mụn cơm, anh đến một cơ sở thẩm mỹ đốt.

Sau khi đốt, tưởng vết thương lành ngay ai ngờ tổn thương sau đốt của bệnh nhân ngày càng to dần. Khi tới bệnh viện, vết loét rộng tới hơn 1cm, chảy máu, rất khó đi lại.

Trao đổi với báo Vietnamnet, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương chia sẻ: "Bác sĩ da liễu khi nhìn tổn thương bằng mắt thường, không cần dùng máy cũng biết chính xác đó là ung thư hắc tố".

Đáng chú ý với tổn thương ung thư tưởng là nốt ruồi này, càng đốt sâu, càng loét hơn, chảy máu, không thể liền được.

Có thể bạn chưa biết, ung thư hắc tố di căn rất nhanh bởi tế bào ung thư bị "kích thích" khi bị đốt, nhanh chóng "chui" vào mạch máu và lan tỏa khắp nơi, không chỉ ở bàn chân. Do đó, bệnh nhân không những có nguy cơ bị cắt cả bàn chân mà còn phải nạo vét hạch vị trí cao, phối hợp hóa chất, trị liệu...

Nữ bác sĩ nhận định số bệnh nhân ung thư da tăng tương đối rõ rệt. Một nghiên cứu của bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương trong 6 năm (từ 2017-2022) cho thấy có 1.133 bệnh nhân ung thư da điều trị nội trú tại cơ sở y tế này. Gần 70% trong số đó là bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào đáy (riêng 3 năm 2020-2022 có 407 ca).

Theo các bác sĩ, ung thư da có xu hướng trẻ hóa, nhiều thanh niên chỉ mới 20-30 tuổi đã mắc căn bệnh trước đây thường gặp ở trung niên. Thậm chí, không ít trường hợp cùng lúc bị nhiều loại ung thư trên cùng một nền da.

Bác sĩ Minh cũng cho biết so với trước đây số bệnh nhân hiện phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhiều hơn nhưng trong một nghiên cứu của viện này, hơn 50% ca ung thư da đã ở giai đoạn muộn tại thời điểm phát hiện, chẩn đoán.

"Bệnh nhân thấy vết loét thấy lâu liền, chảy máu ở nốt ruồi, vết trợt trên tổn thương cũ… thì đến viện, nhưng khi đã có biểu hiện này, bệnh thường đã ở giai đoạn sau. Bởi ung thư da thường xuất hiện và tiến triển trong thời gian dài trước khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng", theo bác sĩ Minh.

Tiến sĩ Minh. Ảnh: Vietnamnet.

Tiến sĩ Minh. Ảnh: Vietnamnet.

Tổng quan về ung thư da

Ung thư da gồm nhiều loại nhưng 3 nhóm hay gặp nhất gồm: biểu mô tế bào đáy (là giữa lớp thượng bì và trung bì của da); biểu mô tế bào vảy và tế bào hắc tố.

Trong đó, ung thư tế bào hắc tố là loại ác tính nhất, nguy cơ tử vong cao nhất. Ung thư tế bào đáy rất phổ biến, tiên lượng điều trị khả quan, lên tới 90% nếu phát hiện sớm.

Với ung thư biểu mô tế bào vảy thường được phát hiện ở nam giới có tiền sử chít hẹp bao quy đầu nhưng không xử lý đúng khi còn nhỏ. Nhóm người này có nguy cơ mắc ung thư khi mới ở tuổi 20-30.

Nốt ruồi không xử lý đúng cách gây ung thư hóa là tình trạng các bác sĩ da liễu thường xuyên gặp, như trường hợp trên đây.

Mỗi người có trung bình khoảng 10-40 nốt ruồi trên cơ thể. Đa số các nốt là lành tính, song cũng có một số nguy cơ ác tính, bị "ác tính hóa" do nằm ở các vị trí cọ xát trên cơ thể hoặc vị trí tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và hóa chất.

Ung thư tế bào hắc tố gặp nhiều nhất là các tổn thương nằm ở lòng bàn tay và bàn chân. Ngoài ra, các nốt ruồi nằm ở vùng cọ xát như ở khu vực quai áo, cạp quần, vùng cổ, nguy cơ biến tính cao do thường xuyên bị cọ xát, thậm chí gây chảy máu.

Chuyên gia chỉ cách giúp bạn phòng tránh ung thư

Trước đó, từng trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, Bác sĩ Tăng Minh Hoa cho biết, ung thư là một căn bệnh được đặc trưng bởi sự phát triển không kiểm soát của các tế bào bất thường. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới.

Dưới đây là những cách có thể giúp bạn phòng ngừa ung thư:

- Tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể: Nguyên nhân chính xác của bệnh ung thư vẫn chưa được biết, nhưng sự phát triển của các tế bào ung thư hoặc khối u xảy ra do khả năng miễn dịch giảm. Các tế bào lạ xâm nhập cơ thể và không bị phát hiện khi hệ miễn dịch suy yếu. Theo đó, một hệ thống miễn dịch tốt đòi hỏi lối sống lành mạnh, có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư.

- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Duy trì cân nặng khỏe mạnh thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục là yếu tố quan trọng xây dựng một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.

- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn uống lành mạnh có thể giúp kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa ung thư. Bạn nên bổ sung một chế độ ăn uống lành mạnh giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc có thể giúp kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa ung thư. Những thực phẩm này chứa chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa có thể bảo vệ cơ thể khỏi các chất gây ung thư. Giảm tiêu thụ rượu hoặc tránh nó hoàn toàn cũng có thể giúp ngăn ngừa những bệnh nguy hiểm này.

- Thực hiện các xét nghiệm và sàng lọc thường quy: Xét nghiệm sàng lọc được thực hiện để phát hiện các bệnh hoặc rối loạn sức khỏe tiềm ẩn ở những người không có bất kỳ triệu chứng bệnh nào. Mục tiêu là phát hiện sớm và thay đổi lối sống hoặc theo dõi, để giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc phát hiện đủ sớm để điều trị hiệu quả nhất. Việc tầm soát ung thư thường xuyên, kiểm tra sức khỏe, tiêm vaccine phòng một số bệnh lây truyền qua đường tình dục... cũng rất quan trọng để phòng ngừa ung thư. Áp dụng những thói quen lành mạnh này, các cá nhân có thể kiểm soát sức khỏe của mình và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư nghiêm trọng.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thay-vet-den-o-channam-thanh-nien-den-tham-my-dot-di-ai-ngo-mac-benh-a637947.html