Thay vì biên soạn thêm một bộ SGK, Bộ GD&ĐT còn nhiều việc phải làm

Theo bà Hồ Thị Minh, Bộ GD&ĐT không nên biên soạn thêm một bộ SGK, thay vào đó cần rà soát, chỉ đạo hoàn thiện thêm 3 bộ sách đang sử dụng.

Năm 2023, có cuộc giám sát của UBTVQH chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông". Trong kết luận nêu rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chưa thực hiện được nội dung biên soạn SGK và yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Sau kết luận, có nhiều ý kiến được đặt ra xung quanh việc là “Bộ GD&ĐT có nên ban hành bộ sách này hay không?”

Bên hành lang Quốc hội sáng 30/10, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi ĐBQH Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) – là đại biểu từng công tác trong ngành giáo dục.

NĐT: Thưa đại biểu, mới đây, Đoàn Giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến yêu cầu làm một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT biên soạn. Là Đại biểu từng công tác trong ngành giáo dục, xin bà cho biết lý do tại sao kết luận lại có yêu cầu Bộ GD&ĐT phải làm một bộ SGK?

ĐBQH Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội.

ĐBQH Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội.

ĐBQH Hồ Thị Minh: Đây là vấn đề rất nhiều đại biểu quan tâm, trăn trở khi thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong Nghị quyết 29 đã chỉ rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT phải chủ công biên soạn một bộ SGK chung cho toàn quốc.

Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông" cũng kết luận Bộ GD&ĐT chưa thực hiện được nội dung biên soạn SGK và yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này.

Hiện, chúng ta đang sử dụng 3 bộ SGK chính là: Kết nối tri thức, Cánh diều và Chân trời sáng tạo. Dù có những ý kiến khác nhau về việc thực hiện đổi mới chương trình 2018, trên thục tế, thầy trò cả nước đã và đang thực hiện tốt một chương trình nhiều bộ SGK .

NĐT: Như vậy, Bộ GD&ĐT đã không làm một bộ SGK tại thời điểm Chương trình GDPT 2018 bắt đầu triển khai. Đặt vấn đề vào bối cảnh hiện nay chúng ta đã có 3 bộ SGK đang được sử dụng, hơn nữa đã sắp đến thời gian tổng kết việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, vậy có cần thiết không khi yêu cầu Bộ GD&ĐT làm một bộ SGK?

ĐBQH Hồ Thị Minh:

Theo tôi, 3 bộ sách đang sử dụng cơ bản ổn. Về dung lượng kiến thức đang ổn, các địa phương cũng đang sử dụng.

Hiện, tôi cho rằng trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là phải giải trình trước Quốc hội và Chính phủ tại sao không thực hiện nội dung ngay trong Nghị quyết 29?

Các nhà khoa học giáo dục , các nhà giáo đầu ngành có năng lực đã được quy tụ để thực hiện ba bộ SGK trên. Còn để bây giờ Bộ GD&ĐT quy tụ được các nhân tài để viết một bộ sách là khó . Bởi, ai là người đứng ra để cam đoan bộ sách này bao giờ xong? Khi nào sẽ hoàn thiện? Liệu trong bộ sách mới này có sạch “sạn” hay không?

Về mặt giá thành, thiết nghĩ Bộ cần phải làm thế nào đó để điều kiện học sinh ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn được tiếp cận tất cả các bộ sách học mà không quá áp lực với tất cả phụ huynh trong đầu năm học.

ĐBQH cho rằng việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK mới là không cần thiết ở thời điểm hiện tại.

ĐBQH cho rằng việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK mới là không cần thiết ở thời điểm hiện tại.

Còn bây giờ cứ loay hoay đi vào soạn thêm một bộ sách thì 5 năm sau chúng ta mới đánh giá được Nghị quyết 29. Như thế, Nghị quyết này sẽ không thật sự đi vào cuộc sống. Đây là điều bản thân tôi cũng rất trăn trở.

Đối với 3 bộ sách đang dùng hiện nay theo tôi thấy đang rất ổn, chỗ nào còn “sạn” thì ban biên tập, tổ thẩm định và Bộ GD&ĐT phải ngồi lại rà soát, chỉ đạo để hoàn thiện các bộ sách này để đưa vào guồng luôn. Đất nước đang khó khăn, nếu dùng nguồn lực, ngân sách để biên soạn một bộ SGK mới thì sẽ không mang lại hiệu quả, gây lãng phí và dễ dẫn đến độc quyền.

NĐT: Để chương trình giáo dục phổ thông mới đi vào triển khai, thực hiện một cách có hiệu quả theo bà điều cốt lõi cần lưu tâm ở đây là gì?

ĐBQH Hồ Thị Minh: Đó là đội ngũ làm công tác giáo dục, bởi theo Nghị quyết 29 là đổi mới toàn diện nhưng ở các trường đại học ngay trước thềm năm học mới vừa qua tôi thấy chưa có bất kỳ một mô hình đào tạo nào để giáo viên dạy được các môn tích hợp.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn bà!.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thay-vi-bien-soan-them-mot-bo-sgk-bo-gddt-con-nhieu-viec-phai-lam-a633446.html