'Thế chân vạc' xuất khẩu ô tô sang Việt Nam
Ba tháng đầu năm, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng gấp rưỡi về số lượng và giá trị, trong đó lượng xe Trung Quốc tăng nhanh, chiếm một phần năm.
Theo số liệu của Hải quan, trong quý I/2025 cả nước nhập khẩu 46.457 ô tô nguyên chiếc, trị giá 982,5 triệu USD.
So với tháng trước, lượng xe nhập khẩu tăng (+22,5%) và tăng vọt (+44,2%) so với cùng kỳ năm trước. Về mặt giá trị, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 46% so cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu, xe xuất xứ Trung Quốc nhập cảng là 9.907 chiếc (trị giá 306,8 triệu USD), chiếm tỷ trọng 21% tổng số xe nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Về quy mô, chỉ có Indonesia (18.350 chiếc) và Thái Lan (16.084 chiếc) là những nước xuất khẩu ô tô nhiều hơn Trung Quốc.

Lượng xe Trung Quốc về Việt Nam tháng 3 tăng gấp đôi tháng 2/2025, trị giá 306 triệu USD. Ảnh minh họa
Như vậy, thế chân vạc về xuất khẩu ô tô sang Việt Nam được thiết lập một cách tương đối ổn định trong hai năm qua, lần lượt gồm Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc.
Ba nước này chiếm 93% lượng xe nhập cảng của Việt Nam. Ngược lại, các trung tâm ô tô lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU chỉ chiếm 6% còn lại.
Indonesia trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất sang Việt Nam, nhãn hiệu chủ lực là Mitsubishi và Toyota. Xe nhập Indonesia chủ yếu là xe con.
Thái Lan nhiều năm trước ở vị trí số 1, nay tụt xuống vị trí thứ 2 với các nhãn hiệu chủ lực của Toyota và Honda.
Trung Quốc đứng thứ ba với kiểu loại đa dạng hơn, gồm cả xe con và xe tải, xe chuyên dùng. Tỷ trọng xe con chiếm khoảng 30% trong tổng lượng xe Trung Quốc.
Việt Nam tiếp tục là thị trường ô tô trọng điểm của Indonesia và Thái Lan là bởi hai nước này cùng khu vực ASEAN, hưởng thuế nhập khẩu 0% theo hiệp định ATIGA.
Trung Quốc đang tăng cường bán xe con tới ASEAN và Việt Nam là cửa ngõ quan trọng để thâm nhập khu vực này, với sự hiện diện của 14 thương hiệu trong vòng 2 năm.
Theo các chuyên gia, xe nhập khẩu là thách thức với xe lắp ráp trong nước bởi các chính sách thuế quan có xu hướng “xuống thang” theo các hiệp định thương mại đã ký.
Nhà nước đã nhiều lần có chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất xe nội địa, gồm 4 lần giảm lệ phí trước bạ (giảm 50%), nhưng thời gian ưu đãi bị rút ngắn dần (từ 6 tháng xuống 3 tháng).
Mới đây nhất, Chính phủ quyết định gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho các nhà sản xuất ô tô (nghị định 81/2025) với số thuế ước tính khoảng 14.100 tỷ đồng, được chậm nộp thêm 5 tháng (tháng 6 đến tháng 11/2025).
Việc thực hiện chính sách giãn thuế không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025, do thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 20/11/2025, theo Bộ Tài chính.
Đồng thời, việc hoãn nộp thuế giúp các hãng xe có thêm nguồn lực để sản xuất kinh doanh trong 5 tháng, tăng cường sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.