Tín dụng Khu vực 6 duy trì ổn định khi sắp xếp hành chính
Vận hành theo mô hình mới, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6 bước đầu khẳng định tinh thần đổi mới và thích ứng linh hoạt.
Dù còn không ít khó khăn từ quá trình sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai chính quyền hai cấp, toàn hệ thống vẫn duy trì hoạt động ổn định, thông suốt, thể hiện quyết tâm cao trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ phát triển kinh tế vùng.
Đổi mới và thích ứng linh hoạt
Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6 là tổ chức hành chính thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh và Thái Bình theo Quyết định số 306/QĐ-Ngân hàng Nhà nước ngày 24/02/2025 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối trên địa bàn và thực hiện một số nghiệp vụ ngân hàng Trung ương theo ủy quyền của Thống đốc; trụ sở đặt tại thành phố Hải Phòng.

Chuyên viên lĩnh vực tài chính, kế hoạch phường An Hải, thành phố Hải Phòng tiếp nhận hồ sơ của người dân. Ảnh: Minh Thu - TTXVN
Ngành ngân hàng đang tiên phong trong chuyển đổi số, trở thành yêu cầu chiến lược để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thời đại số.
Theo ông Mai Việt Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6, trong những tháng đầu năm 2025, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chịu tác động bởi nhiều yếu tố, từ các chính sách thuế quan thay đổi nhanh chóng, đến căng thẳng địa chính trị gia tăng. Lạm phát mặc dù hạ nhiệt về mức mục tiêu nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trên thị trường tài chính - tiền tệ và thị trường hàng hóa toàn cầu. Những yếu tố này ảnh hưởng không nhỏ đến những nền kinh tế có độ mở lớn, trong đó bao gồm cả Việt Nam.
Về mạng lưới và hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, hiện trên địa bàn có 98 pháp nhân tổ chức tín dụng, bao gồm: 1 Ngân hàng thương mại (Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam hiện đại) và 97 quỹ tín dụng nhân dân.
Hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch, gồm: 92 chi nhánh tổ chức tín dụng cấp 1 (26 Chi nhánh Ngân hàng thương mại Nhà nước; 54 Chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần; 2 chi nhánh ngân hàng liên doanh; 3 chi nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 1 chi nhánh ngân hàng phát triển; 2 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội; 1 chi nhánh công ty cho thuê tài chính; 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô và 2 chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã) và 435 Phòng giao dịch và chi nhánh cấp 2 của Ngân hàng Nông nghiệp; 1 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài và 1 chương trình dự án tài chính vi mô.
Trên địa bàn Hải Phòng nói riêng và Khu vực 6 nói chung, hoạt động ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2025 cơ bản ổn định, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tín dụng tăng trưởng hợp lý với quy mô dư nợ cho vay tính đến thời điểm 30/6/2025 (bao gồm Hải Phòng cũ và Hải Dương cũ) ước đạt 452.977 tỷ đồng, tăng 10,42% so với cuối năm 2024; tiếp tục tập trung dòng vốn hướng tới các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 3 trụ cột kinh tế mũi nhọn của thành phố Hải Phòng: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Tín dụng bất động sản tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, nhất là các phân khúc rủi ro cao.
Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm. Tính đến thời điểm 30/6/2025, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới trên địa bàn ở mức 6,29%/năm, giảm 0,64%/năm so với cuối năm 2024.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, xây dựng phương án điều chỉnh, sắp xếp lại 15 Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực, đảm bảo đồng bộ với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh kể từ ngày 1/7/2025.
Tại buổi tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng ngày 9/7, ông Mai Việt Trung chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc nổi lên trong hoạt động ngân hàng trên địa bàn vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh triển khai sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện mô hình chính quyền hai cấp tại địa phương.
Khó khăn đầu tiên là việc thay đổi địa giới, tên gọi và cơ cấu đơn vị hành chính cấp xã, huyện buộc các Tổ chức tín dụng trên địa bàn phải rà soát, cập nhật lại địa chỉ pháp lý, thông tin khách hàng, tài sản bảo đảm, hồ sơ tín dụng; điều chỉnh quy hoạch mạng lưới phòng giao dịch, tránh chồng chéo giữa các đơn vị do ranh giới mới thay đổi; điều chỉnh hệ thống phần mềm lõi và báo cáo giám sát nội bộ theo mã đơn vị hành chính mới.
Tiếp đó, tác động đến hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Việc bỏ cấp huyện tại một số địa phương đã dẫn đến không còn Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, ảnh hưởng tới cơ chế phối hợp, giám sát và ra quyết định cấp tín dụng chính sách.
Thêm nữa, một số địa điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội đặt tại trụ sở UBND xã cũ không còn được sử dụng, gây khó khăn trong tổ chức điểm giao dịch lưu động, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa; gây lo ngại về an ninh trật tự và an toàn hoạt động, do không còn lực lượng hỗ trợ trực tiếp tại địa phương.
Đối với quỹ tín dụng nhân dân, một số địa bàn xã sau sáp nhập trở nên rộng gấp 3-4 lần xã cũ, khiến việc quản trị, giám sát của quỹ tín dụng nhân dân gặp khó khăn. Có trường hợp một xã mới có tới 2-3 quỹ tín dụng nhân dân cùng hoạt động, dẫn tới chồng lấn địa bàn, cạnh tranh không lành mạnh, tiềm ẩn rủi ro hoạt động...
Từ thực tế hoạt động, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6 cho rằng, cần có chỉ đạo thống nhất giữa Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan về xử lý hệ quả sắp xếp hành chính với hoạt động ngân hàng; trong đó cần xây dựng lộ trình cập nhật mã địa giới hành chính, phương án sắp xếp mạng lưới.
Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi các văn bản pháp lý có liên quan để kịp thời điều chỉnh mô hình hoạt động phù hợp với đơn vị hành chính mới, đặc biệt là với Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân và dự án Tài chính vi mô; bảo đảm địa điểm, cơ sở vật chất cho hoạt động ngân hàng chính sách tại cấp xã để không gián đoạn phục vụ người dân.
"Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6 cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, thông suốt, hiệu quả và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn trong điều kiện đơn vị hành chính mới tại địa bàn", ông Mai Việt Trung nói.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tin-dung-khu-vuc-6-duy-tri-on-dinh-khi-sap-xep-hanh-chinh/379990.html