Nâng 'chất' doanh nghiệp tư nhân, kỳ vọng sự bứt phá từ thể chế
Việc phát triển kinh tế tư nhân ở ĐBSCL cần có sự chung tay của cả Nhà nước và doanh nghiệp, tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh, minh bạch, và bền vững.
Nông nghiệp ĐBSCL giữ vị thế quan trọng đối với cả nước, là vùng cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm lớn nhất, góp phần lớn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trong tăng trưởng của vùng có sự đóng góp rất lớn của ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp khu vực này đóng góp khoảng 31% vào GDP nông nghiệp cả nước. Trong đó, có vai trò tích cực của doanh nghiệp thể hiện trên nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế nông nghiệp của vùng vẫn còn hạn chế. Trong chuỗi giá trị nông sản, vai trò chính trong khâu đầu ra của kinh doanh theo chuỗi giá trị là doanh nghiệp, tuy nhiên sự tham gia với tư cách chủ thể kinh doanh và với tư cách dẫn dắt chuỗi của doanh nghiệp đối với một số loại nông sản chính của vùng chưa đều.
Năm 2023, Dự án Kết nối con người với thiên nhiên của anh Đỗ Đăng Khoa là chủ doanh nghiệp tư nhân Thảo Minh, Đồng Tháp cùng cộng sự đã vượt qua hàng trăm dự án khởi nghiệp để giành vị trí Quán quân tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần thứ 9, do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức. Trong đó, từ nguồn nguyên liệu xơ mướp qua các công đoạn đã trở thành một sản phẩm mang lại giá trị kinh tế khá cao.

Các dòng sản phẩm xơ mướp của anh Đỗ Đăng Khoa hiện đã cung cấp cho các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc
Vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, anh Đỗ Đăng Khoa quyết định đổi tên doanh nghiệp thành Công ty TNHH Green Is Gold và nỗ lực mở rộng nhà máy, nâng công suất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại… để đưa các sản phẩm từ xơ mướp vươn xa đến nhiều thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, theo anh Khoa, trong các bước đi đều rất khó khăn và rất cần “một lực đẩy”:
"Với những doanh nghiệp siêu nhỏ, tôi rất mong sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư. Bên cạnh đó là được quan tâm, tham dự các chương trình xúc tiến thương mại để chào mời sản phẩm, kết nối các thị trường" - anh Khoa cho biết.
Tính đến cuối năm 2024, ĐBSCL có 71.443 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước đó và là vùng có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động ở mức “khá” khi đứng vị trí thứ ba trong sáu vùng kinh tế của cả nước. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động của ĐBSCL cao hơn khu vực Tây Nguyên (26.599 doanh nghiệp) và Trung du và miền núi phía Bắc (42.882 doanh nghiệp), nhưng thấp hơn đáng kể so với các vùng còn lại, như Đông Nam bộ (382.342 doanh nghiệp), Đồng bằng sông Hồng (311.680 doanh nghiệp) và Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung (121.984 doanh nghiệp).

Sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL là thế mạnh của vùng đất này
Tuy nhiên, khi xét về chất lượng, doanh nghiệp ĐBSCL rất yếu khi bình quân trên mỗi doanh nghiệp chỉ có 7,5 lao động, cao hơn con số 7,2 của Trung du miền núi phía Bắc, bằng khu vực Tây Nguyên (7,5 lao động), nhưng thấp hơn rất nhiều lần so với các khu vực khác.
Rõ ràng, phát triển kinh tế tư nhân ở vùng ĐBSCL có tiềm năng lớn nhưng đang đối mặt với nhiều thách thức. Vùng này là vựa lúa, thủy sản của cả nước, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia và chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư trong nước, còn hạn chế, dẫn đến cơ sở hạ tầng yếu kém và năng suất lao động chưa cao.
Ông Phạm Thái Bình, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An phân tích: "Trong những cái khó khăn thì cơ chế chính sách mà hiện nay gọi là vấn đề thể chế không theo hỗ trợ kịp so với tiềm năng, lợi thế của khu vực này. Bởi việc hỗ trợ, tiếp sức phải đồng bộ thì mới có thể đồng hành phát triển. Cần thấy rằng khu vực này là vựa lúa, thủy sản và cây ăn quả lớn nhất cả nước. Thế nhưng trong thời gian qua, rõ ràng là sự hỗ trợ còn chưa tương xứng. Rào cản quá nhiều thì doanh nghiệp phải chật vật, đối phó nhiều".

Dù khu vực này là vùng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản lớn nhất cả nước; đóng góp hơn 50% vào thặng dư thương mại của Việt Nam, song ĐBSCL lại có tỷ lệ vốn đầu tư rất thấp.
Báo cáo kinh tế thường niên năm 2024 (AMDER 2024) với chủ đề “huy động đầu tư cho phát triển bền vững” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) cùng nhóm chuyên gia thực hiện, được công bố gần đây, cho thấy doanh nghiệp ĐBSCL yếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong đó, số lượng doanh nghiệp trên 1.000 dân của vùng ĐBSCL thuộc nhóm thấp nhất trong sáu vùng kinh tế cả nước, chỉ cao hơn Trung du và miền núi phía Bắc.
Cùng với đó, tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân của ĐBSCL so với cả nước giảm từ 14,9% (2014) xuống 12,4% (2023). Trong giai đoạn 2014-2023, vốn đầu tư tư nhân tại vùng tăng 7,7 lần (bình quân 6,2%/ năm), nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng bình quân cả nước là 2,1 lần (8,4%/năm). Khu vực này là vùng có tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư tư nhân thấp nhất cả nước trong 10 năm qua, cho dù đây là động lực tăng trưởng quan trọng nhất.
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL cho rằng: "Cần nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của hàng hóa nông sản vùng ĐBSCL bằng cách hỗ trợ hơn nữa việc áp dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng và đảm bảo ứng dụng công nghệ, trong đó có công nghệ số để truy suất nguồn gốc, minh bạch hóa các tiêu chuẩn nhằm đầu tư có chiều sâu các thương hiệu nông sản mà chúng ta có thế mạnh".
Theo nhiều chuyên gia phân tích và ngay trong báo cáo kinh tế thường niên năm 2024 cũng nêu ra, việc thiếu hụt vốn đầu tư đã trở thành một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến “vòng xoáy đi xuống” của kinh tế ĐBSCL trong nhiều năm qua. Dù khu vực này là vùng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản lớn nhất cả nước; đóng góp hơn 50% vào thặng dư thương mại của Việt Nam, song ĐBSCL lại có tỷ lệ vốn đầu tư rất thấp.
Cụ thể, tính theo bình quân đầu người, so sánh trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, ĐBSCL đứng thứ 3 về vốn ODA, thứ 4 về đầu tư công, thứ 5 về FDI, và thứ 6 về đầu tư tư nhân trong nước. Hệ quả là cơ sở hạ tầng yếu kém, cơ hội việc làm suy giảm, năng suất lao động trì trệ và sức cạnh tranh suy yếu.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia Kinh tế cao cấp phân tích: "Việt Nam được đánh giá là 1 trong 15 nước trên thế giới có khả năng phát triển nông nghiệp tốt nhất. Rõ ràng là trong thời gian qua, đã có sự cố gắng, nỗ lực lớn. Nhưng vẫn còn đó những thế mạnh, tiềm năng chưa được khai thác, sử dụng đúng mức. Trong đó, ĐBSCL là một lợi thế lớn. Rất mong các địa phương ĐBSCL phát huy rõ nét hơn ở góc độ đổi mới trong nông nghiệp; có nhiều cách làm giải pháp sáng tạo, hiện đại hơn. Từ đó mới có thể khai thác được tài nguyên bản địa để mang lại giá trị tốt hơn".

Tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân của ĐBSCL so với cả nước giảm từ 14,9% (2014) xuống 12,4% (2023).
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng ĐBSCL cần có một chiến lược huy động nguồn lực đầu tư toàn diện và dài hạn, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên lớn nhất là đưa chuyển đổi số thành trọng tâm của chiến lược đầu tư và phát triển. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông và internet tốc độ cao làm tiền đề cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu phân bổ đầu tư công theo hướng ưu tiên hạ tầng giao thông và viễn thông, logistics và chuyển đổi số. Khu vực này cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi hơn nữa trong thu hút đầu tư tư nhân và FDI. Cải thiện thủ tục hành chính, minh bạch hóa quy trình cấp phép và cải thiện khả năng tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu, và năng lượng tái tạo; phát triển mô hình hợp tác công – tư (PPP). Huy động vốn tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là giao thông và logistics
Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh: "Trong năm 2024, ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp cao nhất cả nước. Tuy nhiên, lại rất hạn chế về chất lượng. Vì thế, vấn đề đặt ra là phải quan tâm về mặt số lượng và nhất là chất lượng doanh nghiệp. Phải có giải pháp để nâng quy mô doanh nghiệp lên; quy mô vốn phải cao hơn, năng suất phải tăng tốt hơn.
Cùng với đó là việc áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Mà việc này, tự thân doanh nghiệp với quy mô nhỏ không thể làm nổi. Vấn đề là có sự đồng hành, hỗ trợ từ các cấp chính quyền, các Viện, trường, Hiệp hội. Trong đó như việc hình thành các trung tâm chuyển đổi số; hoạt động tư vấn giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa".
Việc phát triển kinh tế tư nhân ở ĐBSCL cần có sự chung tay của cả Nhà nước và doanh nghiệp, tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh, minh bạch, và bền vững. Với cơ hội được mở ra từ chính sách và sự năng động của khu vực tư nhân ở ĐBSCL, nếu nhận được sự quan tâm nhiều hơn cho khu vực này, bao gồm tăng đầu tư công, chính sách đột phá về tín dụng cũng như cải thiện mạnh mẽ về môi trường kinh doanh…, khu vực tư nhân của vùng sẽ phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Khi đó, kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển của ĐBSCL, đóng góp quan trọng cho phát triển của cả nước.