Xây dựng tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam lưu thông trong nước
Vấn nạn về gian lận thương mại, đặc biệt là gian lận về nguồn gốc xuất xứ đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đặt ra vấn đề cấp thiết trong xây dựng tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước.
Mở đầu phần thuyết trình tại hội thảo "Trao đổi tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước" do Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương tổ chức sáng nay 11/7, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng, đặt vấn đề về nội dung từng tạo nhiều tranh luận: Điện thoại Samsung có xuất xứ Việt Nam không?

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu trình bày tại hội thảo "Trao đổi tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước".
“Samsung là thương hiệu của Hàn Quốc, đặt nhà máy gia công tại Việt Nam. Rõ ràng đây là sản phẩm điện thoại Hàn Quốc, không phải điện thoại Việt Nam. Nhưng xét về quy định liên quan đến các bộ tiêu chí xuất xứ mà Việt Nam tham gia trong khuôn khổ các FTA (Hiệp định Thương mại Tự do) thì xác định: điện thoại Samsung được sản xuất tại Việt Nam từ những linh kiện được sản xuất tại Việt Nam hoặc linh kiện nhập khẩu; sau khi trải qua quá trình gia công, chế biến đầy đủ tại Việt Nam đã làm biến đổi bản chất những linh kiện đó thành sản phẩm điện thoại cuối cùng. Nơi làm ra sự thay đổi về mặt bản chất như vậy được xác định là nơi xuất xứ của hàng hóa”, bà Hiền nêu rõ.
Trong phần trình bày, bà Hiền nhấn mạnh, cần phân biệt rõ khái niệm hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam, có giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam theo các khuôn khổ hiệp định mà Việt Nam tham gia, với các khái niệm ghi nhãn “made in Vietnam”, “product of Vietnam” hay cái khái niệm liên quan đến việc là hàng Việt Nam hay hàng Hàn Quốc.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong những năm qua, cùng với xu thế hội nhập kinh tế thế giới, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ có diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới.
Nhiều nước trên thế giới đã có những giải pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh phòng chống nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc quy định thế nào là một sản phẩm được coi là có xuất xứ tại Việt Nam. Các quy định này áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan hoặc phi thuế quan theo các cam kết tại các FTA hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.
Tuy nhiên, với hàng hóa lưu thông trong nước, hiện chưa có cơ sở pháp lý hoàn thiện quy định tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Điều này không chỉ gây khó khăn, lúng túng cho người tiêu dùng, cơ quan quản lý mà cả cho doanh nghiệp trong ghi nhãn, xác định nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm của chính mình. Nhiều trường hợp doanh nghiệp thậm chí cố tình nhầm lẫn, hiểu sai các khái niệm.
Tại hội thảo, ông Trần Việt Hùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước dẫn chứng nhiều vụ việc gian lận thương mại liên quan đến xuất xứ phổ biến là dán nhãn, giả mạo xuất xứ, lợi dụng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, lợi dụng uy tín của hàng Việt Nam:
"Những mặt hàng kém chất lượng, sản xuất tại nước ngoài được giả mạo xuất xứ Việt Nam phổ biến nhất hiện nay là đồ điện, điện gia dụng, hàng thời trang như quần áo, giày dép, đặc biệt là hàng may mặc khi người tiêu dùng đang có xu hướng ưa chuộng hàng Việt Nam xuất khẩu", ông Hùng cho biết.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn phát biểu khai mạc.
Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn, trong bối cảnh tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn, không xuất xứ đang ngày càng gia tăng tại thị trường trong nước ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, vi phạm nghiệm trọng hình ảnh và uy tín sản phẩm hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, nghiên cứu chính sách quy định tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước.
Mục tiêu của bộ tiêu chí nhằm hoàn thiện khung pháp lý về xuất xứ hàng hóa đối với hàng lưu thông trong nước; bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất chân chính; trở thành căn cứ để các doanh nghiệp thương mại, sản xuất xác định hàm lượng và tình trạng xuất xứ của hàng hóa khi đưa ra lưu thông trên thị trường; giảm tình trạng gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ, hàng nhái hoặc nhầm lẫn về hàm lượng xuất xứ đối với hàng hóa lưu thông trong nước và tăng niềm tin vào hàng Việt Nam - thúc đẩy phát triển thương hiệu quốc gia.
Tại hội thảo, đại biểu từ cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng hàng hóa lưu thông trong nước; mục tiêu, phạm vi điều chỉnh xây dựng chính sách đối với tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam; đề xuất chính sách, tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước và các giải pháp khuyến nghị công tác phối hợp tổ chức triển khai trong thời gian tới.