Thể chế hóa kinh tế tư nhân: Thay đổi căn bản về tư duy phát triển
Việc thể chế hóa phát triển kinh tế tư nhân còn là sự thay đổi căn bản về tư duy phát triển, về vai trò, vị thế… của khu vực này trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong bài viết “Động lực mới cho phát triển kinh tế”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ định hướng chiến lược về việc nghiên cứu, xây dựng Luật Phát triển kinh tế tư nhân.
Chỉ dấu mạnh mẽ về “thay đổi tư duy”
Đây là một bước đi mang tính thể chế hóa cao độ nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; đồng thời, chẳng những là đề xuất mang tính pháp lý, mà còn là sự thay đổi căn bản về tư duy phát triển, về vai trò, vị thế và trách nhiệm của khu vực kinh tế tư nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đến nay khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP, sử dụng hơn 80% lực lượng lao động ngoài khu vực nhà nước...
Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ theo định hướng phát triển nhanh, bền vững và bao trùm, đề nghị của người đứng đầu Đảng là lời thúc giục có ý nghĩa lịch sử đối với toàn bộ hệ thống chính trị, giới hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp.
Một thực tế không thể phủ nhận là kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc kể từ sau công cuộc Đổi mới 1986. Từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đến nay khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP, sử dụng hơn 80% lực lượng lao động ngoài khu vực nhà nước, tạo động lực lan tỏa trong đổi mới công nghệ, cải thiện năng suất và xuất khẩu.
Tuy nhiên, khu vực này vẫn đối mặt với nhiều rào cản thể chế, phân biệt đối xử ngầm định, và thiếu một khung pháp lý riêng biệt để xác lập vị thế chính danh trong chiến lược phát triển đất nước. Chính vì vậy, việc xây dựng một đạo luật mang tên “Luật Phát triển kinh tế tư nhân” không chỉ nhằm tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, mà còn thể hiện sự nhất quán trong tư duy phát triển: Khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ở các quốc gia, việc luật hóa và thể chế hóa vai trò khu vực tư nhân đều là bước đi tất yếu. Trung Quốc, một quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, từ năm 1999 đã sửa đổi Hiến pháp để xác lập rằng kinh tế tư nhân là thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân của đất nước họ. Đặc biệt vào năm 2007, Trung Quốc ban hành Luật sở hữu tài sản tư, và cũng là lần đầu tiên đặt tài sản tư nhân ngang hàng với tài sản công về quyền được pháp luật bảo vệ.
Tại Hàn Quốc, vào những năm đầu của thập niên 80, nước này ban hành Luật Hỗ trợ thành lập Doanh nghiệp nhỏ và vừa (1986) cùng với Đạo luật cơ bản về Doanh nghiệp nhỏ và vừa trước đó (năm 1966) đã mở ra cơ hội cho các Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước được phát huy tiềm lực của mình, đóng góp cho nền kinh tế quốc gia, cũng như là đóng vai trò thiết lập hệ sinh thái hỗ trợ và bảo vệ khu vực tư nhân khỏi cạnh tranh bất bình đẳng từ các tập đoàn lớn.
Ở Singapore, vai trò của khu vực tư nhân trong chiến lược công nghiệp hóa được bảo hộ pháp lý rõ ràng thông qua các đạo luật về cạnh tranh, quyền sở hữu tài sản, quyền tiếp cận thị trường và bảo hộ quyền sáng tạo. Những bài học này cho thấy: không có sự phát triển nào bền vững nếu thiếu đi một hành lang pháp lý mạnh mẽ, nhất quán và ổn định dành riêng cho khu vực kinh tế tư nhân.
Tại Việt Nam, cần khẳng định rằng các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ… Tuy nhiên, sự phân mảnh và việc thiếu một đạo luật có tính chất bao trùm, tổng thể, chiến lược và có sức khơi dậy tinh thần cao đã phần nào làm cho khu vực kinh tế tư nhân chưa thể phát huy hết tiềm năng.
Sớm thể chế hóa để tạo nền tảng cho khát vọng hùng cường
Một số doanh nghiệp tư nhân lớn vẫn còn e ngại trong việc mở rộng đầu tư do lo ngại rủi ro thể chế, thay đổi chính sách và thiếu cơ chế bảo vệ quyền sở hữu tài sản một cách vững chắc. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa lúng túng khi tiếp cận các chương trình hỗ trợ do thủ tục phức tạp, thiếu tính liên thông giữa các cấp chính quyền, và chưa có hệ sinh thái minh bạch để kết nối nguồn lực.
Do đó, việc xây dựng Luật Phát triển kinh tế tư nhân không chỉ mang ý nghĩa pháp lý, mà còn là một bước ngoặt chính trị và tư tưởng. Luật cần hướng đến mục tiêu: khẳng định nguyên tắc “không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế”, bảo vệ đầy đủ quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản hợp pháp, tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch; đồng thời thiết lập hệ thống thể chế hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững trong dài hạn.
Trọng tâm cần bao gồm: (1) Quy định rõ nguyên tắc và điều kiện phát triển khu vực tư nhân phù hợp với định hướng XHCN; (2) Cơ chế bảo vệ quyền sở hữu tài sản và hợp đồng dân sự, kinh tế; (3) Thiết lập hệ thống phòng ngừa và xử lý phân biệt đối xử, tham nhũng, lạm dụng quyền lực trong quản lý thị trường; (4) Thể chế hóa vai trò phản biện chính sách của doanh nhân, tổ chức đại diện của doanh nghiệp tư nhân trong quá trình xây dựng luật pháp.
Đặc biệt, luật cần tạo lập hành lang pháp lý để thúc đẩy sự tham gia sâu rộng của doanh nghiệp tư nhân vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như công nghiệp chế biến – chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đây là các lĩnh vực mà Nhà nước cần dẫn dắt chiến lược, nhưng khu vực tư nhân có thể đảm nhiệm vai trò động lực nếu có niềm tin và cơ chế khuyến khích phù hợp.
Thực tiễn đã chứng minh, một số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khi có cơ hội tiếp cận thị trường bình đẳng, đã nhanh chóng vươn lên trở thành những “quả đấm thép” mới trong xuất khẩu, công nghiệp, dịch vụ và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, việc xây dựng luật cũng cần tránh tư duy “cầu toàn về kỹ thuật” mà thiếu đi tính chiến lược và quyết đoán. Luật này không chỉ cần sự tham gia của các cơ quan soạn thảo chuyên môn, mà phải có sự chỉ đạo trực tiếp từ cấp cao nhất của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, nhằm bảo đảm tính thống nhất trong tư duy lập pháp và nhất quán trong thi hành.
Hệ thống pháp luật của nước ta không thiếu các quy định tốt, nhưng điều người dân và doanh nghiệp cần là sự đồng bộ, liêm chính, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Do vậy, Luật Phát triển kinh tế tư nhân cần được thiết kế theo tư duy “luật mềm”, tức là tạo hành lang định hướng, không quá ôm đồm chi tiết, nhưng đồng thời phải có các nguyên tắc đủ mạnh để định hình và điều tiết sự phát triển đúng hướng của khu vực tư nhân trong tổng thể nền kinh tế quốc dân.
Trong thời đại chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, không một quốc gia nào có thể phát triển bền vững nếu bỏ quên khu vực kinh tế tư nhân. Đề xuất của Tổng Bí thư không chỉ là chỉ dấu về quyết tâm chính trị, mà còn là sự nhắc nhở cho toàn bộ hệ thống chính trị về tính cấp thiết phải “thay đổi tư duy trước khi thay đổi hành động”.
Việc xây dựng Luật Phát triển kinh tế tư nhân cần ưu tiên trình Quốc hội thảo luận sớm, đồng thời gắn với chiến lược cải cách thể chế quốc gia giai đoạn 2026–2030.
Nếu thực hiện đồng bộ, bài bản và kiên quyết, đây sẽ là đạo luật mang tính đột phá, tạo nền tảng cho một thế hệ doanh nhân mới trưởng thành trong niềm tin pháp lý vững chắc, góp phần hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc trong thế kỷ XXI.