Thể chế hóa quy định về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, bí mật gia đình
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, chiều 5/5, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cụ thể hóa chính sách pháp luật về quyền riêng tư
Nói về sự cần thiết ban hành văn bản, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, quyền riêng tư của cá nhân, sự bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín, quyền bảo vệ bí mật cá nhân, trong đó có thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Đồng thời, cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về quyền con người, quyền công dân, quyền riêng tư, an ninh mạng, công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày nội dung tờ trình Dự thảo Luật Dữ liệu cá nhân - Ảnh: Media.quochoi.vn
Về cơ sở thực tiễn, theo thống kê của Bộ Công an, có tổng số 68 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả đều chưa thống nhất về khái niệm và nội hàm dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chỉ có Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2024 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân (Nghị định số 13/2023/NĐ-CP) đưa ra định nghĩa về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Mặc dù vậy, đây mới chỉ là văn bản Nghị định, chưa phải văn bản Luật nên cần thống nhất thực hiện trong thực tiễn, cần có văn bản Luật làm “luật gốc”, mang tính nguyên tắc, góp phần tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người, quyền công dân, an ninh mạng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Cùng với đó, pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân nước ta đã có một số quy định về chế tài xử phạt với những hành vi vi phạm bảo vệ thông tin cá nhân, chưa có quy định chế tài để bảo vệ dữ liệu cá nhân gắn cụ thể với các quyền của chủ thể dữ liệu...
"Những vấn đề mới phát sinh về bảo vệ dữ liệu cá nhân đặt ra yêu cầu giải quyết thông qua việc ban hành Luật", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trên cơ sở phát triển quy định của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP gồm 7 chương, 68 điều, bao gồm 7 nội dung chính như sau: thống nhất thuật ngữ và xây dựng một số khái niệm quan trọng 3 về bảo vệ dữ liệu cá nhân; xây dựng các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định 11 quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu, 3 nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu;

Các đại biểu tham dự phiên làm việc chiều 5/5 - Ảnh: Media.quochoi.vn
Quy định về điều kiện bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân. Tổ chức chứng nhận đủ điều kiện năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân, dịch vụ tổ chức bảo vệ dữ liệu cá nhân;
Yêu cầu đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân và chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài như một bản cảm kết trước pháp luật về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân;
Hoàn thiện quy định về biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định quản lý Nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan. Trách nhiệm của bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu, bên thứ bа.
Mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho Bộ, ngành, địa phương
Thẩm tra về nội dung tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại (QPANĐN) Lê Tấn Tới cho biết,Ủy ban QPANĐN nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân với những lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng: dữ liệu cá nhân có vai trò đặc biệt quan trọng, là nguồn dữ liệu chiến lược, tác động trực tiếp, toàn diện đến chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của một quốc gia.

Quang cảnh phiên làm việc chiều 5/5 - Ảnh: Media.quochoi.vn
Ủy ban QPANĐN thấy rằng, việc xây dựng, ban hành Luật này là phù hợp với chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; phù hợp với định hướng, nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng.
Nội dung của dự thảo Luật tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Dự thảo Luật cơ bản bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, hội nhập quốc tế, thực hiện kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban QPANĐN, hiện nay dữ liệu cá nhân đang được quy định trong các luật, văn bản dưới luật. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để xử lý thỏa đáng vấn đề thiếu thống nhất về tên gọi, nội hàm của các từ ngữ tương tự trong một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như:“thông tin cá nhân”, “thông tin riêng”, “thông tin số”, “thông tin cá nhân trên môi trường mạng”, “thông tin bí mật đời tư”… ; đồng thời, rà soát các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các vấn đề thực tiễn phát sinh để quy định đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi, tính tương thích với các điều ước quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Media.quochoi.vn
Ủy ban QPANĐN đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa dự thảo Luật bảo đảm ngắn gọn, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, bám sát thực tiễn; không quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ và các cơ quan khác, như quy định về tổ chức bộ máy, quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp phép.
Đối với những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường xuyên, chưa ổn định thì chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, các Bộ quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước, nâng cao năng lực thực thi. Mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho Bộ, ngành, địa phương thực hiện để Chính phủ, các cơ quan trung ương tập trung làm chính sách và xử lý những vấn đề vĩ mô.
Triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp, như các thủ tục liên quan đến cấp phép đủ điều kiện kinh doanh (dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân; điều kiện năng lực công nghệ và pháp lý...).