Ưu tiên nguồn lực cho công nghệ hạt nhân chiến lược

Theo dự án Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi, Nhà nước sẽ đầu tư có trọng điểm bao gồm các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ, với ưu tiên nguồn lực cho công nghệ hạt nhân chiến lược.

Chiều 5/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Tờ trình dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) do Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày tờ trình về Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày tờ trình về Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi luật sau 17 năm thi hành do nhiều bất cập và sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ hạt nhân. Dự luật bổ sung nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Theo đó, việc ban hành dự án Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về năng lượng nguyên tử, thống nhất với các văn bản khác có liên quan và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử.

Đồng thời, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển bền vững ứng dụng năng lượng nguyên tử; thực hiện cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế; năng lượng nguyên tử góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Dự thảo Luật gồm 12 chương, 73 điều, (giảm 20 điều tương ứng với hơn 20% số điều so với Luật năm 2008).

Theo dự án luật, Nhà nước sẽ tập trung đầu tư có trọng điểm và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cũng như các tổ chức quốc tế, tham gia vào lĩnh vực năng lượng nguyên tử nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội và điện hạt nhân. Chính sách này bao gồm chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, với ưu tiên nguồn lực cho công nghệ hạt nhân chiến lược. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này sẽ được hưởng các ưu đãi theo quy định của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với quan điểm xây dựng dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực trong nước nội địa hóa thiết bị điện hạt nhân; góp phần huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Kế thừa pháp luật về năng lượng nguyên tử hiện hành; sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); rà soát, chuẩn bị kịp thời số lượng lớn các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là liên quan đến nhà máy điện hạt nhân; phân cấp, phân định rõ ràng, đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân…

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh; đề nghị nghiên cứu bổ sung phạm vi điều chỉnh về thanh sát hạt nhân.

Quang Đức

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/uu-tien-nguon-luc-cho-cong-nghe-hat-nhan-chien-luoc-98601.html