Thế giới 24h: Tư lệnh Mỹ nói về loại vũ khí NATO cần để đối phó Nga

NATO, khối quân sự do Mỹ dẫn đầu, sẽ cần tăng cường một loại vũ khí quan trọng để răn đe Nga, khi Moscow được dự báo sẽ đẩy mạnh sản xuất loại vũ khí này, theo một vị tư lệnh Mỹ.

Một hệ thống tên lửa tầm xa được khai hỏa. Ảnh: Atlantic Council

NATO cần phát triển tên lửa tầm xa

Theo Reuters, việc Nga sử dụng hiệu quả tên lửa tầm xa trong cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến giới chức quân sự phương Tây nhận ra vai trò thiết yếu của loại vũ khí này trong việc phá hủy các sở chỉ huy, trung tâm vận tải và bệ phóng tên lửa sâu bên trong chiến tuyến đối phương.

“Quân đội Nga hiện nay lớn mạnh hơn thời điểm họ bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine”, thiếu tướng John Rafferty - Tư lệnh Bộ chỉ huy Pháo binh số 56, thuộc lực lượng quân đội Mỹ ở châu Âu - phát biểu trong cuộc phỏng vấn tại căn cứ Wiesbaden của Mỹ ở Đức.

“Chúng tôi biết họ sẽ tiếp tục đầu tư vào tên lửa tầm xa, tên lửa hành trình và các hệ thống phòng không tinh vi. Vì thế, việc tăng cường năng lực kho vũ khí này cho toàn khối NATO là điều cực kỳ quan trọng”, tư lệnh Rafferty nói thêm.

Cuộc xung đột ở Ukraine cũng cho thấy châu Âu đang quá phụ thuộc vào Mỹ trong việc cung cấp tên lửa tầm xa – loại vũ khí mà Kiev đặc biệt mong muốn để củng cố hệ thống phòng không.

Ông Rafferty làm việc tại Bộ tư lệnh Pháo binh số 56 của quân đội Mỹ, đóng tại Mainz-Kastel (Đức), đơn vị đang chuẩn bị triển khai tạm thời tên lửa tầm xa của Mỹ tới châu Âu từ năm 2026.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth vào đầu tuần sau, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius được cho là sẽ yêu cầu làm rõ liệu kế hoạch triển khai – từng được thống nhất giữa Berlin và Washington dưới thời ông Biden – có còn được thực hiện khi ông Trump đã trở lại Nhà Trắng.

Thỏa thuận trước đó bao gồm việc triển khai các hệ thống như tên lửa Tomahawk (tầm bắn 1.800 km) và vũ khí siêu vượt âm đang được phát triển mang tên Dark Eagle (tầm bắn khoảng 3.000 km).

Nga đã chỉ trích kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ tại Đức, gọi đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Nga. Moscow cũng bác bỏ lo ngại của NATO rằng họ có thể tấn công một nước thành viên của khối này, đồng thời viện dẫn sự mở rộng của NATO là một trong những lý do khiến họ mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine năm 2022.

Truyền thông Mỹ: Ông Putin hối thúc Iran ký thỏa thuận hạt nhân với Washington

Tổng thống Nga Putin được cho là đang thúc giục Iran chấp thuận ký thỏa thuận hạt nhân không làm giàu uranium với Mỹ. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã bày tỏ với cả ông Trump lẫn các quan chức Iran rằng ông ủng hộ một thỏa thuận hạt nhân mới, trong đó Tehran không được phép làm giàu uranium – theo nguồn tin của trang Axios.

Đáng chú ý, Nga từ lâu vốn là đồng minh ngoại giao then chốt của Iran trong vấn đề hạt nhân, thường xuyên công khai bảo vệ quyền làm giàu uranium của Tehran.

Tuy nhiên, theo Axios, sau cuộc xung đột kéo dài 12 ngày giữa Iran và Israel, Moscow dường như đang thay đổi lập trường: Một mặt vẫn giữ quan điểm công khai ủng hộ, mặt khác lại âm thầm thúc đẩy một thỏa thuận “không làm giàu uranium”.

Theo 3 quan chức châu Âu và một quan chức Israel, Nga đã nhiều lần khuyến khích Iran chấp thuận đề xuất từ bỏ hoạt động làm giàu uranium như một cách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cuộc đàm phán với Mỹ.

Hai nguồn tin xác nhận Moscow cũng đã chuyển thông điệp này đến chính phủ Israel. Một quan chức cấp cao của Israel nói: “Chúng tôi biết ông Putin đã trực tiếp truyền đạt điều đó tới phía Iran”.

Tổng thống Nga cũng được cho là đã chia sẻ quan điểm này trong các cuộc điện đàm gần đây với ông Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Theo Axios, trong bối cảnh hiện tại, các cuộc không kích của Mỹ và Israel đã gây “thiệt hại đáng kể” cho chương trình hạt nhân của Iran, dù không thể phá hủy hoàn toàn lượng uranium làm giàu ở mức cao mà Tehran đang nắm giữ. Hiện chưa rõ liệu các máy ly tâm của Iran – thiết bị then chốt để làm giàu uranium – có còn hoạt động hay không.

Ông Trump được cho là đang tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran. Nếu các cuộc đàm phán được nối lại trong vài tuần tới, giới chức Mỹ dự kiến sẽ đưa ra yêu cầu cốt lõi: Iran phải chấm dứt hoàn toàn việc làm giàu uranium trên lãnh thổ của mình. Trong khi đó, phía Tehran từ lâu đã khẳng định quyền làm giàu uranium là không thể thương lượng trong bất kỳ thỏa thuận nào.

Cả Điện Kremlin và Nhà Trắng đều từ chối bình luận về thông tin của Axios. Phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc cũng không đưa ra phản hồi.

Về mặt lý thuyết, nếu Mỹ và Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân, Nga sẵn sàng là trung gian tiếp nhận toàn bộ lượng uranium làm giàu ở mức cao của Iran và cung cấp lại uranium ở mức 3,67% để phục vụ sản xuất điện hạt nhân, cũng như một lượng nhỏ uranium làm giàu 20% cho lò phản ứng nghiên cứu tại Tehran và sản xuất các đồng vị phóng xạ.

Hiện đặc phái viên Nhà Trắng Steve Witkoff đang trao đổi với Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi về khả năng nối lại đàm phán hạt nhân. Một cuộc gặp dự kiến tổ chức tại Oslo đang bị hoãn lại, do cả hai bên đều muốn tìm địa điểm phù hợp hơn cho vòng đối thoại sắp tới.

Ông Trump tung đòn thuế với Mexico, EU

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Donald Trump ngày 12/7 đã ban hành mức thuế 30% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Liên minh châu Âu (EU). Quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8, sau nhiều tuần đàm phán không đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện với các đối tác chủ chốt này.

Các sắc lệnh thuế mới được công bố qua thư riêng đăng tải trên nền tảng Truth Social ngày 12/7. Trước đó trong tuần, ông Trump đã thông báo các mức thuế mới đối với nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Brazil, cũng như áp thuế 50% lên mặt hàng đồng xuất khẩu tới Mỹ.

EU vốn kỳ vọng đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện với Mỹ. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán kéo dài đầy khó khăn đã khiến giới chức Brussels phải thừa nhận họ có thể chỉ đạt được một thỏa thuận tạm thời – và hy vọng một kết quả tốt hơn trong tương lai.

Theo Reuters, EU đang chịu sức ép trái chiều: Đức thúc đẩy đạt thỏa thuận sớm để bảo vệ ngành công nghiệp, trong khi Pháp và một số nước khác cảnh báo không nên nhượng bộ trước một thỏa thuận “một chiều” theo điều kiện của Mỹ.

Loạt sắc lệnh áp thuế của ông Trump kể từ khi trở lại Nhà Trắng đã bắt đầu mang về hàng chục tỷ USD mỗi tháng cho ngân sách Mỹ. Theo dữ liệu Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 11/7, doanh thu từ thuế hải quan đã vượt mốc 100 tỷ USD trong năm tài khóa tính đến tháng 6.

Nguyễn Thái - (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/the-gioi-24h-tu-lenh-my-noi-ve-loai-vu-khi-nato-can-de-doi-pho-nga-204251307035212162.htm