Thế giới 24h: UAV liên tiếp tập kích Moscow, Điện Kremlin lên tiếng
Điện Kremlin cho biết, quân đội Nga vẫn thực hiện lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày theo mệnh lệnh của Tổng thống Nga Putin, bất chấp UAV từ Ukraine liên tục nhắm vào thủ đô Moscow trong vài ngày gần đây.

Xe tăng Nga trong lễ duyệt binh ngày 9/5/2024 (ảnh: Reuters)
Nga: Lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày của ông Putin không thay đổi
Hôm 28/4, Tổng thống Nga Putin cho biết, quân đội Nga sẽ ngừng bắn trong 3 ngày (từ ngày 8/5 đến ngày 10/5) nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày lực lượng Liên Xô chiến thắng Đức Quốc xã trong Thế chiến II.
Nga hy vọng Ukraine chấp thuận đề xuất ngừng bắn vì lý do nhân đạo, nhưng Tổng thống Ukraine Zelensky bác bỏ.
Trong hai ngày 5/5 và ngày 6/5, phòng không Nga liên tiếp bắn hạ máy bay không người lái (UAV) phóng từ phía Ukraine nhắm vào thủ đô Moscow trong thời điểm giới chức Nga chuẩn bị cho lễ duyệt binh ngày 9/5.
Hôm 6/5, người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov – cho biết, lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày với Ukraine vẫn có hiệu lực.
“Tất nhiên, sáng kiến của Tổng thống Putin về lệnh ngừng bắn tạm thời trong các ngày lễ vẫn có giá trị và Tổng tư lệnh tối cao đã ra các chỉ thị liên quan cho quân đội”, ông Peskov trả lời khi được hỏi rằng liệu Nga còn giữ kế hoạch ngừng bắn mới với Ukraine hay không.
“Sẽ có lệnh ngừng bắn, nhưng nếu chính quyền Kiev không phản hồi và tiếp tục tấn công vào vị trí hoặc cơ sở của quân đội Nga, thì chúng tôi sẽ đáp trả thích đáng ngay lập tức”, ông Peskov cảnh báo.
Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, hiện tại chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Ukraine sẵn sàng tham gia lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày.
“Chính quyền Kiev tiếp tục thể hiện bản chất của họ. Đường lối của họ rõ ràng là tập trung vào việc duy trì xung đột”, ông Peskov nói.
“Kiev tiếp tục nhắm vào các cơ sở hạ tầng dân sự trong nỗ lực gây thiệt hại cho Nga”, ông Peskov nói thêm.
Ông Merz không đủ số phiếu để thành Thủ tướng Đức
Theo Reuters, trong một diễn biến bất ngờ, lãnh đạo phe bảo thủ Đức Friedrich Merz đã không giành đủ đa số phiếu cần thiết tại quốc hội để trở thành Thủ tướng trong vòng bỏ phiếu đầu tiên diễn ra ngày 6/5.

Ông Friedrich Merz, lãnh đạo đảng bảo thủ CDU/CSU của Đức. Ảnh: Reuters
Theo Chủ tịch quốc hội Đức Julia Kloeckner, ông Merz, 69 tuổi, chỉ nhận được 310 phiếu ủng hộ, trong khi cần tối thiểu 316 phiếu để đạt đa số tuyệt đối.
Ông Merz từng dẫn dắt liên minh này giành chiến thắng vang dội trong bầu cử liên bang tháng 2 với 28,5% phiếu bầu, nhưng buộc phải hợp tác với đảng SPD (16,4% phiếu) để lập chính phủ đa số.
Bà Kloeckner thông báo tạm hoãn phiên họp để các nhóm nghị sĩ thảo luận phương án tiếp theo. Theo quy định, Hạ viện có 14 ngày để tổ chức bầu cử lại. Nghị viện có thể tiến hành vòng bỏ phiếu thứ 2 ngay trong ngày 6/5 nếu các bên đạt đồng thuận.
Liên minh CDU/CSU-SPD chính thức ký thỏa thuận hợp tác vào ngày 5/5, song kết quả bỏ phiếu hôm nay cho thấy sự chia rẽ nội bộ quốc hội Đức, đặt ra thách thức lớn cho quá trình vận hành chính phủ mới của ông Merz.
Ông Trump ra lệnh áp thuế đối với phim nhập khẩu

Ông Trump trả lời báo giới ở Nhà Trắng (ảnh: EPA)
Hôm 5/5, Reuters đưa tin, ông Trump ra lệnh áp thuế 100% đối với các bộ phim sản xuất ở nước ngoài và nhập khẩu vào Mỹ. Theo ông Trump, ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ đang “chết rất nhanh” do chính sách hỗ trợ mà nhiều nước đưa ra nhằm thu hút các hãng làm phim.
“Hollywood và nhiều khu vực khác tại Mỹ đang bị tàn phá. Đây là nỗ lực phối hợp của các nước khác và là mối đe dọa an ninh quốc gia. Cùng với những vấn đề khác, nó còn là thông điệp và tuyên truyền”, ông Trump bình luận trên Truth.
“Vì vậy, tôi đã ủy quyền cho Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ ngay lập tức áp dụng mức thuế 100% đối với bất kỳ và tất cả bộ phim nào sản xuất ở nước ngoài. Chúng tôi muốn các bộ phim được sản xuất tại Mỹ trở lại”, ông Trump viết.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, cơ quan này “đang thực hiện” quyết định mới của ông Trump.
Theo Reuters, chi tiết về cách Mỹ tính và áp dụng mức thuế 100% đối với phim nước ngoài chưa được công bố. Không rõ mức thuế này có áp dụng với phim chiếu rạp và phim phát trên các nền tảng trực tuyến hay không.
Trước đó, ngày 10/4, Trung Quốc đã tuyên bố hạn chế nhập khẩu phim Hollywood (Mỹ) để đáp trả việc chính quyền Tổng thống Trump tăng thuế nhập khẩu hàng hóa.
Theo Cục Quản lý điện ảnh Trung Quốc, việc ông Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ làm giảm nhu cầu xem phim Mỹ của người dân.
Trung Quốc (với hơn 1,4 tỉ dân) là thị trường tiêu thụ phim lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ, theo Guardian.
Đấu súng liên tiếp với Ấn Độ, Pakistan tiếp tục thử tên lửa
Hôm 5/5, Pakistan phóng thử tên lửa có tầm bắn 120km. Đây là vụ thử tên lửa thứ 2 của nước này trong vòng chưa đầy một tuần, giữa căng thẳng với nước láng giềng Ấn Độ.

Tên lửa đạn đạo đất đối đất Shaheen -1A của Pakistan (ảnh: Reuters)
“Pakistan thử thành công tên lửa đất đối đất Fatah với tầm bắn 120 km trong khuôn khổ cuộc diễn tập Ex Indus”, quân đội Pakistan thông báo.
Theo Bộ Quốc phòng Pakistan, vụ thử tên lửa nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội và kiểm tra các thông số quan trọng.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cho biết, ông hài lòng với sự “chuẩn bị đầy đủ cho quốc phòng của quân đội”.
“Vụ thử tên lửa cho thấy quân đội hùng mạnh đang đảm bảo quốc phòng của Pakistan”, ông Sharif nói hôm 5/5.
Trước đó, hôm 3/5, Pakistan cũng tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Abdali với tầm bắn 450km.
Các vụ thử tên lửa liên tiếp của Pakistan diễn ra trong bối cảnh căng thẳng với Ấn Độ leo thang.
Hôm 5/5, quân đội Ấn Độ tuyên bố, các lực lượng Pakistan nổ súng qua biên giới trong đêm thứ 11 liên tiếp (kể từ ngày 25/4).
Quân đội Ấn Độ cho biết, binh sĩ nước này đã đáp trả vụ nổ súng một cách “nhanh chóng và tương xứng”.
Hàn Quốc: Hội pháp sư chỉ trích cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, người bị phế truất hồi đầu tháng 4, đang bị hội pháp sư Hàn Quốc chỉ trích vì mối quan hệ được cho là thiếu minh bạch của gia đình ông với Jeon Seong-bae (pháp sư Shaman giáo Hàn Quốc).
Tháng 12/2024, cảnh sát Hàn Quốc đã đột kích nơi ở và bắt giữ pháp sư Jeon Seong-bae với cáo buộc gây quỹ chính trị bất hợp pháp. Ông Jeon được cho là có mối quan hệ thân cận với cựu Tổng thống Yoon và cựu đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee.
Ngày 30/4, Văn phòng Công tố Quận Nam Seoul đã tới nhà riêng của ông Yoon để thu thập bằng chứng liên quan tới cáo buộc pháp sư Jeon Seong-bae từng tặng các món quà xa xỉ như vòng kim cương, túi xách và nhân sâm cho bà Kim Keon-hee.
Ông Lee Sung-jae, lãnh đạo Liên đoàn Kyungsin (hiệp hội pháp sư lớn nhất Hàn Quốc) cho rằng, hành động của gia đình cựu Tổng thống Yoon đang làm mất uy tín của Shaman giáo.
“Về bản chất, Shaman giáo là một hình thức thực hành tâm linh nhằm phục vụ cho lợi ích của đất nước. Lợi dụng nó cho lợi ích cá nhân hay động cơ chính trị là hành vi báng bổ”, ông Lee nói.
Theo Yonhap, ông Yoon từ lâu đã bị cáo buộc “nghe lời” pháp sư trong nhiều vấn đề quan trọng, từ di dời văn phòng tổng thống, chọn ngày công du đến đưa ra những chiến lược chính trị.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2022, ông Yoon từng gây tranh cãi vì viết chữ “王” (vương – vua) vào lòng bàn tay. Một số ứng viên đã chỉ trích ông Yoon là “kẻ mê tín”.