Thế giới chuyển sang nhiên liệu bẩn hơn khi giá khí đốt quá đắt đỏ
Với giá khí đốt tự nhiên cao không có dấu hiệu hạ nhiệt và nguồn cung ngày càng khan hiếm, các lựa chọn thay thế nhiên liệu rẻ hơn và bẩn hơn đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với những người mua cần năng lượng.
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở châu Á hiện gần 50 USD/1 triệu BTU (đơn vị nhiệt Anh). Theo dữ liệu từ S&P Global Commodity Insights, trên cơ sở tương đương năng lượng, giá khí đốt đã ở mức gấp đôi giá dầu diesel vào ngày 12/8, trong khi đó dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao và than vẫn rẻ hơn.
Theo công ty tư vấn năng lượng FGE, tình hình cũng tương tự tại châu Âu, với giá khí đốt tự nhiên vào khoảng 60 USD/1 triệu BTU, gấp ba lần giá HSFO và propan.
Khí đốt tự nhiên đã trở thành mặt hàng nóng nhất khi Nga với vai trò là một nguồn cung cấp khí đốt quan trọng cho châu Âu và LNG cho châu Á, vẫn duy trì sự hạn chế về nguồn cung trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Đồng thời, giá cả tăng vọt khiến một số quốc gia không thể mua được nhiên liệu trong khi mùa Đông đang đến gần. Kết quả là cả những quốc gia giàu có hay nghèo hơn đều ngày càng để ý đến các lựa chọn năng lượng thay thế.
Steve Sawyer, Giám đốc bộ phận lọc dầu tại FGE cho biết: “Với lo ngại rằng nguồn cung có thể trở nên rất khan hiếm trong mùa Đông sắp tới, nhiều chính phủ gần đây đã thông báo rằng họ sẽ cho phép đốt thêm dầu nhiên liệu và than trong các nhà máy điện”.
Hôm 11/8, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu thêm 380.000 thùng/ngày lên 2,1 triệu thùng/ngày với kỳ vọng ngành công nghiệp và các nhà sản xuất điện sẽ chuyển nhiên liệu sang dầu. IEA cũng cho biết, nhu cầu dầu tăng thêm thúc đẩy việc chuyển đổi đang "tập trung quá mức" vào Trung Đông và châu Âu.
Quan điểm của IEA cũng được lặp lại bởi Damien Courvalin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng tại Goldman Sachs, ông kỳ vọng việc chuyển đổi từ khí đốt sang dầu sẽ chiếm 1,5 triệu thùng/ngày nhu cầu bổ sung vào mùa đông này, so với 1 triệu thùng/ngày vào năm ngoái. Trong đó, nhu cầu sẽ đến từ ngành điện cũng như các ngành công nghiệp.
Ở châu Á, Pakistan và Bangladesh là hai trong những quốc gia có các cơ sở lớn có thể chuyển đổi giữa khí đốt tự nhiên và dầu nhiên liệu để sản xuất điện.
Cố vấn Max van der Velden của công ty tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie cho biết: “Pakistan và Bangladesh có công suất điện sản xuất từ dầu mỏ đáng kể và đang phải đối mặt với những hạn chế ngân sách nghiêm trọng để tiếp tục mua khí đốt đắt tiền. Họ đang cố gắng duy trì trạng thái giữ cho đèn sáng và tránh căng thẳng kinh tế nghiêm trọng bằng cách sử dụng dầu nhiên liệu”.
Trong khi đó, sự chuyển dịch từ khí đốt sang dầu là một bước thụt lùi trong nỗ lực toàn cầu về năng lượng sạch hơn. Nhiều quốc gia đã chuyển sang sử dụng khí tự nhiên như một phần của nỗ lực khử cacbon, vì đây là nhiên liệu hóa thạch sạch nhất. Các lựa chọn thay thế bẩn hơn từ than đá sang nhiên liệu lỏng sẽ khiến các quốc gia khó đạt được mục tiêu khí hậu hơn.
Các nhà phân tích của Fitch Solutions cho biết trong một báo cáo ngày 8/8 rằng, Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục cho phép tăng cường sản xuất điện từ than trong năm nay và năm tới, tạm thời đảo ngược sự sụt giảm tiêu thụ than trong dài hạn ở châu Âu. Và giá LNG cao hơn sẽ khuyến khích các nhà máy phát điện trên toàn cầu chuyển từ khí đốt sang than nguyên liệu nếu có thể.
Tuy nhiên, vẫn có những giới hạn về mức độ thay đổi nhiên liệu có thể có. Trong đó, vấn đề nằm ở việc thiếu công suất phát điện từ dầu vì có thể khó đưa các nhà máy điện chạy dầu hoặc than hoạt động trở lại.
“Việc khởi động lại các nhà máy như vậy sẽ phụ thuộc vào mức độ chúng được ngừng hoạt động bao lâu và sau đó được bảo trì như thế nào. Đừng mong đợi những điều như vậy ra đời chỉ sau một đêm”, ông Steve Sawyer cho biết.
Hầu hết các nhà máy điện dầu của Nhật Bản hiện đang không hoạt động. Theo cố vấn Max van der Velden, các nhà máy đã cũ và tốn kém để khởi động lại sẽ chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn và đối mặt với sự phản đối từ vấn đề môi trường và chính trị.
Tuy nhiên, khó có thể bỏ qua các lợi ích về chi phí của việc chuyển đổi nhiên liệu và FGE dự kiến sẽ có nhiều quốc gia thúc đẩy khởi động lại các nhà máy chạy bằng dầu.
“Quá trình sẽ cần phải bắt đầu ngay bây giờ nếu họ sẵn sàng và làm việc để giúp đáp ứng nhu cầu mùa đông”, ông Steve Sawyer cho biết.