Thế giới Công nghệ giúp xử lý vấn đề rác thải thực phẩm ở Đông Nam Á

TTH - Sau dịch, các dịch vụ ăn uống theo hình thức buffet, cũng như nhiều dịch vụ ăn uống khác đã bắt đầu trở lại. Tuy nhiên, chính sự trở lại này đã làm nảy sinh một vấn đề vô cùng to lớn là: Lãng phí thực phẩm.

Lãng phí và rác thải thực phẩm, vấn đề cần được hạn chế tối đa càng sớm, càng tốt. Ảnh minh họa: VTC News

Điều này được minh chứng rõ nhất khi vào năm 2021, Singapore tạo ra 817.000 tấn rác thải thực phẩm, tăng 23% so với năm 2020, trong bối cảnh hoạt động kinh tế sau đại dịch gia tăng. Chỉ 19% chất thải được tái chế.

Trên khắp Đông Nam Á, những con số thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn. Cụ thể, ghi nhận từ năm 2000 – 2019, Indonesia đã bỏ đi 23 – 48 triệu tấn rác thải thực phẩm hằng năm. Tại Bangkok (Thái Lan), thực phẩm dư thừa chiếm gần ½ trong tổng số 10.000 tấn chất thải rắn được thu gom hằng ngày của thành phố, báo cáo năm 2021 của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cho biết.

Sử dụng công nghệ tác động đến hành vi của người sử dụng: Đo lường lượng rác thải

Rác thải thực phẩm được coi là trách nhiệm của chính phủ và các công ty chất thải. Tuy nhiên, một số công ty khởi nghiệp tin tưởng rằng, họ có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách sử dụng công nghệ để tác động đến hành vi của các nhà phân phối thực phẩm, nhà hàng, thậm chí là người tiêu dùng.

Được biết, mô hình ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đang phát triển và đem đến một luồng gió mới, Rayner Loi, đồng sáng lập và cũng là giám đốc điều hành của Lumitics, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Singapore chuyên khai thác trí thông minh nhân tạo (AI) để theo dõi rác thải thực phẩm cho biết.

Hiện nay, có nhu cầu rất lớn trong việc đo lường lượng rác thải thực phẩm của các “nhà bếp thương mại”, song hoạt động này thường rất cồng kềnh. Một số nhà bếp thực hiện kiểm tra bằng cách cân đo tổng lượng chất thải theo cách thủ công và ghi lại. Điều này không chỉ bắt buộc phải sử dụng nhiều nhân lực mà dữ liệu cũng thiếu tính chi tiết.

“Họ thậm chí không biết được họ đang vất bỏ những gì, đang vứt bỏ bao nhiêu và khi nào rác thải được tạo ra. Do đó, rất khó để bắt đầu đưa ra các chiến lược giảm chất thải thực phẩm”, Ông Rayner Loi nhận định.

Về một ví dụ trong việc áp dụng AI, năm 2017, ông Rayner Loi thành lập Lumitics để xây dựng một thiết bị theo dõi chất thải thực phẩm thông minh cho các nhà bếp để theo dõi liền mạch lượng chất thải. Được gọi là Insight, thiết bị theo dõi có thể được gắn với bất kỳ thùng rác tiêu chuẩn nào để ghi lại toàn bộ loại và trọng lượng thực phẩm đã được xử lý trong nhà bếp, với sự trợ giúp của công nghệ nhận dạng hình ảnh cảm biến.

AI được tạo ra để nhận diện các món ăn phổ biến như cà ri, đồ xào, thậm chí là thức ăn thừa còn lại trên dĩa của thực khách. Với sự giám sát này, có thể dễ dàng nhận ra những loại thực phẩm có độ tiêu thụ cao và thấp, từ đó trung bình các khách hàng có thể giảm thiểu lượng rác thải thực phẩm lên đến 40%.

Trong 5 năm qua, Lumitics đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng có tiếng như hãng hàng không Singapore Airlines và Cathay Pacific, bên cạnh đó còn có các chuỗi khách sạn Accor và Four Seasons...

Có thể nói, xử lý rác thải thực phẩm tại nguồn không chỉ đòi hỏi hệ thống công nghệ mà còn cần sự thay đổi trong văn hóa của các công ty, doanh nghiệp.

Xử lý rác thải thực phẩm

Bên cạnh việc theo dõi rác thải thực phẩm, một điểm khó khăn mà ngành công nghiệp phải đối mặt là xử lý rác thải thực phẩm. Từ năm 2024, các chủ sở hữu và người điều hành các cơ sở thương mại và công nghiệp tạo ra lượng lớn chất thải thực phẩm – chẳng hạn như trung tâm mua sắm, khách sạn và nhà máy thực phẩm - sẽ cần phải tách chất thải thực phẩm để xử lý.

Một số doanh nghiệp đã đưa vào hệ thống xử lý rác thải thực phẩm thành bã giàu chất dinh dưỡng.

Bã này có thể được sử dụng để làm phân bón, hoặc nguyên liệu cho một bể phân hủy kỵ khí có thể chuyển hóa thành khí sinh học, nhờ đó có thể được sử dụng để tạo ra điện...

Bên cạnh nhiều cách thức để xử lý rác thải thực phẩm, chuyển hóa chúng “thêm một vòng đời có lợi”, các chuyên gia cho biết, cần nhìn đến một bức tranh rộng lớn hơn, rằng giải quyết vấn đề rác thải thực phẩm cũng là điều cần thiết cho những nỗ lực bền vững hơn, như giảm thiểu rác thải nhựa.

Ở cấp độ hộ gia đình, rắc rối trong vấn đề rác thải là rất lớn. Một trong những điều ngăn cản nhựa tái chế một cách hiệu quả là thực phẩm và rác thải nhựa thường bị thải bỏ cùng nhau, vì vậy làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nhựa.

Nếu các nước có thể nghĩ ra cách tách 2 nguyên liệu này tại nguồn và có cách quản lý rác thải thực phẩm hiệu quả, chúng ta hoàn toàn có khả năng tái chế nhựa tiết kiệm chi phí hơn và có quy mô hơn.

Tính bền vững không phải là một chủ đề dễ dàng và bản thân chất thải còn là một vấn đề khó hơn nhiều, bởi không nhiều người hiểu rõ nó. Đây chính là thách thức mà các nước, các ngành nghề, lĩnh vực phải vượt qua và sự chung tay của nhiều cố vấn, nhà đầu tư hơn sẽ giúp nhiều công ty khởi nghiệp trong ngành khởi đầu để hướng đến mục tiêu giảm tối đa rác thải thực phẩm trong đời sống.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/cong-nghe-giup-xu-ly-van-de-rac-thai-thuc-pham-o-dong-nam-a-a116205.html