Thế giới đang hướng tới 'cuộc chiến lương thực'

Căng thẳng địa chính trị và các chính sách bảo hộ đã làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát trên toàn cầu.

Chính sách bảo hộ trong nước đang làm trầm trọng thêm vấn nạn lạm phát lương thực toàn cầu. Ảnh: Getty Images

Chính sách bảo hộ trong nước đang làm trầm trọng thêm vấn nạn lạm phát lương thực toàn cầu. Ảnh: Getty Images

Dẫn đánh giá của Olam Agri – một trong những tập đoàn kinh doanh sản phẩm nông nghiệp lớn nhất toàn cầu, tạp chí Financial Times ngày 26/6 cho biết thế giới đang phải đối mặt với “cuộc chiến lương thực, thực phẩm” do căng thẳng địa chính trị gây ra trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung suy yếu.

Olam Agri đang hoạt động tại hơn 60 quốc gia và cung cấp thực phẩm và nguyên liệu công nghiệp cho 22.000 khách hàng trên toàn thế giới.

“Chúng ta đã trải qua các cuộc chiến vì dầu mỏ. Nhưng chúng ta sẽ phải đối mặt với cuộc chiến lớn hơn, lần này là lương thực và nước uống”, Sunny Verghese, Giám đốc điều hành Olam Agri, phát biểu tại hội nghị người tiêu dùng Redburn Atlantic và Rothschild vào tuần trước.

Ông Sunny cảnh báo rằng rào cản thương mại do các chính phủ áp đặt nhằm hỗ trợ dự trữ lương thực trong nước đã làm trầm trọng thêm vấn nạn lạm phát lương thực.

Trên thực tế, giá lương thực bắt đầu tăng sau đại dịch COVID-19 và tăng vọt sau khi xung đột Ukraine leo thang kèm theo đó là các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Những hạn chế này đã khiến một số hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón bị đình trệ, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở các nước nghèo hơn.

Theo vị giám đốc điều hành của Olam Agri, lạm phát giá lương thực tăng cao một phần là kết quả của các chính sách can thiệp của chính phủ khi các nước giàu hơn dự trữ các mặt hàng chiến lược đã tạo ra mất cân đối cung-cầu quá mức.

“Ấn Độ, Trung Quốc, mọi nước đều có kho dự trữ. Điều này chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề toàn cầu”, ông Sunny chỉ ra.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã cản trở sản xuất nông nghiệp trên toàn cầu và cũng dẫn đến gia tăng chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới. Ông Sunny đề cập đến việc Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ vào năm 2022 để bảo vệ thị trường địa phương và Ấn Độ áp đặt các hạn chế xuất khẩu một số loại gạo vào năm ngoái trong nỗ lực kiềm chế giá nội địa tăng cao.

Trong một tuyên bố gần đây, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk đã cảnh báo rằng, thế giới đang tiến tới một tương lai thảm khốc, khi hàng chục triệu người đối mặt với nạn đói nếu biến đổi khí hậu không được giải quyết thỏa đáng. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang có tác động tiêu cực đáng kể đến cây trồng, đàn gia súc và hệ sinh thái, làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung lương thực toàn cầu.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo RT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi-dang-huong-toi-cuoc-chien-luong-thuc-20240627105632747.htm