Thế giới EU dự kiến cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế
TTH - Theo Nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), hay còn gọi là Eurogroup, cuộc chiến chống lạm phát sẽ là ưu tiên hiện nay, khi họ được Ủy ban châu Âu (EC) thông báo về triển vọng kinh tế xấu đi.
Đồng tiền euro tại một ngân hàng ở thành phố Heidelberg, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Cụ thể, Phó Chủ tịch EC, ông Valdis Dombrovskis cho biết bên lề một cuộc họp thường kỳ hàng tháng của Eurogroup rằng, ủy ban điều hành của Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra bản cập nhật về các dự báo kinh tế, cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn và lạm phát cao hơn.
Bên cạnh đó, Ủy viên kinh tế Paolo Gentiloni của EU cảnh báo, những rủi ro đối với nền kinh tế đang gia tăng, giữa lúc Nga có thể cắt giảm nguồn cung khí đốt đến các nước châu Âu. Cũng theo ông Paolo Gentiloni, Brussels có thể sẽ áp dụng một số biện pháp nhằm làm giảm áp lực lạm phát từ nhập khẩu khí đốt, bao gồm cả giới hạn giá dầu, tuy vẫn chưa có quyết định nào về điều này được đưa ra.
Vào tháng 5 vừa qua, EC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của 19 quốc gia chia sẻ đồng euro xuống còn 2,7% trong năm nay, so với mức 4% được dự báo trước đó hồi tháng 2; và xuống còn 2,3% trong năm 2023 từ mức 2,7%, trong đánh giá đầu tiên của cơ quan này về tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với nền kinh tế của khối. Trong khi đó, lạm phát được ước tính ở mức 6,1% cho năm nay.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ sụt giảm hơn nữa, các Bộ trưởng Tài chính đang tập trung vào việc chống lại lạm phát, điều này thể hiện quyết tâm tiếp tục rời khỏi các biện pháp kích thích kinh tế lớn, đã được đưa ra trong giai đoạn cấp bách của đại dịch COVID-19.
Hãng Thông tấn The Straits Times ngày 12/7 dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvino khẳng định: "Ưu tiên là kiềm chế lạm phát". Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Sigrid Kaag cũng nhất trí rằng, lạm phát là một mối quan tâm lớn, và cũng sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2023.
Các Bộ trưởng Tài chính đang thúc đẩy sự thận trọng về tài khóa, nhằm chống lại giá cả tăng vọt, khi Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) đã ước tính lạm phát ở mức 8,6% trong tháng 6. Đây là mức lạm phát cao nhất từ trước đến nay của khu vực đồng tiền chung châu Âu, được thúc đẩy bởi giá năng lượng cao kỷ lục. Gần một nửa số quốc gia trong khu vực tiền tệ này đã đạt mức lạm phát 2 con số.
Được biết, cuộc thảo luận về lập trường tài khóa năm 2023 sẽ diễn ra trước khi các chính phủ chuẩn bị ngân sách quốc gia cho năm tới. Theo Bộ trưởng Tài chính Bỉ Vincent Van Peteghem, sự thận trọng về tài khóa đồng nghĩa với việc cắt giảm ngân sách, cũng như bắt tay vào cải cách cơ cấu.
Ngoài ra, việc thúc đẩy chống lạm phát sẽ hỗ trợ kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Vào tháng 6, ECB đã cam kết sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 7 năm nay, đánh dấu đợt tăng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm của ngân hàng này.