Thế giới giữa hai cuộc siêu bầu cử (Kỳ cuối)
2024 là năm đặc biệt, siêu bầu cử, hơn 2 tỷ cử tri bỏ phiếu, ở khoảng 50 quốc gia, trong đó có Nga và Mỹ.
Kỳ II. “CUỘC ĐUA SONG MÔ Ở XỨ CỜ HOA VÀ THẾ GIỚI GIỮA HAI DÒNG XOÁY LỚN
Không gì là không thể và khó lường
Ngay sau ngày siêu bầu cử thứ Ba, nhiều người quả quyết “cuộc đua song mã” giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã chính thức bắt đầu. Nói vậy không sai, nhưng theo tư duy triết học, không gì là không thể.
Đầu tháng 3, Tòa án tối cao Liên bang ra phán quyết bác bỏ việc loại ông Trump khỏi cuộc bầu cử sơ bộ ở các bang Colorado, Maine, Illinoi. Nhưng 4 bản án hình sự vẫn treo lơ lửng đối với cựu Tổng thống. Ở tuổi 81, Tổng thống Biden từng vấp khi bước lên chuyên cơ, sảy chân ngã trên lễ đài. Nên không loại trừ sự cố sức khỏe đối với đương kim Tổng thống.
Kể cả không xảy ra sự cố, thì cuộc tái đấu cũng rất kịch tính, khó lường và khó dự báo. Chắc sẽ gặp lại nhau nên ngay từ khi tranh cử nội bộ, hai ứng cử viên hàng đầu đã nhằm vào đối thủ chính của mình. Cho nên, thời gian tranh cử thực tế giữa hai ứng cử viên cũng dài kỷ lục. Mà “đêm dài thì lắm mộng”.
Năm 2024 có sự chuyển vai, ông Trump là người “thách thức”, có lợi thế ít bị săm soi hơn và nhắm vào các tồn tại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden. Đó là vấn đề an ninh biên giới phía Nam và người di cư; cuộc tháo lui khỏi Afghanistan. Quan điểm, mức độ can dự cuộc chiến và gói viện trợ cho Ukraine, Israel sẽ tác động đến phiếu bầu của khối cử tri có nguồn gốc liên quan đến các bên xung đột. Đặc biệt, giá tăng, cùng với tác động gián tiếp từ các yếu tố trên, ảnh hưởng đến túi tiền, là ưu tiên số một của người dân Mỹ.
Kỳ tranh cử này, cựu Tổng thống Trump có vốn liếng chính trị hơn so với năm 2020, chỉ là nhà tài phiệt. Nhưng ông Trump cũng gặp không ít thách thức. Bốn vụ án hình sự, dù ít khả năng bị phạt tù, nhưng việc xuất hiện tại tòa sẽ khiến hình ảnh cựu Tổng thống có phần kém sáng. Án phạt 464 triệu USD sẽ ảnh hưởng đến túi tiền và chiến dịch gây quỹ của ông Trump. Cựu Tổng thống buộc phải rao bán mạng xã Truth Social.
Đương kim Tổng thống Biden có điều kiện để thể hiện điểm nổi trội của mình. Thông điệp Liên bang ngày 7/3 vừa qua nêu bật các thành tựu trong 3 năm qua và khái quát tầm nhìn về tương lai nước Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh nền dân chủ, kinh tế, biên giới, nhập cư, nạo phá thai, các cuộc xung đột... Trong đó, nhiều vấn đề có sự tương phản mạnh giữa hai ứng cử viên.
Theo Tổng thống Biden, nếu đối thủ thắng, nền dân chủ Mỹ sẽ bị đe dọa.
Khẳng định không cúi đầu trước Tổng thống Putin, đương kim Tổng thống ám chỉ cựu Tổng thống “mềm yếu”. Ông chủ Nhà Trắng không ngại “đấu khẩu” với các thành viên đảng Cộng hòa. Tổng thống Biden điều chỉnh quan điểm, cách tiếp cận; giọng điệu mạnh mẽ hơn, nhằm chứng tỏ tuổi tác không phải là vấn đề; tranh thủ nhóm cử tri chưa rõ ràng, khoét sâu chỗ yếu của đối thủ. Thông điệp Liên bang năm 2024 mang đậm ý nghĩa tranh cử.
Hai ứng cử viên Tổng thống không chỉ đối chọi nhau trên tuyên bố mà cả trong cách tiếp cận và hành động. Cùng đề cao “đưa nước Mỹ trở lại”, nhưng Tổng thống Biden thiên về chia thế giới thành 2 phe, “Dân chủ” và các quốc gia còn lại, vô hình trung đẩy Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran... xích lại gần nhau.
Cựu Tổng thống Trump tập trung hơn vào đối thủ mà ông cho là nguy hiểm nhất, đe dọa lợi ích Mỹ; chú ý khai thác “độ vênh” giữa các đối thủ. Tháng 2/2019, tại Hà Nội, Tổng thống Trump lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều với Chủ tịch Kim Jong-un. Bốn tháng sau (30/6), ông là nguyên thủ Mỹ đầu tiên đặt chân lên khu phi quân sự liên Triều để gặp lại ông Kim Jong-un. Các sự kiện đầu tiên ấy không đạt kết quả nào, bởi bản chất của mâu thuẫn và mối quan hệ.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người có quan điểm trung dung với Nga, vừa gặp cựu Tổng thống Mỹ, nói ông Trump sẽ không chi tiền cho Ukraine và nếu tái đắc cử có thể giúp sớm chấm dứt xung đột. Nói là vậy, thực hiện bằng cách nào, được hay không, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Trái lại, Tổng thống Biden quyết chi gói viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine tiếp tục cuộc xung đột, không để Nga thắng. Theo quan điểm của nhiều người Mỹ, số tiền đó nên dành để giải quyết các vấn đề bên trong, liên quan đến đời sống xã hội. Nhằm tranh thủ cử tri, gây khó cho đối thủ, Đảng Cộng hòa treo gói viện trợ cho Ukraine và Israel; chỉ thông qua dự luật cấp ngân sách tạm thời, giúp chính phủ Mỹ thoát đóng cửa một phần.
Tuyên bố, cách tiếp cận và chiến thuật hành động của đương kim và cựu Tổng thống có những điểm khác nhau, nhưng bản chất, mục đích đều vì lợi ích của nước Mỹ, các tập đoàn kinh tế. Những vấn đề trên khiến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 thêm phần kịch tính, có thể hơn kỳ trước. Theo kết quả thăm dò gần đây, ông Trump dẫn điểm chút ít, nhưng lại thua ở một số bang khác. Quan trọng hơn còn gần chục phần trăm cử tri chưa rõ ràng.
Từ nay đến tháng 11/2024, có thể xảy ra biến cố chi phối cử tri. Nếu Ukraine thất thủ, đương kim Tổng thống có thể mất điểm. Ngược lại, kinh tế Mỹ phát triển, ông chủ Nhà Trắng sẽ hưởng lợi. Do đó, dự báo kết cục bầu cử tổng thống Mỹ vào thời điểm này rất khó.
Thế giới giữa hai dòng xoáy lớn
Các tập hợp lực lượng khác nhau đã hình thành từ nhiều năm trước.
Những năm đầu thập niên 2020, xuất hiện những tập hợp lực lượng mới, trên các địa bàn chiến lược, quanh các điểm nóng, mức độ đối đầu gia tăng phức tạp.
Xung đột ở Ukraine, sâu xa là mâu thuẫn giữa Nga với Mỹ, châu Âu, và NATO. Ai làm Tổng thống, thì chiến lược, chính sách của Mỹ với Nga trong nhiệm kỳ mới cũng có điều chỉnh, nhưng không đột biến. Dù tạm trục trặc, Mỹ vẫn sẽ chi gói viện trợ 60 tỷ USD cùng với 50 tỷ USD của EU. Phần lớn số tiền đó sẽ chuyển thành phương tiện vũ khí, quyết không để Ukraine thua, Nga thắng.
Nga tuyên bố cuộc xung đột ở Ukraine nhằm chống lại trật tự thế giới đơn cực do Mỹ và phương Tây chi phối, sẵn sàng làm tất cả, quyết không chịu thua. Năm 2024 và những năm tiếp theo, mâu thuẫn, xung đột sẽ nóng hơn, căng thẳng hơn. Nhưng đến mức nào đó, cuộc xung đột ở Ukraine cũng sẽ phải dừng. Có điều không phải trong năm 2024, 2025 và cũng chưa thể nói chắc chắn kết thúc theo hình thức, với các điều kiện nào.
Cả Nga và NATO đều nói tới nguy cơ một cuộc chiến tranh lớn. Mỹ, đồng minh và Nga cùng không muốn đối đầu trực tiếp; không thể không cần nhau trong cuộc chiến khủng bố, kiểm soát vũ khí tiến công chiến lược… Do đó, ít có khả năng xảy ra chiến tranh lớn, chiến tranh hạt nhân, bởi hậu quả vô cùng nặng nề cho các bên và nhân loại. Nhưng cũng không loại trừ các tình huống đột biến, tính toán chiến lược sai lầm.
Tương quan tiềm lực, lực lượng của Mỹ và đồng minh nhỉnh hơn Nga. Nên Nga rất cần liên kết với nhiều đối tác. Nhiều nước cũng đồng tình với Nga và hưởng lợi khi xây dựng một trật tự thế giới đa cực, công bằng, dân chủ hơn. Với một số nước, quan hệ, hợp tác với Nga, không để Nga thua là tạo đối trọng với Mỹ và đồng minh.
Nga cũng tạo được các mối quan hệ, hợp tác, liên kết, giảm bớt khó khăn trong xung đột với Ukraine, đằng sau là Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, các quốc gia có mục tiêu, lợi ích khác nhau và những quan hệ chồng chéo, đa phương, đa tầng nấc.
Cuộc chiến ở Dải Gaza giữa Hamas và Israel cũng có mặt tương tự. Mỗi bên đều có lực lượng chống lưng, khiến xung đột căng thẳng cả trên thực địa và bàn hội nghị. Giao tranh vẫn tiếp diễn, có nguy cơ lan rộng, lôi kéo các nước khác can dự. Thương vong đến gần triệu người, chủ yếu là dân thường; đẩy người dân Palestine vào thảm họa nhân đạo. Sau nhiều lần trục trặc, ngày 25/3, 14 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đồng ý thông qua nghị quyết (Mỹ bỏ phiếu trắng), yêu cầu Hamas và Israel ngừng bắn lập tức, thả ngay con tin vô điều kiện.
Có ý kiến cho rằng sự kiện này có tác động từ vận động tranh cử ở Mỹ. Thông qua đã khó, thực thi khó hơn nhiều, phụ thuộc cả bên trong và bên ngoài, không loại trừ đổ vỡ. Đây là bước mở đầu quan trọng, nhưng hành trình chấm dứt xung đột vẫn rất xa vời.
Hiện nay và thời gian tới, các tập hợp lực lượng ngày càng đan xen đa chiều, đa tầng nấc, khiến tình hình thế giới, khu vực chuyển động phức tạp, như những dòng xoáy. Trong đó, có hai dòng lớn nhất, với các tâm xoáy là Mỹ, đồng minh và Nga, Trung Quốc… Các nước lớn luôn là nhân tố chính chi phối tình hình thế giới, khu vực và quan hệ quốc tế. Các nước khác không giữ vững độc lập, tự chủ, xử lý khôn khéo, linh hoạt, dễ bị cuốn vào vòng xoáy.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/the-gioi-giua-hai-cuoc-sieu-bau-cu-ky-cuoi-266228.html