Thế giới lần đầu ghi nhận 3,4 triệu ca mắc COVID-19 trong một ngày

Nhân viên y tế diều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Rome, Ý. Ảnh: AFP/TTXVN

* WHO cảnh báo Omicron đặc biệt nguy hiểm với người chưa tiêm vắc xin

Kể từ khi lần đầu tiên được công bố vào cuối tháng 11/2021, đến nay Omicron đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới và đang dần thế chỗ Delta trở thành biến thể chủ đạo.

Trong 24 giờ qua, thế giới lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới trong 1 ngày vượt 3 triệu ca, lên mức gần 3,4 triệu ca. Nhiều nước cũng đã thông báo số ca mắc mới cao chưa từng thấy.

Theo số liệu của Bộ Y tế Mexico, trong 24 giờ qua, nước này có tới 44.187 ca mới - mức cao nhất từ trước đến nay. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Mexico chứng kiến "kỷ lục buồn" về số ca mới COVID-19.

Đáng chú ý, số ca mới trong 24 giờ qua cao hơn nhiều so với mốc 33.626 ca mới được ghi nhận 1 ngày trước đó. Cũng trong 24 giờ qua, nước này có thêm 190 ca tử vong. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt 4.214.253 ca và 300.764 ca.

Cùng ngày, Croatia cũng thông báo ghi nhận 9.894 ca mới và 27 ca tử vong. Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất tại Croatia kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Giới chuyên gia cho rằng tỉ lệ người dân tiêm vắc xin ngừa COVID-19 thấp đã khiến tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 gia tăng. Tính đến nay, mới chỉ có 56% dân số nước này đã tiêm vắc xin phòng bệnh.

Tại Bồ Đào Nha, số ca mới trong 24 giờ qua cũng lên tới 40.945 ca - mức cao nhất từ trước đến nay. Hiện tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lần lượt là 1.734.343 ca và 19.181 ca.

Cũng trong ngày 12/1, Bộ Y tế Israel thông báo số ca mới ghi nhận mức cao kỷ lục trong ngày thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 43.815 ca mới, cao hơn gần 6.000 ca so với mức cao kỷ lục của 1 ngày trước đó. Hiện Israel có tổng cộng 1.622.053 ca mắc COVID-19.

Theo nhà chức trách Israel, tỉ lệ số ca dương tính trên tổng số xét nghiệm thực hiện mỗi ngày đã tăng lên 12,09% - mức cao nhất kể từ đầu tháng 10/2020. Số ca bệnh đang phải điều trị cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 222.877 ca.

Ít nhất đã có 14 nghị sĩ và bộ trưởng tại Israel mắc COVID-19 đã phải vắng mặt trong các phiên làm việc ngày 12/1. Trong số các chính khách mắc bệnh có Ngoại trưởng Yair Lapid, Bộ trưởng Công an Omer Barlev, Thứ trưởng Ngoại giao Idan Roll và 11 nghị sĩ của cả liên minh cầm quyền và phe đối lập. Trừ các ông Barlev và Roll không phải là nghị sĩ, như vậy đã có 10% (12 trên tổng số 120) số nghị sĩ của Quốc hội Israel mắc COVID-19.

* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục đưa ra cảnh báo mới về Omicron đặc biệt nguy hiểm với người chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sau khi cho rằng sẽ là sai lầm khi xem nhẹ biến thể này vào tuần trước.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh thế giới trong tuần qua ghi nhận thêm 15 triệu ca nhiễm mới - mức tăng theo tuần cao nhất từ đầu dịch đến nay. WHO khẳng định làn sóng lây nhiễm gia tăng hiện nay là do Omicron dần thay thế Delta trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước.

Theo WHO, tính đến ngày 6/1, Omicron đã xuất hiện tại 149 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chia sẻ với báo giới, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: "Omicron dù ít gây triệu chứng nặng so với Delta, nhưng đây vẫn là một biến thể nguy hiểm, đặc biệt đối với người chưa tiêm chủng".

Người đứng đầu WHO nhấn mạnh toàn thế giới không nên chủ quan trước biến thể này, đồng thời bác bỏ những quan điểm cho rằng Omicron có thể là nhân tố tích cực chấm dứt đại dịch. Theo ông Tedros, không nên để biến thể này lây lan tự do, đặc biệt khi vẫn còn nhiều người trên thế giới chưa tiêm chủng.

Ông cho rằng việc số đông bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị là người chưa tiêm chủng là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy hiệu quả phòng bệnh của các loại vắc xin ngừa COVID-19. Ông nêu rõ mặc dù không thể hoàn toàn ngăn chặn sự lây nhiễm, song vắc xin đã giúp ngăn ngừa nguy cơ tử vong và diễn tiến nặng của bệnh nhân COVID-19.

Nhấn mạnh đến tính nghiêm trọng của dịch bệnh hiện nay, người đứng đầu WHO cho rằng càng nhiều người bị lây nhiễm, càng nhiều người phải nhập viện, kéo theo đó là càng nhiều bệnh nhân tử vong và càng nhiều người không thể đi làm.

Ngoài ra, sự lây nhiễm tràn lan sẽ dẫn đến nguy cơ xuất hiện những biến thể mới với độ nguy hiểm và khả năng lây lan thậm chí có khả năng vượt Omicron.

Đề cập đến nguy cơ mắc COVID-19 ở thai phụ, ông Tedros cho rằng một khi mắc COVID-19, thai phụ dễ gặp biến chứng nặng. Do đó, ông kêu gọi phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và tiếp cận các phương pháp điều trị đang được thử nghiệm.

Tổng Giám đốc WHO cho biết trong tuần qua, số bệnh nhân COVID-19 tử vong ổn định ở con số 50.000 ca/tuần. Ông nhấn mạnh: "Học cách sống chung với virus không có nghĩa là chúng ta có thể hoặc nên chấp nhận con số bệnh nhân tử vong nêu trên".

Trong tuyên bố tuần nay, người đứng đầu WHO một lần nữa kêu gọi phân phối công bằng vắc xin. Ông khẳng định thế giới sẽ không thể chấm dứt đại dịch nếu không thể thu hẹp khoảng cách phân phối vắc xin. Theo ông, tại châu Phi, hơn 85% dân số chưa được tiêm chủng.

Người đứng đầu WHO từng đặt mục tiêu từng quốc gia có 10% dân số được tiêm chủng vào cuối tháng 9/2021, 40% vào cuối tháng 12/2021 và 70% vào giữa năm nay. Tuy nhiên, đến nay có tới 90 nước chưa hoàn thành mục tiêu 40% và 36 nước trong đó vẫn chưa chạm đến con số 10%.

Tuần trước, ông Tedros khẳng định sự bất bình đẳng vắc xin là yếu tố khiến nhiều người tử vong và làm suy yếu khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu.

BTV (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/269776/the-gioi-lan-dau-ghi-nhan-3-4-trieu-ca-mac-covid-19-trong-mot-ngay.html