Ai cần tiêm vaccine bạch hầu?

Bạch hầu thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm, trẻ em khi đủ 2 tháng tuổi bắt buộc phải tiêm vaccine phòng bệnh. Người lớn không nhất thiết phải đổ xô đi tiêm, nếu đã tiêm vaccine đầy đủ trước đó.

 Vaccine bạch hầu là loại vaccine bắt buộc phải tiêm chủng. Ảnh: Shutterstock.

Vaccine bạch hầu là loại vaccine bắt buộc phải tiêm chủng. Ảnh: Shutterstock.

Đến thời điểm hiện tại, số ca dương tính với bạch hầu tại Bắc Giang là 2 trường hợp. Một ca bệnh không qua khỏi trước đó được ghi nhận tại Nghệ An.

Trước tình hình này, ngành y tế hai địa phương cũng như Bộ Y tế đã liên tục phát cảnh báo về công tác phòng, chống dịch, trong đó có vấn đề tiêm chủng vaccine.

Không hoang mang

Trước các thông tin xoay quanh những ca dương tính với bạch hầu, nhiều người dân tỏ ra lo lắng, chủ động tìm đến trung tâm tiêm chủng, bệnh viện để tiêm vaccine phòng bệnh.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, nhấn mạnh tiêm chủng vaccine có thành phần bạch hầu cho trẻ em là tuyệt đối cần thiết, đặc biệt nếu trẻ em nào chưa tiêm chủng vaccine có thành phần bạch hầu thì đây là dịp để cha mẹ các trẻ đưa trẻ đi tiêm chủng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng các các ổ dịch bạch hầu xảy ra là do mức độ bao phủ vaccine ở trẻ em chưa đủ cao.

"Cá nhân tôi cũng cho rằng sở dĩ có người bị bệnh bạch hầu và không qua khỏi là do người đó không tiêm ngừa bạch hầu đầy đủ", PGS Dũng nói.

 Khu vực cách ly tại chỗ tại một phòng trọ ở Bắc Giang. Ảnh: TTXVN.

Khu vực cách ly tại chỗ tại một phòng trọ ở Bắc Giang. Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, hiện WHO cho biết không cần thiết tiêm chủng cho người trưởng thành, nếu người đó đã tiêm chủng đầy đủ theo các bằng chứng y học đã có cho đến nay. Ngay cả khi có ổ dịch bạch hầu, thì cách xử trí đúng mức là truy vết người tiếp xúc, xem lại tiền sử tiêm vaccine bạch hầu của ngươi tiếp xúc.

Đồng thời, các cơ sở y tế công cộng cần tiêm vaccine đủ liệu trình cho người nào chưa tiêm, tiêm bổ sung cho người thiếu. Còn những người tiêm vaccine rồi thì chỉ cần theo dõi, không cần tiêm thêm.

"Vì vậy, người trưởng thành không cần quá hoang mang và đổ xô đi tiêm vaccine bạch hầu vì vụ dịch này", PGS Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nếu chưa rõ tiền sử tiêm chủng của mình hoặc có lo ngại, thì người dân có thể tiêm vaccine uốn ván - bạch hầu để bảo vệ bản thân trước hai bệnh này.

Vaccine tốt nhất cho người trưởng thành là vaccine Td (có liều cao của giải độc tố uốn ván và liều thấp của giải độc tố bạch hầu và không có thành phần ho gà), vì liều cao của giải độc tố bạch hầu hay protein của ho gà trong vaccine có thể gây tác dụng phụ (dù hiếm).

Ở Việt Nam hiện nay, vaccine Td được lưu hành được sản xuất bởi Viện vaccine và sinh phẩm Nha Trang. Ngoài ra, còn có 2 loại vaccine Tdap (có liều cao của giải độc tố uốn ván và liều thấp của giải độc tố bạch hầu và có thành phần ho gà liều thấp) nhập ngoại được lưu hành ở Việt Nam là Boostrix và Adacel.

Thông thường, vaccine này nên dùng cho phụ nữ mang thai, có con nhỏ nhưng ở người lớn thì không ưu tiên, vì có thể gây encephalopathy dù nguy cơ thấp.

"Tóm lại việc tiêm chủng vaccine có thành phần bạch hầu cho trẻ em là cần thiết. Tuy nhiên việc tiêm chủng cho người trưởng thành ở thời điểm này là không cần thiết", PGS Dũng cho hay.

Chủ động tiêm nhắc lại sau 10 năm

Trong khi đó, Th.BS Nguyễn Hiền Minh, Phó Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM, cho biết theo quy định bệnh bạch hầu thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm, phải sử dụng bắt buộc cho trẻ em khi đủ 2 tháng tuổi.

Cụ thể, vaccine phối hợp có chứa thành phần bạch hầu tiêm lần 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, tiêm lần 2 ít nhất một tháng sau lần 1, tiêm lần 3 ít nhất một tháng sau lần 2. Mũi tiêm nhắc lại (tiêm lần 4) cần được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.

Ngoài ra, cần lưu ý vaccine phối hợp có chứa thành phần bạch hầu giảm liều sẽ tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 7 tuổi để duy trì miễn dịch lâu dài. Phụ huynh có thể lựa chọn tiêm vaccine miễn phí theo Chương trình Tiêm chủng Quốc gia, hoặc tiêm vaccine dịch vụ.

Đối với người lớn chưa được tiêm chủng trước đây, hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng thì cần tiêm các mũi cơ bản như sau: Tiêm 3 mũi cơ bản vaccine có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vaccine bạch hầu nguyên liều hay vaccine bạch hầu giảm liều).

 Người dân phun xịt khử khuẩn. Ảnh: Duy Anh.

Người dân phun xịt khử khuẩn. Ảnh: Duy Anh.

Trong đó, mũi thứ 1 tiêm càng sớm càng tốt. Mũi thứ 2 tiêm cách mũi thứ 1 tối thiểu 4 tuần. Mũi thứ 3 tiêm cách mũi thứ 2 tối thiểu là 6 tháng. Sau đó các mũi tiêm nhắc lại có thể tiêm cách nhau mỗi 10 năm.

Vaccine phòng bạch hầu có thể tiêm cho tất cả người lớn và không có giới hạn độ tuổi, miễn là đạt các yêu cầu về khám sàng lọc trước tiêm chủng.

"Quan niệm chỉ cần tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em là không đúng. Người lớn không tiêm nhắc vaccine mỗi 10 năm, sẽ gây hậu quả xuất hiện ca bệnh ở người lớn vì lượng kháng thể trong người giảm dần đến ngưỡng không đủ bảo vệ nữa cũng như suy giảm miễn dịch cộng đồng khiến dịch bệnh bùng phát", bác sĩ Minh nói.

Theo WHO, hiệu quả phòng bệnh bạch hầu ở các quốc gia khi tiêm đủ liều vaccine là rất cao, từ 96,9% đến 98,2%.

Nguyễn Thuận - Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ai-can-tiem-vaccine-bach-hau-post1485637.html