Thế giới phản ứng với chính sách thuế đối ứng của Mỹ

Nhiều quốc gia tuyên bố sẽ đáp trả sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Chính sách mới của Mỹ được cho là sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường thế giới, và thậm chí là ảnh hưởng lớn tới chính nền kinh tế xứ sở cờ hoa.

Ngày 2/4 (giờ địa phương), tại Vườn Hồng Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố với thế giới một chính sách mới, được coi là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Chính sách đó, không gì khác, là quyết định áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo đó, Mỹ áp thuế cơ sở 10% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 5/4. Ngoài ra, Mỹ áp dụng thuế đối ứng với hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ ngày 9/4. Tổng thống Trump cho biết mức thuế đối ứng này chỉ bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đó đang áp lên hàng hóa Mỹ. Danh sách bao gồm nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc (34%), Liên minh châu Âu (20%), Thụy Sĩ (31%), Hàn Quốc (25%), Nhật Bản (24%). Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam bị áp thuế 46%, Thái Lan (36%), Indonesia (32%), cùng một số quốc gia khác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Ảnh: Reuters

Cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro nhận định, với việc sử dụng các đòn thuế quan, "ngân sách Mỹ mỗi năm sẽ thu về được thêm 600 tỷ USD. Đây là một món tiền rất lớn nếu so sánh với tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ năm 2022 là 3.200 tỷ USD". Tuy nhiên, giới quan sát lại cho rằng, đằng sau những lời cảm thán về "ngày giải phóng" mà ông Trump mô tả về thuế quan ẩn chứa nguy cơ khôn lường về một giai đoạn đầy khó khăn cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung. Bằng chứng là ngay sau tuyên bố của ông Trump, giá dầu thế giới đảo chiều giảm mạnh, thị trường chứng khoán Mỹ "đỏ lửa" với chỉ số Dow Jones giảm 0,61%, S&P 500 giảm 1,69% và Nasdaq-100 giảm 2,54%. Trong khi đó, giá vàng giao sau tại New York tăng vọt lên mức kỷ lục trên 3.200 USD/ounce. Thị trường chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc cũng ghi nhận mức giảm lần lượt là 4% và 1,29%.

Không chỉ dừng ở những con số, nhiều đối tác thương mại của Mỹ đã lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái này. Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết các mức thuế mới sẽ "thay đổi hoàn toàn hệ thống thương mại quốc tế" và "Canada sẽ chống lại các mức thuế đó này bằng các biện pháp tương xứng". Trong khi đó, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum bày tỏ sẽ sớm công bố một kế hoạch kinh tế rộng lớn để đáp trả thuế quan của Mỹ, bao gồm các biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp ôtô của Mexico. Từ Nam Mỹ, Hạ viện Brazil cũng vừa thông qua dự luật cho phép chính quyền Tổng thống Lula da Silva đưa ra các biện pháp trả đũa với quyết định áp thuế của Tổng thống Trump.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng lập tức lên tiếng sau thông báo của ông Trump, cam kết sẽ đáp trả sau khi nghiên cứu mức thuế mới sẽ tác động như thế nào đến các quốc gia của họ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cảnh báo: "Chúng ta hãy sáng suốt về những hậu quả lớn. Nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu tổn thất nặng nề. Sự bất ổn sẽ leo thang và kích hoạt sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ hơn nữa".

Trong bài đăng trên mạng xã hội X, nữ Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter bày tỏ: "Chúng tôi sẽ nhanh chóng xác định các bước tiếp theo. Lợi ích kinh tế lâu dài của đất nước là tối quan trọng. Lòng trung thành với luật pháp quốc tế và thương mại tự do vẫn là những giá trị cốt lõi". Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde thì cho rằng, châu Âu cần hành động ngay và đẩy nhanh cải cách kinh tế để có thể cạnh tranh trong một thế giới mà bà gọi là "đảo ngược".

Với Australia, mặc dù đây là mức thuế thấp nhất trong lần công bố này, song vì Australia và Mỹ đã ký Hiệp định thương mại tự do nên Australia cho rằng mức thuế này là không hợp lý, và Thủ tướng Anthony Albanese nhận định việc áp mức thuế này lên Australia không phải là hành động của những người bạn. Tuy vậy, Australia cũng sẽ không đáp trả bằng việc áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để tránh làm tổn hại tới người dân và ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Tại châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã hối thúc Mỹ hủy bỏ ngay lập tức các mức thuế đơn phương và giải quyết thỏa đáng những bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng. Trung Quốc tuyên bố "kiên quyết phản đối" quyết định áp thuế đối ứng mà Tổng thống Trump vừa công bố, đồng thời sẽ thực hiện các biện pháp ứng phó để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Tại Hàn Quốc, Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo đã ra lệnh áp dụng các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho những doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ, yêu cầu Bộ Công nghiệp phân tích các mức thuế quan và đàm phán với Washington để giảm thiểu tác động.

Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Thương mại Yoji Muto nhấn mạnh nước này sẽ tiếp tục yêu cầu Mỹ miễn trừ thuế đối với hàng nhập khẩu từ quốc gia Đông Bắc Á này. Quan chức Nhật Bản cũng bày tỏ rõ quan điểm với phía Mỹ rằng kế hoạch thuế quan mới là "điều đáng tiếc" và "sẽ khiến các công ty khó đầu tư vào thị trường Mỹ", cũng như gây tổn hại cho chính nền kinh tế của Mỹ.

Chưa rõ liệu "ngày giải phóng" mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố có thực sự mang lại cú hích cho nền kinh tế Mỹ hay không, nhưng hậu quả đã nhìn thấy ngay trước mắt. Giới quan sát ví đây là "đợt tăng thuế lịch sử" có thể xáo động trật tự toàn cầu, sẽ làm suy yếu thêm sức mạnh của nền kinh tế thế giới vừa mới phục hồi sau đợt tăng lạm phát hậu đại dịch COVID-19, bị đè nặng bởi khoản nợ kỷ lục và bị xáo trộn với những xung đột địa chính trị.

Bảo Hân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/the-gioi-phan-ung-voi-chinh-sach-thue-doi-ung-cua-my-i764034/