Thế giới rạn nứt, xung đột chính trị, đối đầu Mỹ-Trung Quốc đang thay đổi dòng chảy FDI, người thắng kẻ thua và sức ảnh hưởng từ ông Trump

Việc Mỹ và đồng minh hạn chế đầu tư công nghệ cao vào Trung Quốc, mối lo ngại ngày càng tăng của các công ty về xung đột địa chính trị góp phần dẫn đến sự sụt giảm của dòng vốn FDI toàn cầu.

Các công ty Trung Quốc đã tìm đường vào thị trường Mỹ bằng cách hướng đầu tư tới các nước có quan hệ tốt với Washington. (Nguồn: Reuters)

Các công ty Trung Quốc đã tìm đường vào thị trường Mỹ bằng cách hướng đầu tư tới các nước có quan hệ tốt với Washington. (Nguồn: Reuters)

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đang gây tổn hại cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mặc dù một số quốc gia đang được hưởng lợi từ sự sụt giảm FDI của Trung Quốc, nhưng tổng thể đầu tư xuyên biên giới lại giảm.

Việc cựu Tổng thống Donald Trump có thể trở thành ông chủ Nhà Trắng một lần nữa, được dự báo sẽ có thêm những tác động tới đường đi của FDI.

Theo Ngân hàng thế giới (WB), năm 2022, dòng vốn FDI dài hạn trên toàn cầu đã giảm 1,7%. Năm 2007, ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ lệ này là 5,3%. Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD), FDI vào các nước đang phát triển cũng giảm 9% trong năm 2023 vừa qua.

Trung Quốc đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về dòng vốn FDI. Theo Cục Quản lý ngoại hối quốc gia, vốn FDI vào nước này chỉ đạt 16 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm ngoái, giảm nhiều so với mức 344 tỷ USD của cả năm 2021. Việc thoái vốn của các công ty nước ngoài gần như lớn hơn lượng vốn đến dưới hình thức đầu tư mới.

Căng thẳng địa chính trị không phải là yếu tố duy nhất làm giảm dòng vốn đầu tư và làm thay đổi hướng đi của chúng. Lãi suất cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm lại, mà xung đột toàn cầu một phần là nguyên nhân, là tác nhân làm giảm mạnh FDI trong những năm gần đây.

Đồng tiền đắt đỏ hơn đã tác động đặc biệt nặng nề đến các nền kinh tế đang phát triển. Chi phí vốn cao hơn đã làm mất đi nhiều cơ hội đầu tư. Theo UNCTAD, điều đáng lo ngại là số lượng dự án năng lượng tái tạo mới ở các nước đang phát triển đã giảm 1/4 vào năm ngoái.

Trong khi đó, ông Jacob Kirkegaard, thành viên tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), cho biết, sự chuyển đổi nhanh chóng của Trung Quốc từ nền kinh tế tăng trưởng nhanh sang nền tăng trưởng chậm hơn là một lý do khiến đầu tư vào nước này giảm mạnh. Việc dân số quốc gia Đông Bắc Á giảm năm thứ hai liên tiếp tính đến năm 2023 cho thấy triển vọng kinh tế yếu kém.

Tuy nhiên, việc Mỹ và các đồng minh hạn chế đầu tư công nghệ cao vào Trung Quốc, cũng như mối lo ngại ngày càng tăng của các công ty đa quốc gia về việc vướng vào cuộc xung đột địa chính trị, cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của dòng vốn FDI.

Xu hướng “kết bạn” và “giảm rủi ro”

Các công ty thường thích đầu tư vào các quốc gia thân thiện. Khi căng thẳng địa chính trị gia tăng, xu hướng này cũng phát triển, nhất là trong bối cảnh Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (tháng 2/2022) và xích mích lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Washington và các đồng minh đã phản ứng với việc đưa ra các sáng kiến như “kết bạn” và “giảm rủi ro”, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh về hàng hóa chiến lược, xây dựng chuỗi cung ứng ở các nước thân thiện.

Phương Tây cũng cảnh giác hơn với sự đầu tư của Bắc Kinh vào các ngành công nghiệp chiến lược, điển hình là việc Vương quốc Anh đã mua lại cổ phần của nhà đầu tư Trung Quốc trong một nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022. Các công ty từ nền kinh tế số 1 châu Á đã tìm đường vào thị trường Mỹ bằng cách hướng đầu tư tới các nước có quan hệ tốt với Washington. Ví dụ, Tập đoàn máy móc Lingong đang thành lập một khu công nghiệp ở Mexico gần biên giới Mỹ, với khoản đầu tư 5 tỷ USD.

Nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cũng đã bắt đầu cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) trị giá 1,3 nghìn tỷ USD của Bắc Kinh. G7 đặt mục tiêu huy động tới 600 tỷ USD, mở ra cơ hội mới cho các nước đang phát triển vào năm 2027 để giúp họ xây dựng cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Trong khi đó, Mỹ đang rót 369 tỷ USD vào quá trình khử cacbon trong nền kinh tế thông qua Đạo luật Giảm lạm phát. Đạo luật này một phần mang tính bảo hộ bởi nó ủng hộ sản xuất trong nước và trừng phạt sản xuất tại Trung Quốc.

Ai hưởng lợi?

Ông Hung Tran thuộc Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ những xu hướng này là các nền kinh tế mới nổi có thể thu hút đầu tư từ cả Trung Quốc và các nước phương Tây. Ví dụ điển hình là Việt Nam và Mexico, nơi tăng trưởng FDI ít nhiều ổn định, mở ra cơ hội mới trong thập niên qua ở mức lần lượt là 4,6% và 2,9% GDP – đi ngược lại xu hướng suy giảm toàn cầu.

Nhưng các nền kinh tế đang phát triển khác lại không hoạt động tốt như vậy. Nhiều quốc gia châu Phi gặp vấn đề về quản trị và đang chìm trong nợ nần - những yếu tố khiến các nhà đầu tư toàn cầu nản lòng. Theo UNCTAD, dòng vốn FDI vào lục địa này chỉ đạt 48 tỷ USD vào năm ngoái.

Điều này có thể thay đổi vì châu Phi là nơi có các khoáng sản quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh. Ông Tim Pictures thuộc Tập đoàn tư vấn Boston (Mỹ) cho biết, khi các nước phương Tây và Trung Quốc “so găng” để đảm bảo nguồn cung, các quốc gia châu Phi có cơ hội cạnh tranh với nhau và đảm bảo đầu tư - không chỉ để khai thác tài nguyên mà còn để xử lý nguyên liệu thô trong nước.

Ấn Độ lại là một trường hợp khá đặc biệt. Quốc gia này đã thu hút một số khoản đầu tư lớn - nhất là từ Foxconn, công ty Đài Loan (Trung Quốc) chuyên lắp ráp hầu hết các sản phẩm của Apple. Tuy nhiên, theo UNCTAD, FDI chỉ chiếm 1,5% GDP vào năm 2022, hơn nữa, con số này đã giảm 47% vào năm ngoái.

Một trong những điểm yếu của quốc gia Nam Á là mức thuế cao, nghĩa là các nhà sản xuất phải trả nhiều tiền hơn cho linh kiện nhập khẩu, ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng nước này làm trung tâm xuất khẩu. Một nguyên nhân khác là thái độ không mấy thân thiện với đầu tư của Trung Quốc sau các cuộc đụng độ quân sự ở biên giới hai nước, mặc dù New Delhi cho biết họ có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế đầu tư nếu biên giới bình yên.

Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm địa điểm họp kín tại trung tâm tổ chức sự kiện Horizon ở Clive, Iowa, ngày 15/1. (Nguồn: Reuters)

Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm địa điểm họp kín tại trung tâm tổ chức sự kiện Horizon ở Clive, Iowa, ngày 15/1. (Nguồn: Reuters)

Tác động từ ông Trump?

Dòng vốn đầu tư sẽ thay đổi khi cả chính phủ và các công ty tiếp tục ứng phó với bối cảnh địa chính trị đang thay đổi. Nhưng nếu ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, quá trình thay đổi có thể diễn ra nhanh hơn.

Vị tỷ phú này cam kết sẽ áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, áp dụng một đường lối đặc biệt cứng rắn đối với hàng hóa từ Trung Quốc bằng cách thu hồi quy chế thương mại quốc gia được ưu đãi nhất của Washington.

Vẫn chưa rõ ông Trump thực sự sẽ làm gì nếu một lần nữa trở thành tổng thống Mỹ. Nhưng nếu ông gây tổn hại đến thương mại toàn cầu, thì đầu tư toàn cầu sẽ có tác động mạnh mẽ tương tự. Ngay cả một số nước hưởng lợi từ các xu hướng gần đây, cũng có thể bị tổn thương nếu vi phạm chủ nghĩa bảo hộ.

Bất kể điều gì xảy ra trong cuộc bầu cử ở Mỹ, những cân nhắc chính trị đang ngày càng thúc đẩy các quyết định đầu tư trên toàn thế giới. Trong trường hợp điều đó làm sai lệch logic thương mại, đó là một lý do khác để bi quan về tăng trưởng toàn cầu.

(theo Reuters)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/the-gioi-ran-nut-xung-dot-chinh-tri-doi-dau-my-trung-quoc-dang-thay-doi-dong-chay-fdi-nguoi-thang-ke-thua-va-suc-anh-huong-tu-ong-trump-258508.html