Thế giới Thế giới ASEAN: 3 nỗ lực chính để thúc đẩy phát triển thành phố bền vững
Tại Cuộc họp cấp cao về Mạng lưới các thành phố thông minh, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Nhật Bản, ASEAN đã nêu bật 3 nỗ lực chính trong việc thúc đẩy sự phát triển của các thành phố thông minh và bền vững trong khu vực.
Các phương tiện giao thông di chuyển trên đường phố ở Singapore. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Cuộc họp cấp cao về Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN - Nhật Bản lần thứ 4 được tổ chức ở Nhật Bản từ ngày 4 - 5/12.
Trong bài phát biểu khai mạc tại sự kiện này, Tổng Thư ký ASEAN, ông Lim Jock Hoi nhấn mạnh, nỗ lực đầu tiên là sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đóng vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển thành phố thông minh. Từ đó, dữ liệu có thể giúp các quan chức đưa ra những quyết định nhằm phục vụ công dân một cách hiệu quả hơn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lim Jock Hoi cho biết, Nhật Bản đã và đang hỗ trợ ASEAN thông qua Quan hệ đối tác thông minh Nhật Bản - ASEAN; trong đó, các nghiên cứu khả thi được tiến hành nhằm hỗ trợ các thành phố xác định cơ sở hạ tầng kỹ thuật số phù hợp đối với việc phát triển thành phố thông minh.
Cũng theo Tổng Thư ký Lim Jock Hoi, ASEAN đang tập trung vào việc tăng cường nguồn nhân lực, điều cần thiết để nắm bắt các cơ hội thành phố thông minh, đặc biệt khi xem xét những năng lực khác nhau của các thành phố ASEAN trong việc quản lý các dự án thành phố thông minh.
Trong đó, nhiều thành phố ASEAN, đặc biệt là các thành phố vừa và nhỏ cần có sự hỗ trợ của các tổ chức có thể giúp chính quyền địa phương thiết kế và thực hiện các sáng kiến thành phố thông minh. “Như vậy, ASEAN và Nhật Bản có thể hợp tác để cung cấp sự hỗ trợ chiến lược và kỹ thuật, giúp các địa phương thực hiện kế hoạch thành phố thông minh”, ông Lim Jock Hoi khẳng định.
Tổng Thư ký ASEAN cũng cho rằng, sự tham gia toàn diện của cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện các sáng kiến thành phố thông minh, cùng việc tiếp cận với người dân trong quá trình giải quyết vấn đề, từ đó sẽ giúp chính quyền địa phương lựa chọn các giải pháp phù hợp đối với những vấn đề cộng đồng khác nhau trong những lĩnh vực tương ứng. Điều này sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của những người làm việc và sinh sống tại các thành phố này.
Ông Lim Jock Hoi nói thêm, việc theo đuổi sự phát triển thành phố thông minh và bền vững là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ASEAN, trong bối cảnh nhóm khu vực đang nỗ lực giải quyết các thách thức đô thị và trao quyền cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ở những thành phố đó.
“Về vấn đề này, tôi muốn ca ngợi Chính phủ Nhật Bản vì sự hỗ trợ không ngừng đối với việc hiện thực hóa các sáng kiến thành phố thông minh ở ASEAN”, ông Lim Jock Hoi nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống đô thị. Để đối phó với những tác động này, các quốc gia thành viên và các thành phố ASEAN đã tiếp tục chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi bền vững nhằm giải quyết các thách thức đô thị, cũng như thúc đẩy những nỗ lực phục hồi.
“Chính vì vậy, tôi tin rằng, cuộc họp này sẽ mang lại cơ hội to lớn cho các thành viên của Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN, để trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm với Nhật Bản trong việc làm cho các thành phố của chúng ta trở nên đáng sống hơn”, Tổng Thư ký ASEAN lưu ý.
Được biết, Cuộc họp cấp cao về Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN - Nhật Bản do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức, cùng sự hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN và các cơ quan Chính phủ, thành phố liên quan. Cuộc họp quốc tế thường niên này đã và đang góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thành phố thông minh giữa ASEAN và Nhật Bản, kể từ khi cuộc họp đầu tiên được tổ chức vào năm 2019.
Lê Thảo (Lược dịch từ Bernama & The Edge Markets)