Thế giới Thế giới ASEAN: Đầu tư kỹ thuật số là chìa khóa cho tăng trưởng của SME

Đây là nhận định được đưa ra trong một bài viết của ông Sujith Abraham, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Tổng Giám đốc tại khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Salesforce, công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ quản lý quan hệ khách hàng.

Kế hoạch Tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 đã được thông qua hồi tháng 1/2021. Ảnh minh họa: Bernama.com/TTXVN

Cụ thể, bài viết được đăng tải trên Tạp chí The Business Times cho rằng, những cơn gió ngược toàn cầu chưa từng có trong 2 năm qua, bao gồm đại dịch, xung đột, những thách thức về lao động và chuỗi cung ứng, cùng với tình trạng lạm phát đang khiến việc điều hành doanh nghiệp ở ASEAN đối mặt với mức chi phí cao hơn.

Tuy nhiên, có một sự lạc quan là trên khắp khu vực công, các chính phủ và người dân đã trực tiếp chứng kiến sức mạnh của những gì mà công nghệ có thể đem lại, chẳng hạn như cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số chất lượng cao, thúc đẩy hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Đáng chú ý, Kế hoạch Tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 (ADM2025) là một chỉ dẫn rõ ràng về cam kết của các Chính phủ tương ứng trong việc hiện thực hóa tầm nhìn của khu vực, như một nền kinh tế và xã hội kỹ thuật số. Để hiện thực hóa tiềm năng của ASEAN, trở thành một trong những khu vực lớn mạnh về kinh tế của thế giới, cả khu vực công và tư đều đang chuyển sang số hóa nhằm tăng trưởng bền vững và linh hoạt.

Một lần nữa, những tiến bộ về công nghệ chứng minh khả năng thúc đẩy giá trị tức thì trên diện rộng, bằng cách cắt giảm chi phí và nâng cao năng suất. Các công ty tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số khi đại dịch bùng phát đã có thể xoay chuyển nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ hơn, ông Sujith Abraham nhận định.

Những điển hình trong khu vực

Chi tiêu trên toàn thế giới cho 2 loại tự động hóa kinh doanh chính, bao gồm tự động hóa quy trình bằng robot và tự động hóa quy trình thông minh, đã tăng trong 2 năm qua.

Một cuộc khảo sát gần đây của Salesforce đã xác định tự động hóa là một ưu tiên hàng đầu của các công ty trên toàn cầu và trong khu vực ASEAN. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi 61% dân số ASEAN đang ở độ tuổi dưới 35 và là những người bản địa kỹ thuật số, đây là những người đã nắm bắt các công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động hàng ngày của họ. Tác động của tất cả những điều này là rất sâu sắc, ảnh hưởng đến cách thức thực hiện công việc và phục vụ khách hàng.

Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine - learning) đang được các nhà sản xuất lớn trên toàn cầu sử dụng, nhằm xem xét lại việc quản lý chuỗi cung ứng và quản lý hiệu quả giá cả đang tăng lên. Mặt khác, các nhà bán lẻ nắm được thông tin tốt hơn về cách để đáp ứng tốt nhất sở thích mua hàng của khách hàng, đồng thời tạo ra trải nghiệm khách hàng tuyệt vời trên mọi tương tác nhằm duy trì tính cạnh tranh.

Ông Sujith Abraham chỉ ra, Tokopedia, một công ty công nghệ có thị trường lớn nhất tại Indonesia đã đi tiên phong trong việc chuyển đổi kỹ thuật số kể từ khi thành lập hồi năm 2009. Công ty này có thể phục vụ người tiêu dùng trên khắp 99% các quận ở Indonesia, cũng như trao quyền cho khoảng 12 triệu nhà bán hàng trên khắp quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới này.

Được biết, Tokopedia đã thúc đẩy tự động hóa và dữ liệu để cung cấp trải nghiệm tối ưu, tùy chỉnh cho tất cả các khách hàng, ở mọi lúc, với thông tin liên quan được cung cấp ở mỗi bước trong hành trình của họ.

Trong khi đó, tại Aureus Academy, trường âm nhạc hàng đầu của Singapore, kỹ thuật số được truyền tải trong toàn bộ hành trình của người dùng, nhằm mang lại trải nghiệm liền mạch và được cá nhân hóa. Đơn vị này đã tăng doanh thu hơn 300% kể từ khi áp dụng nền tảng kỹ thuật số thống nhất để tự động hóa các quy trình và dịch vụ, đồng thời dễ dàng xây dựng các ứng dụng tùy chỉnh.

Ngoài ra, tự động hóa cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc gắn kết lực lượng lao động, giảm thời gian dành cho các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và trao quyền cho người lao động để có thể tập trung vào những nhiệm vụ mang tính chiến lược hơn. Các nền tảng giao tiếp tại nơi làm việc đang hình dung lại cách các nhóm làm việc cùng nhau, sắp xếp con người và mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng trong thế giới ưu tiên kỹ thuật số và làm việc từ mọi nơi này.

Xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn

Trong nền kinh tế kỹ thuật số, ông Sujith Abraham cho rằng, những doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi nhanh nhất sẽ phát triển mạnh. Từ việc quản lý hiệu suất kinh doanh, sự chuẩn bị sẵn sàng kỹ năng của nhân viên, công bằng xã hội, cho đến vấn đề biến đổi khí hậu, công nghệ là nền tảng để thúc đẩy hiệu quả với các quan hệ đối tác công - tư.

Cũng theo ông Sujith Abraham, tuy chúng ta không thể đoán trước được tương lai, nhưng chúng ta có thể lập chiến lược và xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn; trong đó, cần tái cân nhắc cách tiếp cận để đạt được hiệu quả ở mọi cấp độ, mọi bộ phận; cũng như cam kết đổi mới sáng tạo liên tục để giải quyết các vấn đề của khách hàng, đảm bảo dịch vụ thông suốt từ mọi nơi, đồng thời thích ứng với các ưu tiên thay đổi của khách hàng. Điều này sẽ mang lại cơ hội thành công trong dài hạn.

Lê Thảo (Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/asean-dau-tu-ky-thuat-so-la-chia-khoa-cho-tang-truong-cua-sme-a118680.html