Thế giới Thế giới Thương mại ASEAN-Trung Quốc phát triển, Việt Nam thắng lớn
Tờ Business Times trích dẫn một báo cáo gần đây cho biết thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc được dự báo sẽ 'tiếp tục khởi sắc', song song đó Việt Nam sẽ là nước đặc biệt được hưởng lợi từ việc thay đổi mô hình đầu tư trong khu vực.
Thương mại ASEAN-Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc. Ảnh minh họa: Thukyluat.vn
Với việc Trung Quốc vẫn đang dựa vào Đông Nam Á để sản xuất các mặt hàng thiết yếu và các thiết bị điện tử, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà ASEAN và Trung Quốc đều là thành viên dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại hàng hóa hơn nữa giữa 2 bên.
Thực tế, 30 năm qua, thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đã tăng 85 lần. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 12 năm liên tiếp, và trong năm 2020, ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng từ 8,36 tỷ USD năm 1991 lên 685,28 tỷ USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 16,5%.
Và Việt Nam, quốc gia có thương mại song phương với Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn thương mại với tất cả các nền kinh tế ASEAN khác trong 2 thập kỷ qua, được cho là đang “thắng lớn”, nhà kinh tế Chua Han Teng của Công ty Dịch vụ Tài chính DBS nhận định hôm 20/10.
Với việc Trung Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư vào ASEAN và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của khối, ông Chua kỳ vọng rằng “quan hệ kinh tế Trung Quốc-ASEAN sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong những năm tới và thương mại hàng hóa có thể sẽ nở rộ” nhờ tác động của Hiệp định RCEP vừa được ký kết vào cuối năm ngoái.
Bên cạnh các mặt hàng như xăng dầu, than đá và các sản phẩm nông nghiệp từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, thì Trung Quốc cũng tiếp cận ASEAN thông qua các sản phẩm linh kiện điện tử. Nổi bật nhất trong lĩnh vực này là Việt Nam, quốc gia chiếm 8,8% tổng nhập khẩu hàng điện tử của Trung Quốc trong năm 2020, tăng từ mức 0,4% của năm 2010, báo cáo chỉ rõ. Các dữ liệu tổng hợp cũng cho thấy sự tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ trong quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc, với kim ngạch thương mại 2 chiều tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm gần đây đạt trên 20%/năm.
Trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ-Trung trở nên lạnh nhạt từ năm 2018, chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu dịch chuyển, nhiều nhà máy, nhà sản xuất lớn rời khỏi Trung Quốc và tìm đến ASEAN như một lựa chọn thay thế, trong đó Việt Nam được coi là một điểm đến thu hút nhiều sự quan tâm. Từ đó, Việt Nam đã tăng thị phần trong xuất khẩu hàng dệt may và giày dép sang Mỹ, đồng thời tăng lượng xuất khẩu các mặt hàng điện tử sang quốc gia này.
Thị phần thương mại của ASEAN với Mỹ gần đây cũng tăng lên, một xu hướng được cho là do chuyển hướng thương mại trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung vẫn chưa hạ nhiệt. Tuy nhiên, đáng chú ý, Việt Nam là nền kinh tế ASEAN duy nhất tăng tỷ trọng thương mại với cả Mỹ và Trung Quốc kể từ năm 2000.
Do đó, nhà kinh tế Chua cho rằng Việt Nam có thể được kỳ vọng sẽ phát triển như một “cơ sở sản xuất chủ chốt đối với hàng hóa thành phẩm cho các nền kinh tế tiên tiến, với nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc”.
Trước đó, trong một báo cáo hồi đầu tháng này, nhà kinh tế Chua cũng nhận định rằng khó khănnvới kinh tế Việt Nam đã qua, khi đất nước dần mở cửa trở lại nhờ tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tăng và tỉ lệ lây nhiễm giảm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính của nước này, trong khi hoạt động sản xuất và xuất khẩu có thể sẽ tiếp tục mở rộng.
Thực tế, đợt bùng phát đại dịch COVID-19 mới đây ở Việt Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng của đến hoạt động thương mại, dịch vụ và sản xuất, khiến tăng trưởng kinh tế quý III/2021 của nước này giảm 6,17%. Tuy nhiên, năm 2022 có vẻ tươi sáng hơn rất nhiều đối với Việt Nam. DBS Group Research đã nâng dự báo GDP năm 2022 của Việt Nam lên 8,0%, so với 6,8% trước đó.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Business Times)