Thế giới trên 1.500 ca tử vong; WHO cấp phép cho vaccine Trung Quốc

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 759.000 trường hợp mắc COVID-19 và 1.520 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 525 triệu ca, trong đó trên 6,29 triệu người tử vong vì đại dịch.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 20/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 525.498.127 ca, trong đó có tổng cộng 6.296.589 người tử vong.

Ngày 19/5, thế giới có 74 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 58 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế tăng trở lại.

Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong 24 giờ qua, Triều Tiên là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất (với trên 262.000 ca), trong khi Vương quốc Anh là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 169 ca.

Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược “Không COVID” áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành “Không COVID linh hoạt”. Song Trung Quốc cũng đang khống chế hiệu quả đợt bùng phát này, với việc Thượng Hải công bố kế hoạch mở cửa trở lại một số dịch vụ công thiết yếu sau thời gian phong tỏa.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 19/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 62 ca tử vong. Trong ngày 19/5, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 6.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (41 ca).

Nhìn chung, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Philippines vẫn căng thẳng hơn so với các nước khác.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN chỉ có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Trước những tiến bộ đạt được của vaccine và thuốc điều trị COVID-19 trong việc giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong, ngày càng nhiều nước trên thế giới dỡ bỏ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường trước khi đại dịch bùng phát.

Tại Jakarta, ngày 19/5, Bộ trưởng Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia Muhadjir Effendy khẳng định rằng quốc gia này “rất lạc quan” chuyển từ giai đoạn đại dịch COVID-19 sang giai đoạn bệnh đặc hữu.

Hãng thông tấn chính thức Antara dẫn lời Bộ trưởng Muhadjir nhắc lại rằng Tổng thống Indonesia Joko Widodo mới đây đã cho phép người dân không mang khẩu trang, đặc biệt là ở các địa điểm ngoài trời. Trong 3 tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở Indonesia đã giảm về tổng thể, dù còn tăng ở một số thành phố như Jakarta. Tuy nhiên, sự gia tăng này không theo “cấp số nhân”.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở New York, Mỹ, ngày 17/5/2022.

Ủy ban Tiêm chủng thường trực của Đức (STIKO) khuyến cáo trẻ em từ 5-11 tuổi chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 có nguy cơ lây nhiễm cao hơn, đặc biệt là trẻ em có bệnh nền. Do đó, tiêm phòng sẽ giúp giảm hiệu quả tỷ lệ mắc bệnh.

STIKO cho biết trẻ em và thanh thiếu niên nếu mắc COVID-19 thường chỉ có những triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, một số biến chứng nặng vẫn có thể xảy ra, đặc biệt đối với trẻ em bị bệnh nền. Ngoài ra, ngay cả những trẻ em ban đầu không phát hiện triệu chứng nào cũng có thể mắc phải các hội chứng thứ phát sau này, như mệt mỏi, kiệt sức nhanh chóng khi gắng sức, rối loạn trí nhớ và khả năng tập trung; thậm chí xuất hiện các vấn đề về tim mạch, rối loạn giấc ngủ và trầm cảm. Mức độ, tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng lâu dài bởi COVID-19 vẫn chưa rõ ràng và cần phải được nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, số lượng trẻ mắc COVID-19 càng cao thì càng có nhiều trường hợp dẫn tới các biến chứng nặng.

Theo STIKO, nghiên cứu cho thấy vaccine dành cho trẻ em của hãng BioNTech/Pfizer (Mỹ-Đức) có thể làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 một cách hiệu quả. Việc sử dụng vaccine ở trẻ em từ 5-11 tuổi với nồng độ chỉ 10 microgam mỗi liều làm giảm 90,7% nguy cơ mắc COVID-19. Đáp ứng miễn dịch (được đo bằng lượng kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2) ở trẻ em lứa tuổi này đã sau tiêm phòng tương đương đáp ứng miễn dịch ở người lớn đã tiêm phòng. Chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở hai nhóm trẻ em từ 12-18 tuổi và 5-11 tuổi đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh ở những đối tượng này.

Một cuộc thăm dò mới đây tại Anh cho thấy chưa đến 20% số trẻ em dưới 6 tuổi hoạt động thể chất đầy đủ sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, một báo cáo phân tích mới dự báo đến năm 2040, nước Anh sẽ có 21 triệu người béo phì.

Kết quả cuộc thăm dò của hãng YouGov đối với các bậc phụ huynh tại Anh cho thấy 60% số trẻ em không tăng hoạt động thể chất kể từ khi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa để phòng dịch COVID-19. Chỉ 19% số trẻ em từ 1-5 tuổi dành hơn 3 giờ/ngày cho hoạt động thể chất theo khuyến cáo để trẻ phát triển khỏe mạnh.

Theo một cuộc khảo sát ý kiến phụ huynh năm 2021, chi phí là một rào cản khiến trẻ em dưới 6 tuổi hoạt động thể chất ít hơn. Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến nhiều gia đình hạn chế đưa trẻ đến các khu vui chơi trong nhà hoặc ngoài trời.

Ngày 18/5, Bộ trưởng Y tế Hy Lạp Thanos Plevris cho biết nước này sẽ tạm dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng ngoài trời hay không gian kín từ tháng 6 đến tháng 9 tới.

Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia ERT, Bộ trưởng Plevris nêu rõ: "Từ ngày 1/6 đến 15/9, quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ được tạm dỡ bỏ tại toàn bộ các khu vực ngoài trời và trong nhà". Trong khi đó, quy định đeo khẩu trang vẫn có hiệu lực tại bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi và trên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt và tàu điện ngầm.

Dự kiến, Chính phủ Hy Lạp sẽ công bố việc đeo khẩu trang tại trường học và trên các phương tiện vận tải đường biển vào tuần tới. Bộ trưởng Plevris cho biết mặc dù quy định này được tạm thời dỡ bỏ và không áp đặt mức phạt nào, song những người thuộc nhóm dễ lây nhiễm nên tiếp tục đeo khẩu trang.

Trong khi đó, giới chức y tế Mỹ đang cân nhắc việc tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai cho nhóm đối tượng dưới 50 tuổi trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại nước này.

Phát biểu họp báo tại Nhà Trắng ngày 18/5, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và pòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochella Walenksy nêu rõ: "Liên quan đến việc tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai cho những người dưới 50 tuổi, việc này cần được sự ủng hộ của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và chúng tôi đang thảo luậnvấn đề này".

Ngày 18/5, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết số ca mắc COVID-19 mới ở khu vực châu Mỹ đang có xu hướng tăng trở lại trong bối cảnh nhiều nước đã chấm dứt các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội và tỷ lệ tiêm vaccine ở một số nước vẫn chưa đạt yêu cầu.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Giám đốc PAHO Carissa Etienne thông báo, trong tuần qua số ca mắc COVID-19 đã tăng 27,2% so với tuần trước đó. Trong tổng số 918.000 ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận ở khu vực châu Mỹ trong tuần qua, có tới 33% số ca là ở Mỹ. Đáng chú ý là việc số ca bệnh mới đã tăng tới 80% ở khu vực Trung Mỹ, trong khi tại Brazil, quốc gia đông dân thứ hai ở khu vực, số ca mắc mới tăng 9%.

Trong báo cáo cập nhật tình hình dịch COVID-19 hàng tuần, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/5 cho biết số ca mắc COVID-19 đang ổn định trên toàn cầu, song hiện có 4 khu vực ghi nhận số ca mắc gia tăng, so với 2 khu vực cách đây 2 tuần.

Vùng Đông Địa Trung Hải đang ghi nhận số ca mắc tăng mạnh 68% so với tuần trước đó, trong đó Bahrain, Saudi Arabia và Iran là những nước có số ca mắc cao nhất. Tiếp đó là khu vực Tây Thái Bình Dương với số ca mắc tăng 14%, trong đó Trung Quốc, Australia và Nhật Bản là những nước có số ca mắc cao nhất. Khu vực châu Mỹ ghi nhận số ca mắc tăng 26% và châu Phi tăng 6%.

Về các biến thể phụ dễ lây lan hơn, WHO cho biết cơ quan này đang theo dõi các dòng phụ của biến thể Omicron là BA.4, BA.5 và BA.2.12.1, hiện đang lây lan mạnh tại các nước phát hiện các biến thể này đầu tiên. Cho đến nay, biến thể phụ BA.4 được phát hiện ở 20 quốc gia, BA.5 ở 19 quốc gia và BA.2.12.1 ở 38 quốc gia.

Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech.

Ngày 19/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 Convidecia của hãng dược phẩm CanSinBIO, Trung Quốc, cho người trên 18 tuổi. WHO khẳng định vaccine Convidecia đáp ứng các tiêu chuẩn của WHO về khả năng bảo vệ chống lại bệnh COVID-19 và lợi ích của việc tiêm vaccine này lớn hơn so với rủi ro.

Như vậy, Convidecia là vaccine ngừa COVID-19 thứ 11 được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp trên thế giới. Theo WHO, các kết quả thử nghiệm vaccine này cho thấy khả năng ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 lên đến 92%.

Convidecia là vaccine một liều duy nhất, tương tự loại vaccine của hãng Johnson & Johnson (Mỹ). Trước khi được WHO phê duyệt, vaccine này đã được sử dụng ở một số quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và một số quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh như Brazil, Argentina, Mexico, Chile và Ecuador./.

Anh Tuấn (t/h)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/the-gioi-tren-1500-ca-tu-vong-who-cap-phep-cho-vaccine-trung-quoc-105467.html