Thế giới trên 'lớp băng mỏng' trước cảnh báo khẩn cấp của Liên hợp quốc
Mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới nhanh chóng chấm dứt tình trạng khai thác nhiên liệu hóa thạch mới và các nước giàu có nên từ bỏ than, dầu và khí đốt vào năm 2040.
Nhanh chóng chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch
Theo AP, nhóm các nhà khoa học hàng đầu của Liên hợp quốc ngày 20/3 cho biết nhân loại vẫn còn cơ hội, gần như là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn tác hại tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu trong tương lai. Tuy nhiên, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cũng khẳng định để làm được như vậy đòi hỏi phải nhanh chóng cắt giảm 2/3 ô nhiễm carbon trên thế giới vào năm 2035.
"Nhân loại đang ở trên một lớp băng mỏng và lớp băng đó đang tan chảy nhanh chóng. Thế giới của chúng ta cần hành động vì khí hậu trên mọi phương tiện – mọi thứ, mọi nơi, tất cả cùng một lúc", Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh.
Đẩy mạnh lời kêu gọi hành động ứng phó với nhiên liệu hóa thạch, Tổng thư ký Guterres kêu gọi các nước giàu nên đẩy nhanh mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào đầu năm 2040 và các quốc gia đang phát triển hướng tới mục tiêu vào năm 2050 – sớm hơn khoảng một thập kỷ so với hầu hết các mục tiêu hiện tại. Ông Guterres kêu gọi lần lượt ngừng sử dụng than vào năm 2030 và 2040 đồng thời đảm bảo sản xuất điện không carbon ở các nước phát triển vào năm 2035, nghĩa là vào thời điểm này sẽ không còn nhà máy điện chạy bằng khí đốt.
Vào thời điểm hiện tại, sẽ rất quan trọng bởi vì các quốc gia sẽ sớm phải đưa ra các mục tiêu giảm ô nhiễm vào năm 2035 – theo đúng thỏa thuận khí hậu Paris. Sau cuộc tranh luận, báo cáo khoa học của Liên hợp quốc ngày 19/3 đã kết luận rằng để duy trì dưới mức ấm lên toàn cầu theo thỏa thuận Paris, thế giới cần cắt giảm 60% lượng khí thải nhà kính vào năm 2035 so với năm 2019 - mục tiêu mới chưa được đề cập trước đó trong 6 báo cáo trước đây được ban hành kể từ năm 2018.
"Các lựa chọn và hành động đã thực hiện trong thập kỷ này sẽ có ảnh hưởng trong hàng nghìn năm đồng thời khẳng định biến đổi khí hậu sẽ là mối đe dọa đối với hạnh phúc của con người và sức khỏe của hành tinh", báo cáo nhấn mạnh.
Ông Aditi Mukherji, đồng tác giả báo cáo và là nhà khoa học về nước cũng cho rằng thế giới chưa đi đúng hướng nhưng vẫn chưa quá muộn. Đây thực sự là một thông điệp về hy vọng, chứ không phải về ngày tận thế.
"1,5 độ C là giới hạn cực kỳ quan trọng, đặc biệt đối với các đảo nhỏ và cộng đồng núi phụ thuộc vào sông băng", ông Mukherji nói.
Hạn chế sự nóng lên vượt quá 1,5 độ C
Khi thế giới chỉ còn một khoảng cách ít ỏi để chạm tới mục tiêu chấp nhận trên toàn cầu là hạn chế sự nóng lên 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp thì các nhà khoa học đã nhấn mạnh tính cấp bách của vấn đề. Mục tiêu đã được thông qua như một phần của thỏa thuận khí hậu Paris 2015 và thế giới đã ấm lên 1,1 độ C (2 độ F) đến hiện tại.
Đồng tác giả của báo cáo ông Francis X. Johnson - nhà khoa học về khí hậu, đất đai và chính sách tại Viện Môi trường Stockholm nhận định sau 1,5 độ C sẽ là "rủi ro bắt đầu chồng chất". Báo cáo đề cập đến "điểm tới hạn" xung quanh nhiệt độ tuyệt chủng của các loài, bao gồm các rạn san hô, sự tan chảy không thể đảo ngược của các tảng băng và mực nước biển dâng cao vài mét.
"Cửa sổ sẽ đóng lại nếu lượng khí thải không giảm đi nhanh chóng. Các nhà khoa học đang tỏ ra khá lo lắng", chuyên gia Johson nói.
Nhiều nhà khoa học, trong đó có ít nhất là 3 đồng tác giả của báo cho biết việc tăng lên tới 1,5 độ C là không thể tránh khỏi trong tương lai. Tuy nhiên, đồng tác giả báo cáo ông Malte Meinshausen, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Melbourne (Australia) cho biết thế giới phải đảm bảo nhiệt độ không tăng vượt quá 1.5 độ C. Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng thế giới hay loài người sẽ không đột ngột kết thúc nếu Trái đất vượt qua mốc 1,5 độ. Tuy nhiên, báo cáo trước đó của IPCC đã thông tin chi tiết về tác hại—bao gồm cả thời tiết khắc nghiệt thậm chí còn tồi tệ hơn—tồi tệ hơn nhiều so với mức nóng lên 1,5 độ C.
"Kế hoạch ứng phó với tương lai ấm hơn 1,5 độ C rất cần phải thận trọng", báo cáo của IPCC lưu ý. Báo cáo nhấn mạnh nếu thế giới tiếp tục sử dụng tất cả các cơ sở hạ tầng chạy bằng nhiên liệu hóa thạch hiện có thì Trái đất sẽ ấm lên ít nhất 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Chủ tịch IPCC Hoesung Lee cũng nhận định rằng cho đến nay thế giới đang đi chệch hướng. Đề cập đến sự chênh lệch giữa các quốc gia giàu có, nguyên nhân gây ra phần lớn vấn đề do khí thải carbon dioxide từ quá trình công nghiệp hóa tồn tại trong không khí hơn một thế kỷ qua và các quốc gia nghèo hơn bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi thời tiết khắc nghiệt, chuyên gia Lee nhận định người dân ở các quốc gia nghèo hơn dễ bị tổn thương bởi khí hậu "có nguy cơ tử vong do lũ lụt, hạn hán và trận bão mạnh gấp 15 lần".
"Nếu thế giới muốn đạt được các mục tiêu về khí hậu thì các nước nghèo hơn cần hỗ trợ tài chính tăng từ 3 đến 6 lần để thích nghi với một thế giới ấm hơn và chuyển sang sử dụng năng lượng không gây ô nhiễm", ông Lee nhấn mạnh.
Các quốc gia cũng cần đưa ra các cam kết tài chính và hứa hẹn quỹ bồi thường thiệt hại.
"Những quốc gia phát triển được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và khử carbon nhanh hơn nhiều so với các nước đang phát triển như Brazil. Tuy nhiên, điều này không làm mất đi trách nhiệm của chúng tôi trong việc thực hiện phần việc của mình," Người đứng đầu về biến đổi khí hậu của Brazil Ana Toni cho biết.
Còn về phía Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nhận định các giải pháp đã có sẵn. Vì vậy, hãy xem đó là báo động mà thế giới phải hành động nhanh chóng trong thời gian tới./.