Thế giới trước nguy cơ gia tăng 'trầm cảm vì biến đổi khí hậu'

Nếu một người cảm thấy căng thẳng khi trải qua thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu gây ra, họ có thể trở nên trầm cảm vì cho rằng mình không thể kiểm soát được tình hình.

Em nhỏ bị mất nhà cửa do bão Mocha tại Sittwe, Myanmar, ngày 16/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Em nhỏ bị mất nhà cửa do bão Mocha tại Sittwe, Myanmar, ngày 16/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi gia đình Ripon Mondal cố gắng khắc phục những hậu quả sau trận hạn hán phá hỏng vụ dưa hấu của họ ở miền trung Bangladesh vào năm 2022, chàng sinh viên đại học 19 tuổi lo ngại rằng những nỗi lo về tài chính khiến người cha của anh rơi vào trạng thái trầm cảm.

Mondal nói: “Tôi có thể cảm nhận được nỗi đau tinh thần của cha tôi."

“Ông phải trả tiền học cho chúng tôi và đôi khi tôi cảm thấy khủng khiếp vì các khoản nợ ngày càng chồng chất,” Mondal chia sẻ.

Khi thế giới phải đối mặt với những tác động ngày càng trầm trọng của biến đổi khí hậu - từ hạn hán, lũ lụt đến mực nước biển dâng và các cơn bão - các chuyên gia và tổ chức y tế đã bày tỏ sự lo ngại về tình trạng sức khỏe tâm thần của người dân.

Chẳng hạn, rất nhiều người Mỹ vẫn còn bị ám ảnh ác mộng Katrina khi hứng siêu bão này vào năm 2005.

Siêu bão Katrina đổ bộ và tàn phá khu vực, làm hơn 1.800 người thiệt mạng và phá hủy nhiều nơi ở bang New Orleans.

Hồi tháng 9/2021, khi siêu bão Ida hoành hành tại vùng vịnh Đông Nam nước Mỹ, nỗi ám ảnh về thảm kịch Katrina dường như lại trỗi dậy.

Đối với Erica Smith, người từng sống sót qua cơn bão kinh hoàng năm 2005, hệ thống đê bao mới chẳng giúp cô an tâm hơn. Rút kinh nghiệm từ lần thoát chết trong gang tấc năm xưa, Smith tự nguyện sơ tán khỏi căn nhà vùng ngoại ô đến khu trung tâm thành phố.

Trầm cảm vì biến đổi khí hậu

Trầm cảm vì biến đổi khí hậu, lo lắng về khí hậu được định nghĩa là mối lo ngại cơ bản về biến đổi khí hậu và các tác động của nó đối với cảnh quan và sự tồn tại của con người.

Biểu hiện của hội chứng trầm cảm đặc biệt này là thói quen suy nghĩ, lo lắng kéo dài về các thảm họa môi trường hoặc thế giới xung quanh, các suy nghĩ tiêu cực về tương lai.

Nếu một người cảm thấy căng thẳng khi trải qua thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu gây ra, họ có thể trở nên trầm cảm vì cho rằng mình không thể kiểm soát được tình hình.

Các chuyên gia sức khỏe còn lưu ý đến một số phản ứng cơ thể như nhịp tim tăng cao và hụt hơi.

Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Tâm lý Mỹ được thực hiện vào năm 2019, hơn 2/3 trong số 2.017 người Mỹ từ 18 tuổi trở lên cho biết họ từng có trải nghiệm lo âu về khủng hoảng khí hậu ở mức độ nhất định.

Một nghiên cứu mới đây của tổ chức từ thiện Cơ đốc giáo quốc gia “Mission Australia” và tổ chức thanh thiếu niên Orygen của Australia, được thực hiện với sự tham gia của các học giả đến từ trường Đại học Melbourne, cho thấy cứ 4 người Australia ở độ tuổi từ 15-19 thì có một người "rất hoặc cực kỳ lo ngại" về tình trạng biến đổi khí hậu. Gần 2/5 trong số họ đã trải qua tình trạng khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng.

Bà Caroline Gao, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe tâm thần là một vấn đề mới xuất hiện nhưng quan trọng, và chắc chắn tác động này sẽ còn lớn hơn nữa khi tình trạng biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn.

Người Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi vấn đề biến đổi khí hậu. Đặc biệt, những người trẻ tuổi đã phải đối mặt với các kiểu khí hậu bất thường bao gồm các đợt nắng nóng, mưa xối xả và hạn hán từ khi còn nhỏ.

Các phương tiện chìm trong nước lũ do mưa lớn ở quận Gangnam, Seoul (Hàn Quốc) ngày 8/8/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các phương tiện chìm trong nước lũ do mưa lớn ở quận Gangnam, Seoul (Hàn Quốc) ngày 8/8/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo một cuộc khảo sát với 500 thanh thiếu niên trong độ tuổi 14-18 và 500 người lớn trong độ tuổi 19-59 do ChildFund Korea thực hiện vào năm 2021, 63,6% thanh thiếu niên và 58,2% người lớn cho biết những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã hiện rõ trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Các nghiên cứu gần đây trên thế giới đang bắt đầu xem xét mối quan hệ giữa “nỗi lo về biến đổi khí hậu” với bệnh tâm thần để giúp hiểu rõ về xu hướng liên hệ giữa chúng.

Hậu quả đáng lo ngại

Cảm giác không thể làm gì đối với biến đổi khí hậu khiến người ta không muốn sinh con vì lo lắng cho thế hệ tương lai.

Trong một cuộc khảo sát của ChildFund Hàn Quốc, khi được hỏi liệu họ có nghĩ đến việc từ bỏ việc sinh con do biến đổi khí hậu hay không, 43,3% trong số 1.000 người được hỏi trả lời là có. Có 185 trong số 1.000 người được hỏi cho biết họ thực sự đã từ bỏ kế hoạch sinh con do biến đổi khí hậu.

Kim, một nhân viên văn phòng 30 tuổi, đã hủy kế hoạch mang thai gần đây sau khi chứng kiến số người chết vì mưa xối xả trong mùa Hè. “Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu một đứa trẻ không được sinh ra vì hiện tại sẽ rất khó để cải thiện môi trường toàn cầu,” Kim nói.

Trong một nghiên cứu ở Bangladesh - do Ngân hàng Thế giới tài trợ và công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health vào tháng Hai - các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm cao hơn cùng với tình trạng lũ lụt ngày càng trầm trọng làm tăng khả năng người dân mắc cả hai bệnh: lo lắng và trầm cảm.

Người dân làm mát tại đài phun nước ở Rome, Italy ngày 18/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân làm mát tại đài phun nước ở Rome, Italy ngày 18/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một cuộc khảo sát do chính phủ thực hiện vào năm 2019 cho thấy gần 1/5 người trưởng thành ở Bangladesh có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Những tình trạng như vậy chưa được nghiên cứu nhiều ở Bangladesh và có quá ít nhà tâm lý được đào tạo về vấn đề này.

Quay trở lại với câu chuyện của chàng trai người Bangladesh Ripon Mondal. Gia đình họ sống trong một ngôi làng ở khu vực Kamarkhola Union, được bao quanh bởi bốn con sông, khiến họ không thể tiếp cận được bất kỳ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nào. Đây cũng chính là một thực tế mà nhiều người dân Bangladesh, đặc biệt là những người ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa, phải đối mặt.

Mondal nói: “Tôi sẽ phải băng qua ít nhất hai con sông và đi một quãng đường dài để đến được bệnh viện, nơi tôi có thể tìm được bác sỹ tâm lý”

Không chỉ ở Bangladesh mà ngành Y tế của nhiều nước trên thế giới cũng không theo kịp với tốc độ của biến đổi khí hậu.

Theo nhà tư vấn tâm lý học về khí hậu Leslie Davenport, việc thiếu đào tạo về chủ đề khí hậu trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần dẫn đến hậu quả là các chuyên gia tâm lý không coi trọng nỗi lo âu có thật của bệnh nhân.

Kết quả là một người có thể tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý với những mối quan tâm có thật, song nhà trị liệu vì không được đào tạo kỹ năng liên quan chủ đề khí hậu, có thể lại đổ ngược vấn đề cho bệnh nhân./.

Lan Phương (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/the-gioi-truoc-nguy-co-gia-tang-tram-cam-vi-bien-doi-khi-hau/895615.vnp