Thế giới vượt 375 triệu ca bệnh; Nga liên tiếp phá kỷ lục ca mắc mới

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 2 triệu ca nhiễm mới và 5.514 ca tử vong, nâng tổng ca bệnh vượt mốc 375 triệu. Pháp liên tục dẫn đầu về ca nhiễm mới trong khi Nga lại phá kỷ lục lây nhiễm với trên 121.000 ca/ngày.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm dịch COVID-19 tại Brent, phía Tây Bắc London, Anh, ngày 28/1/2022.

Trong 24 giờ qua, Pháp dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 249.448 ca nhiễm mới; Ấn Độ đứng thứ hai với 173.162 ca; tiếp theo là Nga (121.228 ca). Ấn Độ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 892 người chết trong ngày; tiếp theo là Nga (617 ca) và Mexico (522 ca tử vong). Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 75.551.639 người, trong đó có 907.068 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 41.265.684 ca nhiễm, bao gồm 495.002 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 25.348.797 ca bệnh và 626.854 ca tử vong. Ca nhiễm mới tại Brazil đang tăng mạnh khi nước này trên đường trở lại là một điểm nóng lây nhiễm ở Mỹ Latinh. Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 124,6 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 99,7 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 88,49 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 48,37 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 10,79 triệu ca và châu Đại Dương trên 2,46 triệu ca nhiễm.

Ấn Độ hoàn thành tiêm chủng cho 75% dân số trưởng thành Ấn Độ đã hoàn thành tiêm chủng liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 cho 75% dân số trưởng thành trong vòng một năm. Bộ Y tế Ấn Độ thông báo như trên ngày 30/1, trong bối cảnh quốc gia này đang chứng kiến làn sóng dịch thứ ba với số ca nhiễm theo ngày lên tới hơn 230.000 ca. Đến nay, hơn 705 triệu người, tương đương 75% dân số trên 18 tuổi ở Ấn Độ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Kết quả này vẫn chậm hơn so với mục tiêu chính phủ Ấn Độ đặt ra ban đầu là hoàn thành tiêm cho 100% dân số trưởng thành (950 triệu người) vào tháng 12 năm ngoái. Mặc dù vậy, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn khẳng định đây là mốc đánh dấu thành công của chương trình tiêm chủng của nước này.

Israel vượt qua giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng Omicron Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 30/1 cho biết nước đang bắt đầu nhìn thấy điểm kết thúc của làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra. Phát biểu trong cuộc họp nội các hằng tuần được phát sóng trực tiếp, Thủ tướng Bennett nêu rõ: “Chúng ta đang bắt đầu nhìn thấy xu hướng ổn định dần của làn sóng do biến thể Omicron”. Với thái độ lạc quan thận trọng, ông nói: “Tôi lựa chọn từ ngữ rất cẩn thận để tránh tạo tâm lý “kết thúc một giai đoạn” hay việc ăn mừng vì Omicron đã không còn nữa. Ông cảnh báo, hiện tại Israel đang phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn trog các bệnh viện và số ca nhiễm là vô cùng lớn. Đức: Dịch vẫn lây lan mạnh Ngày 30/1, Viện Robert Koch của Đức cho biết, trong 24 giờ qua nước này có thêm 118.970 ca mắc mới COVID-19 và 59 ca tử vong vì dịch bệnh. Như vậy, đến nay Đức ghi nhận tổng cộng 9.737.215 ca mắc COVID-19 và 117.725 ca tử vong. Trước đó, ngày 28/1, giới chức y tế Đức nhận định làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron hiện đang "được kiểm soát tốt" và có thể xem xét dỡ bỏ một số hạn chế sau khi đợt dịch này lên tới đỉnh điểm vào cuối tháng 2 tới. Anh tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em có nguy cơ cao từ 5-11 tuổi Ngày 30/1, Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết Anh sẽ tiến hành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho những trẻ em có nguy cơ cao nhất từ 5-11 tuổi trong tuần này. Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ nhỏ. Anh tiến hành tiêm chủng cho nhóm trẻ em trên chậm hơn so với các quốc gia khác, và chưa có kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm trong nhóm này như nhiều nước đang triển khai, trong đó có Mỹ và Israel. Dự kiến, trẻ em ở nhóm trên sẽ được tiêm 2 mũi với liều lượng 10 microgram/liều - bằng 1/3 liều của người lớn. Vaccine sử dụng cho nhóm đối tượng này là của hãng Pfizer/BioNTech. Australia: Chuyên gia dự báo trạng thái “bình thường mới” vào cuối năm Sau hơn hai năm kiểm soát khá hiệu quả đại dịch COVID-19, vào những ngày đầu của tháng 1/2022, Australia ghi nhận số ca mắc tăng đột biến, có ngày lên tới hơn 120.000 ca. Thủ phạm chính là Omicron, một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra COVID-19, có khả năng lây truyền cao đã xâm nhập vào bờ biển nước này trong tháng cuối năm 2021 và nhanh chóng lan rộng khắp đất nước.

Tại khu vực Đông Nam Á, làn sóng Omicron đã làm đảo ngược tình thế ở nhiều quốc gia. Trong đó Philippines chứng kiến cú ngoặt lớn nhất. Ca nhiễm tại nước này đã tăng đột biến lên trên 30.000 ca/ngày trong thời gian gần đây, sau đó đang có chiều hướng đi xuống. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới giảm mạnh, xuống mức 16.953 nhiễm và 20 ca tử vong. Đến nay, Philippines đã ghi nhận 3.545.680 ca mắc COVID-19, trong đó có 53.891 ca tử vong.

Philippines đã lên kế hoạch mở cửa lại biên giới từ tháng 2 tới, cho phép du khách tiêm chủng đầy đủ từ ít nhất 150 quốc gia, nhập cảnh mà không cần cách ly tại khách sạn hoặc cơ sở của chính phủ. Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết biến thể Omicron có tỷ lệ lây nhiễm ở Philippines "thậm chí có thể cao hơn ở các quốc gia mà Manila đang hạn chế đi lại". Tiến sĩ Vergeire nói thêm rằng các nghiên cứu cho thấy hầu hết các ca nhiễm virus là do lây truyền từ cộng đồng chứ không phải do người Philippines ở nước ngoài trở về.

Việt Nam đứng thứ hai khu vực về ca mắc và tử vong mới trong ASEAN với lần lượt 13.694 ca mắc và 121 ca tử vong trong ngày 30/1. Như vậy, tổng số ca mắc ở nước ta đã lên tới 2.233.287 trường hợp, bao gồm 37.547 ca tử vong. Thái Lan đứng thứ ba khu vực về ca nhiễm mới với 8.444 ca và 12 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 2.384.639 ca kể từ đầu mùa dịch, trong đó có 22.048 ca tử vong.

Ngày 25/1, Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 vào ngày 31/1, với ưu tiên dành cho những nhóm dễ bị tổn thương. Trước đó, Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã thông qua việc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Singapore đứng thứ 4 trong khu vực về ca nhiễm mới với 5.207 ca và 1 ca tử vong. Số ca nhiễm mới tại Singapore những ngày gần đây đã vượt mốc 5.000. Ca nhiễm tăng được cho là do biến thể Omicron dễ lây nhiễm. Ngày 22/1, Bộ Y tế Singapore thông báo ca mắc COVID-19 đầu tiên tử vong do biến thể Omicron.

Từ ngày 24/1, Indonesia bắt đầu mở hành lang du lịch an toàn cho phép người dân từ Singapore đến đảo Batam và đảo Bintan. Khách du lịch phải được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng ba ngày trước chuyến đi. Malaysia đứng thứ năm trong khu vực về ca nhiễm mới, với 5.139 ca, và 5 ca tử vong. Do biến thể Omicron, Chính phủ Malaysia đã quyết định tạm dừng các biện pháp chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu. Malaysia cũng tích cực triển khai việc tiêm mũi tăng cường song song với các hoạt động chuẩn bị triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi vào đầu tháng 2 tới.

Trong khi đó, Campuchia tiếp tục duy trì kiểm soát tốt dịch bệnh, với 57 ca nhiễm mới và không có ca tử vong mới trong ngày 25/1. Vương quốc này đã kiểm soát được dịch bệnh với mức lây nhiễm mới rất thấp trong nhiều tuần qua. Từ ngày 14/1, Campuchia bắt đầu triển khai tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho các nhóm ưu tiên ở thủ đô Phnom Penh trong bối cảnh xuất hiện biến thể Omicron trong cộng đồng.

Ngày 22/1, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã cho phép bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron từ nay được phép điều trị tại nhà. Thủ tướng Hun Sen giải thích rằng mặc dù Omicron được biết đến là biến thể có khả năng lây lan nhanh nhất, nhưng biến thể này lại không nguy hiểm như Delta và Alpha. Người nước ngoài nhiễm biến thể Omicron có thể xin điều trị tại khách sạn, sứ quán hoặc tại địa điểm do họ lựa chọn mà không bắt buộc phải nhập viện như trước. Ngày 27/1, Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon thông báo nước này đã phát động chiến dịch mang tên "Campuchia: Điểm du lịch xanh và an toàn" nhằm phục hồi ngành du lịch sau dịch COVID-19./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/the-gioi-vuot-375-trieu-ca-benh-nga-lien-tiep-pha-ky-luc-ca-mac-moi-99675.html