'Thế hệ đề phòng' vì bão giá

Cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt tăng cao đang đặt gánh nặng lên nhiều thế hệ, song những người trẻ dưới 30 tuổi có thể là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Liz Emerson, đồng sáng lập tổ chức Foundation, nói với The Guardian rằng: "Triển vọng tương lai của người trẻ đã bị ảnh hưởng. Việc đi vay nặng lãi, cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát cao ngất trời đã làm trầm trọng thêm tình hình".

Theo nhà lập kế hoạch tài chính điều lệ Rosie Hooper, giới trẻ nước Anh đang phải đối diện nhiều khó khăn chồng chất. Những người dưới 30 tuổi nước này được gọi là "thế hệ đề phòng" - nghĩa là họ đang sống bấp bênh mà không có gì đảm bảo, thường làm thuê và kiếm được ít tiền hơn so với những người cùng độ tuổi vào những năm 1990.

Không riêng giới trẻ Anh, thanh niên ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang chứng kiến khó khăn khi chi phí sinh hoạt, giá thuê nhà tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh.

 Người trẻ dưới 30 tuổi chịu nhiều ảnh hưởng từ cơn bão giá. Ảnh: Getty.

Người trẻ dưới 30 tuổi chịu nhiều ảnh hưởng từ cơn bão giá. Ảnh: Getty.

Mất định hướng tương lai

Beth Steeples (24 tuổi, giáo viên) chuyển từ quê nhà ở Kettering đến Derby (Anh) vào tháng 6/2021. Cô đã thuê nhà được 8 tháng và mỗi tháng phải trả 450 bảng Anh.

Cô đã làm giáo viên được 2 năm và được tăng lương vào tháng 12/2021. Dù vậy, cô vẫn cảm nhận được sức ảnh hưởng của giá cả leo thang.

"Hóa đơn năng lượng của tôi đã tăng từ 65 bảng/tháng lên 154 bảng/tháng", cô chia sẻ.

Khi mới chuyển đến Derby, tổng hóa đơn sinh hoạt phí của cô, bao gồm cả tiền thuê nhà, là 850 bảng/tháng. Hiện tại, con số này đã tăng lên 1.100 bảng/tháng.

 Beth Steeples chật vật khi giá cả tăng cao. Ảnh: Beth Steeples.

Beth Steeples chật vật khi giá cả tăng cao. Ảnh: Beth Steeples.

Beth Steeples đã phải hủy các khoản đóng góp lương hưu để cố dành dụm tiền mua một căn nhà riêng. Ngay cả khi được tăng lương, cô cho biết tình hình tài chính sẽ "không khá lên".

Khủng hoảng giá cả ảnh hưởng đến việc mua sắm thực phẩm của nữ giáo viên. "Tôi phải chọn thực phẩm giảm giá và trữ trong ngăn đông. Với những người sống một mình, điều đó thật khó khăn. Tôi cũng kiểm soát đồng hồ gas, điện để không vượt quá ngưỡng có thể trả mỗi tháng".

Trong tuyên bố Spring Statement, Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Rishi Sunak thừa nhận cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine đang gây thêm áp lực lên chi phí sinh hoạt tại Anh. Giá cả các mặt hàng tăng lên do các vấn đề chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19.

Dữ liệu công bố trước đó cho thấy lạm phát ở Anh đã tăng lên 6,2% trong tháng 2 và dự kiến tiếp tục tăng. Sunak trích dẫn dự báo của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách rằng lạm phát sẽ đạt trung bình 7,4% trong năm nay.

 Giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng đến phí sinh hoạt của nhiều người.

Giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng đến phí sinh hoạt của nhiều người.

Tuy nhiên, những tuyên bố mới của Sunak chưa giải quyết được những chỉ trích gần đây về kế hoạch Việc làm cho Thanh niên (Kickstart Youth Employment) do chính phủ tài trợ.

Ủy ban Tài khoản Công, cơ quan kiểm tra giá trị đồng tiền của các dự án chính phủ, đã nhận định việc giao sớm kế hoạch 1,9 tỷ bảng Anh là “hỗn loạn” và cho biết kế hoạch đã hỗ trợ ít người trẻ hơn dự báo.

Vào tháng 2, chính phủ Vương quốc Anh đã công bố một số cải cách đối với việc tài trợ cho sinh viên đại học. Điều này bao gồm hạ thấp ngưỡng mà sinh viên tốt nghiệp bắt đầu trả các khoản vay đại học do nhà nước tài trợ xuống khi họ kiếm được 25.000 bảng Anh/năm. Con số này giảm so với mức hiện tại là 27.295 bảng Anh.

Rosie Hooper, nhà lập kế hoạch tài chính điều lệ tại Quilter, tính toán rằng điều này có nghĩa là một sinh viên tốt nghiệp tương lai kiếm được hơn 25.000 bảng Anh sẽ phải trả nhiều hơn 260,55 bảng/năm so với kế hoạch trả nợ trước đó.

Áp lực tăng giá

Dữ liệu từ thị trường chỗ ở HousingAnywhere cho thấy sinh viên châu Âu đang sống trong khu vực ngày càng đắt đỏ hơn, với giá thuê hầu hết bất động sản ở đây đã tăng vọt kể từ năm ngoái.

Tại Mỹ, lạm phát giá tiêu dùng đã đạt 7,5%, cao nhất trong 40 năm và ngân hàng trung ương Mỹ đã thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên trong nhiều năm.

Ở Australia, lạm phát chính thức là 3,5%, nhưng giá của nhiều mặt hàng thiết yếu đang tăng nhanh hơn, đặc biệt là xăng dầu, và kỷ nguyên bão giá chỉ mới bắt đầu.

 Nữ y tá người Australia áp lực vì không kiếm đủ tiền sinh hoạt giữa thời bão giá. Ảnh: ABC News.

Nữ y tá người Australia áp lực vì không kiếm đủ tiền sinh hoạt giữa thời bão giá. Ảnh: ABC News.

Julie-Marie Hay, một y tá làm việc ở Australia, cho biết cô không thể trả nổi chi phí sinh hoạt dù làm việc toàn thời gian. "Tôi làm việc cả cuối tuần nhưng cũng không đủ trả cho mọi thứ tôi cần".

Mức lạm phát tăng lên nhưng lương của Hay không đổi. "Chi phí sinh hoạt của tôi đã tăng khoảng 300 đôla. Tôi còn chưa mua được quần áo đi học cho cậu con trai nhỏ tuổi trong năm học mới. Tôi rất sợ không thể tiếp tục trả tiền nhà và thanh toán các hóa đơn".

Một cuộc khảo sát với gần 1.200 người trẻ tuổi ở Anh cho thấy rằng gần một nửa (47%) không kiếm đủ phí sinh hoạt bằng thu nhập chính của mình.

Những người lao động trẻ đang vật lộn để kiếm tiền khi mức lương không theo kịp lạm phát, và nhận thấy hệ thống phúc lợi cũng không mang lại sự an toàn, đồng thời cảm nhận sâu sắc những tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Để đối phó với giá cả leo thang, vị bộ trưởng nước Anh đã thông báo cắt giảm thuế nhiên liệu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích và cố vấn tài chính cho biết công bố chính sách mới nhất của chính phủ Anh không mang lại hy vọng gì cho những người trẻ tuổi đang phải vật lộn với tình hình giá cả sinh hoạt tăng cao.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-he-de-phong-vi-bao-gia-post1304751.html