Thể hiện rõ hơn nữa các chính sách đặc thù, vượt trội

Thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn tính tự chủ của chính quyền Thủ đô, xây dựng các cơ chế đặc thù tương xứng, cụ thể và khả thi về thu hút, trọng dụng nhân tài của Thủ đô; bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hóa, phát triển không gian sáng tạo.

ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam): Xây dựng cơ chế đặc thù tương xứng, cụ thể và khả thi

Câu nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia" được Tiến sỹ Thân Nhân Trung đưa ra từ năm 1484 từ lâu đã trở thành câu nói quen thuộc khi chúng ta muốn nhấn mạnh về vai trò, vị trí quan trọng của nhân tài trong công cuộc kiến thiết, phát triển đất nước. Tôi đánh giá cao khi ý nghĩa của câu nói này đã được thể hiện tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tuy nhiên, để phát huy hết "nguyên khí” của “hiền tài", đưa Thủ đô trở thành thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, tôi cho rằng, phải xây dựng cơ chế đặc thù tương xứng, cụ thể và khả thi trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài của Thủ đô.

ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu

ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu

Theo đó, bên cạnh các chính sách ưu đãi về xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức; ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập, được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ đãi ngộ phù hợp, cần bổ sung và cụ thể hóa các chính sách ưu đãi cụ thể về thu nhập, bao gồm tiền lương và các thu nhập ưu đãi ngoài tiền lương, các ưu đãi hoặc hỗ trợ về chỗ ở, phương tiện đi lại, chăm sóc y tế cho người tài và một số lượng nhất định người thân của họ.

Chỉ khi nào người tài an cư, được hưởng thu nhập và ưu đãi tương xứng, đủ khả năng chi trả để bảo đảm cuộc sống của họ và gia đình tại Thủ đô, thì lúc ấy người tài mới yên tâm phát huy hết tài năng của mình. Mặt khác, nếu chỉ dừng lại ở những ưu đãi nhất định trong tương quan của khu vực công lập như quy định tại dự thảo Luật hiện nay sẽ rất khó cạnh tranh và giữ chân hiền tài gắn bó với khu vực công.

So với các quy định tại Luật Thủ đô hiện hành, dự thảo Luật đã có bước tiến lớn về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô. Giáo dục là quốc sách hàng đầu nên muốn Thủ đô là đầu tàu của cả nước về kinh tế - xã hội thì trước hết và quan trọng nhất phải xây dựng Thủ đô thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.

Để làm được điều này, theo tôi, song song với việc chú trọng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh; cho phép thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài, ưu đãi về tài chính, chính sách về giáo dục và đào tạo của Thủ đô cần được tiếp tục đổi mới theo hướng chú trọng giáo dục và đào tạo toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ; xây dựng chính sách thu hút các nhà giáo, nhà khoa học trong nước và quốc tế đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các học của Thủ đô…

ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh):Cơ chế vượt trội phát triển không gian sáng tạo

Quy định về bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hóa, phát triển không gian sáng tạo, trung tâm văn hóa tại Điều 23 dự thảo Luật cơ bản đã kế thừa nội dung Điều 11 Luật hiện hành và thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra nhiệm vụ ưu tiên phát triển ngành công nghiệp văn hóa - du lịch của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa; đồng thời, cụ thể hóa các mục tiêu về phát triển Thủ đô thành thành phố đổi mới - sáng tạo.

ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) phát biểu

ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) phát biểu

Theo báo cáo đánh giá tác động, công nghiệp văn hóa Thủ đô đã có những bước phát triển nhất định. Năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố. Với số lượng di tích đứng đầu cả nước - gần 6.000 di tích các loại, trong đó có 5 di sản thế giới và dẫn đầu cả nước về số lượng nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được nhà nước phong tặng, tôi thống nhất Thủ đô Hà Nội cần có cơ chế đặc thù, vượt trội để bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hóa, phát triển không gian sáng tạo cũng như các trung tâm văn hóa như trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa hiện nay chưa có những ưu đãi đặc thù, vượt trội nhằm thu hút đầu tư từ nguồn vốn tư nhân như đầu tư hình thành phim trường, khu vui chơi giải trí quy mô lớn… Do vậy, dự thảo Luật cần có những quy định tạo điều kiện để Thủ đô Hà Nội hình thành một hoặc nhiều trung tâm công nghiệp văn hóa bằng những chính sách ưu đãi về tiếp cận đất đai, ưu đãi đầu tư.

Về phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khỏe nhân dân, tại điểm a, khoản 3 Điều 27 dự thảo Luật quy định: “HĐND thành phố Hà Nội quy định chế độ tài chính, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình”. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 110 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các Bộ khác; HĐND cấp tỉnh chỉ quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh về các nội dung nêu trên áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn quản lý thuộc phạm vi được phân quyền nhưng không được vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Vì vậy, đề nghị làm rõ nội dung chế độ tài chính được HĐND Thành phố quy định và mối liên hệ với phương pháp định giá và mức giá trần do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định để bảo đảm tính minh bạch, khách quan trong quá trình thực hiện.

Luật Bảo hiểm y tế hiện hành không quy định dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình và cấp cứu ngoại viện thuộc phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế, trong khi đó, tại khoản 4 Điều 27 dự thảo Luật lại cho phép được sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ bảo hiểm y tế để chi trả cho các dịch vụ này trên địa bàn thành phố Hà Nội là chưa bảo đảm nguyên tắc mọi người dân đều được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế được xác định trong Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Vì vậy, đề nghị nội dung này cần được nghiên cứu, cân nhắc và đánh giá tác động kỹ, lường trước tình huống người dân sẽ sử dụng dịch vụ nhiều hơn, với tần suất lớn hơn trong tương lai và xu hướng già hóa dân số, thay đổi mô hình bệnh tật, giá dịch vụ tăng cao hơn... Nếu đây không chỉ là vấn đề thực tiễn của riêng Hà Nội mà ở các địa phương khác cũng có yêu cầu tương tự thì cần nghiên cứu, tổng kết, quy định trong Luật Bảo hiểm y tế để áp dụng chung.

ĐBQH Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu): Thể hiện rõ hơn tính tự chủ của Chính quyền Thủ đô

ĐBQH Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) phát biểu

ĐBQH Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) phát biểu

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu lớn của cả nước, đã được thể hiện trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Do đó, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được làm rõ trong Luật Thủ đô. Tôi cho rằng cần cân nhắc một số điểm như sau.

Thứ nhất, Điều 17 dự thảo Luật về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hiện đang được đặt tại Chương II: Chính quyền tại Thủ đô. Vậy Điều 17 có mục tiêu là gì, chỉ nhằm thu hút nhân tài cho bộ máy chính quyền tại Thủ đô hay thu hút nhân tài cho sự phát triển chung của Thủ đô ở các ngành, lĩnh vực? Việc xác định đúng mục tiêu sẽ quyết định nội dung chi tiết của Điều này.

Thứ hai, nội dung của Điều 17 chưa thể hiện được tính phân hóa trong nhu cầu thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khu vực khác nhau (công - tư) hay ở các lĩnh vực khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng,…) và vẫn chủ yếu dựa vào những mô tả trừu tượng như “có tài năng đặc biệt”, có “phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội”,…. Rất khó để đánh giá các mô tả này ngoài việc dựa chủ yếu vào bằng cấp của ứng viên thuộc diện xem xét.

Thanh Chi - Minh Trang - Thanh Hải ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/the-hien-ro-hon-nua-cac-chinh-sach-dac-thu-vuot-troi-i349742/