Thể hiện tinh thần đổi mới, quyết liệt, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế

Từ ngày 11 đến 16/5, Quốc hội khóa XV đã tiến hành tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 9 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Trong đó, tập trung thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng, mang tính chiến lược, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế để hướng tới giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường vào ngày 14/5. Ảnh: Phạm Thắng

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường vào ngày 14/5. Ảnh: Phạm Thắng

Xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng

Quốc hội đã thảo luận tại tổ và họp phiên toàn thể tại hội trùong để thảo luận, xem xét và quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tập trung vào các nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy Nhà nước, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Cùng với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, Quốc hội đã xem xét và thông qua nhiều dự án luật quan trọng, trong đó có: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Nhà giáo; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc... Các luật được Quốc hội thông qua đã có nhiều đổi mới trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định để phân định rõ thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.

Quốc hội đã thảo luận và quyết định nhiều vấn đề trọng yếu về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, bao gồm: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình triển khai kế hoạch năm 2025; Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm; Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023; Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024. Quốc hội đã thông qua 7 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026; Nghị quyết về Trung tâm tài chính tại Việt Nam; Nghị quyết thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ nhóm yếu thế và lợi ích công. Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, bao gồm việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Nhà nước, điều chỉnh cơ cấu tổ chức Chính phủ, cơ quan ngang bộ, bộ, ngành Trung ương và tái cơ cấu tổ chức bộ máy của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội...

Thay đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp

Sáng ngày 14/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Lần đầu tiên kể từ ngày thành lập nước, Quốc hội xem xét và sẽ quyết định thay đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp. Đây được xem là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp, tổ chức bộ máy Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thắng

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thắng

Phát biểu giải trình làm rõ các vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, toàn diện, thực tiễn, xác đáng để cùng nhau tham gia vào một dự thảo Luật vô cùng có ý nghĩa của nền hành chính Nhà nước. “Phiên thảo luận hôm nay coi như một dấu ấn mang tính lịch sử, có tính đột phá từ tư duy quản lý hành chính sang quản trị, kiến tạo và phục vụ cho một chính quyền địa phương; từ phân công hành chính sang phân cấp, phân quyền, trao quyền đồng thời một cách rất rõ ràng, thực chất; và từ bộ máy hành chính của chính quyền địa phương cồng kềnh, tầng nấc sang một hệ thống hành chính địa phương tinh gọn với mục tiêu gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn” - Bộ trưởng cho biết.

Về nguyên tắc và yếu tố xuyên suốt của dự thảo Luật để thay đổi nền hành chính địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Dự thảo Luật về tổ chức chính quyền địa phương được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống hành chính quốc gia, đồng thời đề cao tính tự chủ, linh hoạt của địa phương. Yếu tố xuyên suốt của dự thảo là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Luật cũng hướng tới việc phân định rõ thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương, nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức và hoạt động, từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở từng địa phương. Đối với nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp và ủy quyền đã cơ bản kế thừa quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội ban hành ngày 19/2/2025, nhưng hoàn thiện hơn về mặt kỹ thuật lập pháp để bảo đảm tính chính trị, tính pháp lý, yêu cầu quản trị và tạo cơ sở để dẫn dắt cho tất cả các luật chuyên ngành tuân thủ, kịp thời sửa đổi, bổ sung. Đây cũng là những yếu tố rất cơ bản để quyết định hiệu quả vận hành của chính quyền địa phương 2 cấp...

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thể hiện tinh thần đổi mới, quyết liệt, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong công tác lập pháp, góp phần thúc đẩy sự đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống pháp luật và thể chế quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Lê Hà (tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/the-hien-tinh-than-doi-moi-quyet-liet-tao-buoc-chuyen-manh-me-trong-xay-dung-phap-luat-va-hoan-thien-the-che-post490068.html