Thế khó của Taliban
Sau khi người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Kabul, Afghanistan sẽ hoàn toàn chịu kiểm soát của Taliban. Điều này đặt ra nhiều thách thức mà Taliban phải nhanh chóng khắc phục.
Tới nay, thế giới vẫn chưa rõ “Taliban phiên bản 2.0” thực tế sẽ như thế nào. Nhưng với sự ra đi của những người ngoại quốc, hình hài mới của Afghanistan sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Từ khi lên nắm quyền vào ngày 15/8, Taliban đã tỏ thái độ rất rõ rằng họ không muốn lặp lại giai đoạn cai trị trong những năm 1990, thời điểm Taliban sai lầm trong quản lý kinh tế, áp bức người dân, và bị cả thế giới quay lưng.
Nhưng liệu Taliban có thể làm được điều đó hay không và bằng cách nào vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải.
Nguy cơ nội chiến
Quá trình chuyển đổi từ trạng thái chiến đấu sang quản trị nhà nước luôn là một quá trình khó khăn, trong khi Taliban có ít thời gian chuẩn bị hơn dự kiến.
Ngay cả thành viên đồng sáng lập Mullah Abdul Ghani Baradar cũng thừa nhận rằng tốc độ thất thủ của thủ đô Kabul khiến chính Taliban phải kinh ngạc. Rõ ràng là nhóm này chưa xác định được ai sẽ nắm quyền và cách thức vận hành ra sao, theo Guardian.
“Họ chậm quá. Tôi cho rằng khi người Mỹ rời đi thì họ cũng sẽ phải tuyên bố chính quyền mới, nhưng chuyện này đang bị trì hoãn quá lâu và có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát”, Ashley Jackson, nhà nghiên cứu Taliban lâu năm thuộc Viện Phát triển Nước ngoài có trụ sở tại Anh, nhận định.
“Đặc biệt là trước nguy cơ xảy ra các đòn tấn công từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Taliban phải thể hiện mình có sức mạnh và khả năng bảo đảm an ninh”, bà Jackson nói.
Vụ tấn công khủng bố ngày 26/8 tại sân bay Kabul càng thêm nhấn mạnh thách thức mà Taliban sẽ đối mặt.
Cả trong quá khứ và hiện tại, Taliban khi lên nắm quyền đều hứa hẹn người dân sẽ không còn phải chứng kiến sự thảm khốc của chiến tranh. Nhưng cuộc chiến giữa Taliban và IS đã diễn ra hơn nửa thập kỷ.
Nếu Taliban không thể kiềm chế IS và các cuộc tấn công tự sát vẫn tiếp diễn sau khi quân đội nước ngoài rời đi, điều này sẽ làm suy yếu uy quyền của Taliban, gây hao mòn nguồn lực nhà nước, và có thể giáng đòn vào tính chính danh của tổ chức này.
Ngoài ra, viễn cảnh ấy còn làm nổi lên nguy cơ nổ ra cuộc nội chiến kéo dài tại Afghanistan. Cuộc chiến này có thể sẽ xảy ra trên nhiều mặt trận, nhất là khi xuất hiện lực lượng phản kháng ở thung lũng Panjshir, thành trì cuối cùng tại Afghanistan chưa rơi vào tay Taliban.
Chưa thống nhất về cấu trúc chính phủ
Nếu được đàm phán với chính quyền cũ, Taliban có thể đã có đủ thời gian thảo luận về việc chuyển giao mọi mặt tại Afghanistan, từ hệ thống ngân hàng tới sân bay. Nhưng việc tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi Afghanistan đã gây ra nhiều khó khăn.
Một số thông tin rò rỉ cho thấy chính phủ mới do Taliban lập nên có lẽ sẽ có cấu trúc tương tự Iran, theo Reuters.
Haibatullah Akhundzada, thủ lĩnh Taliban, dự kiến đảm nhiệm vị trí tương đương lãnh đạo tối cao. Dưới ông ta có thể là một hội đồng có cách vận hành giống nội các chính phủ.
Theo Guardian, giữa các phe phái quyền lực nhất của Taliban đang diễn ra những cuộc trao đổi nội bộ. Taliban cũng có một số cuộc gặp với thành viên chính phủ cũ vẫn ở lại trong nước và những nhân vật có ảnh hưởng như cựu Tổng thống Hamid Karzai.
Phát ngôn viên cấp cao của Taliban từng nói tổ chức này muốn một chính phủ bao trùm và đã thể hiện thiện chí bằng cách giữ nguyên chức vụ của bộ trưởng Y tế và thị trưởng thủ đô Kabul.
Dù vậy, quyền lực thực sự vẫn sẽ do Taliban nắm giữ. Tinh thần thỏa hiệp nói trên cũng nhiều khả năng không áp dụng với phụ nữ.
Màn cân bằng của Taliban
Tới nay, lời hứa ân xá của Taliban đã vấp phải thái độ nghi ngờ do nhà ở của người có liên quan tới chính phủ cũ bị khám xét trên quy mô lớn.
Tương tự, lời cam kết tôn trọng quyền phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo sharia của Taliban cũng mâu thuẫn với việc các tay súng bắt phụ nữ nghỉ việc hoặc yêu cầu họ ở nhà để đảm bảo “an ninh”.
Niềm hy vọng vào một Taliban ôn hòa hơn đã trở nên ảm đạm sau khi một số khu vực xuất hiện quy định cấm âm nhạc và thậm chí là các thú tiêu khiển phổ biến như đánh bài.
Kể cả những tay súng kỳ cựu nhất có thể cũng không biết đích xác chính phủ của họ sẽ ra sao hoặc cách cai trị thế nào, vì các phe phái khác nhau sẽ cùng tranh giành quyền kiểm soát.
Một nguyên nhân đằng sau thành công của Taliban trong những năm gần đây là việc để cho các chỉ huy địa phương có quyền tự quyết đáng kể đối với những khu vực họ chiếm được.
Vì thế, một chỉ huy ở tỉnh Logar phía đông có thể chủ trương giáo dục cho mọi trẻ em, nhưng các chỉ huy ở tỉnh Helmand cấm hoàn toàn việc giảng dạy trẻ em gái, bà Jackson nói.
Hiện chưa rõ Taliban sẽ làm gì để cân bằng các quan điểm trái chiều, trong khi điều hành một đất nước cần có luật và quy định thống nhất. Hơn nữa, Afghanistan từ trước đã có nhiều vấn đề nan giải như phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, tham nhũng tràn lan, và hạn hán nghiêm trọng vào năm nay.
Nếu Afghanistan xảy ra khủng hoảng nhân đạo, phương Tây đối diện 2 lựa chọn tồi tệ: Giao thiệp với một chính phủ áp bức hoặc để cho người nghèo tại Afghanistan phải trả giá vì hành động của giới lãnh đạo họ không bầu lên.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-kho-cua-taliban-post1256670.html