'Thế khó' sau cuộc bầu cử quốc hội Pháp
Theo kết quả do Bộ Nội vụ Pháp công bố ngày 20/6, Ensemble! (Chung sức!), liên minh ủng hộ Tổng thống Macron chỉ giành được 246 ghế, dưới 289 ghế để có đa số tuyệt đối trong quốc hội 577 đại biểu.
Kết quả cuộc bầu cử quốc hội Pháp khóa 16 là những con số biết nói và nói lên rất nhiều điều. Trước hết, đó là "tiếng sét đánh ngang tai” khi đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) có được bước đột phá lịch sử, liên minh các đảng ủng hộ tổng thống đánh mất đa số tuyệt đối, liên minh cánh tả trở thành lực lượng đối lập lớn nhất, liên minh cánh hữu trở thành nhóm đối lập thứ yếu, còn "phe đa số lớn nhất" chính là các cử tri không đi bỏ phiếu.
Tiếp đến, như một điểm mới của cuộc bầu cử năm nay, Thủ tướng Elisabeth Borne và 15 bộ trưởng trong chính phủ mới được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm cũng tham gia tranh cử, với kết quả Bộ trưởng Y tế và Phòng ngừa, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái và Quốc vụ khanh phụ trách biển bị loại và sẽ phải tự động từ chức.
Theo kết quả chính thức do Bộ Nội vụ Pháp công bố ngày 20/6, Ensemble! (Chung sức!), liên minh ủng hộ Tổng thống Macron chỉ giành được 246 ghế, dưới ngưỡng 289 ghế để có đa số tuyệt đối trong quốc hội 577 đại biểu. Một kết quả thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng “đa số vững chắc” mà ông Macron bày tỏ với báo chí trước bầu cử và cách xa con số 346 ghế có được trong quốc hội mãn nhiệm.
Giới quan sát nhận định một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Ensemble! là do trong suốt chiến dịch vận động, Tổng thống Macron và các lãnh đạo liên minh ít tham gia tranh luận và gặp gỡ cử tri, dù có rất nhiều chủ đề quan trọng cần được tổng thống làm rõ, như cải cách y tế, dịch tễ, quản lý khủng hoảng, dịch vụ công, chính quyền địa phương, an sinh xã hội, tái phân bổ các nguồn lợi.
Báo chí Pháp cho rằng Ensemble! có vẻ tự tin thái quá ở kết quả bầu cử tổng thống, trông chờ vào tầng lớp cử tri khá giả, có trình độ hơn, lớn tuổi, tức là những cử tri “có xu hướng đi bỏ phiếu”.
Kết quả là Ensemble! đã mất hơn 100 ứng cử viên đủ điều kiện vào vòng hai và số ứng cử viên dẫn đầu vòng một cũng thấp hơn một nửa so với năm 2017.
Về thứ hai là Liên minh Sinh thái và Xã hội nhân dân mới (Nupes), liên minh của các đảng cánh tả Pháp, giành được 142 ghế.
Kết quả này tuy chưa đủ để phe của ông Jean-Luc Mélenchon đạt được đa số tuyệt đối và đưa ông trở thành thủ tướng, nhưng đủ để đưa khối cánh tả Pháp trở thành lực lượng chính trị lớn thứ hai với nhiều đại diện hơn hẳn so với quốc hội khóa trước vốn chỉ có 60 ghế.
Điều quan trọng là trong Nupes, đảng châu Âu Sinh thái – Xanh (EELV), với 28 ghế , đã có thể thành lập một nhóm nghị sĩ độc lập để thể hiện cất cao “tiếng nói Xanh” mà tầng lớp cử tri trẻ muốn gửi gắm tới quốc hội.
Trong quá trình tranh cử, Nupes cho thấy rõ sự đoàn kết và khát vọng hơn, với hình ảnh một thủ lĩnh đối lập có ảnh hưởng, biết khai thác triệt để các điểm yếu của chính phủ và phe đa số thân tổng thống, tỏ ra thông cảm với những bất bình của các tầng lớp dân chúng trong bối cảnh đời sống ngày càng khó khăn, đồng thời xuất hiện gần như hằng ngày trên truyền thông.
Vượt ngoài mong đợi, với 89 ghế giành được, đảng RN của bà Marine Le Pen đã cho thấy một bước tiến mà giới chuyên gia gọi là "ngoạn mục” sau thất bại của nhân vật này tại vòng hai bầu cử tổng thống cách đây hai tháng.
Đây được coi là một thành công lịch sử của RN bởi chưa bao giờ đảng này có được một sự hiện diện mạnh mẽ đến như vậy trên mặt trận lập pháp của nước Pháp.
Thành tích tốt nhất mà tiền thân của RN là đảng Mặt trận quốc gia (FN) từng đạt là 35 ghế trong cuộc bầu cử năm 1986.
Thậm chí năm 2017, RN chỉ có vỏn vẹn 8 đại biểu, chưa đủ tối thiểu 15 đại biểu để thành lập một nhóm nghị sĩ trong quốc hội.
Đáng nói nhất là thất bại của khối cánh hữu, bao gồm đảng Những người cộng hòa (LR), Liên minh các đảng viên dân chủ và độc lập (UDI) và một số đảng cánh hữu khác chỉ giành được 73 ghế so với 136 ghế trong quốc hội khóa trước.
Từ mong đợi giành được khoảng 100 ghế, khối cánh hữu tiếp tục thất bại nặng nề và để mất vị thế là nhóm đối lập lớn nhất từng có được trong quốc hội khóa trước.
Cuối cùng, có một đa số khác xuất hiện ngay từ vòng một và tái lặp ở vòng hai cuộc bầu cử, đó là đa số của những cử tri không đi bỏ phiếu. Với 53,77% ở vòng hai, sau năm 2017, đây lần thứ hai trong lịch sử nền Đệ nhị Cộng hòa, số cử tri không đi bỏ phiếu tại một cuộc bầu cử hạ viện Pháp vượt quá nửa tổng số cử tri đã đăng ký.
Kết quả cuộc bầu cử có thể được nhìn nhận là một thất bại đối với Tổng thống Macron. Hào quang mà các đảng Cộng hòa tiến bước (LREM) và Phong trào dân chủ (MoDem) có được trong cuộc bầu cử năm 2017 giờ đã "tắt lịm".
Đã không còn thông lệ cử tri Pháp bỏ phiếu ủng hộ phe của tổng thống vừa đắc cử để tạo nên một đa số tuyệt đối tại quốc hội, cho phép chính phủ mới có điều kiện thuận lợi trong công tác điều hành và ban hành các chính sách, dự án của mình.
Thất bại của Tổng thống Macron ở góc độ nào đó thực sự “mang một sắc thái lịch sử”. Lần đầu tiên kể từ năm 2002, khi hệ thống chính trị của nước Pháp áp dụng nhiệm kỳ 5 năm cả về hành pháp và lập pháp, một nguyên thủ quốc gia không giành được đa số tuyệt đối tại các cuộc bầu cử lập pháp diễn ra sau bầu cử tổng thống.
Trong lịch sử Đệ ngũ Cộng hòa, chỉ có Thủ tướng Michel Rocard phải nhận kết quả bầu cử với đa số tương đối trong quốc hội năm 1988, và phải thương lượng với cánh tả hoặc cánh hữu trong suốt quá trình điều hành của chính phủ.
Ông Macron tái đắc cử tổng thống trong bối cảnh xã hội Pháp có sự chia rẽ sâu sắc và chiến thắng của ông có phần đóng góp không nhỏ của những lá phiếu ngăn chặn phe cực hữu.
Điều này không còn tái diễn tại cuộc bầu cử lập pháp nếu như nhìn vào kết quả lịch sử mà đảng RN giành được.
Chưa kể những cử tri trung dung đã quay sang bỏ phiếu cho Nupes hoặc rất nhiều cử tri đã không đến điểm bầu cử.
Việc chỉ giành được một đa số tương đối chắc chắn sẽ gây hệ lụy cho Tổng thống Macron trong suốt nhiệm kỳ 5 năm tới.
Theo nhìn nhận của chuyên gia lập hiến Philippe Derosier, việc không đạt được đa số tuyệt đối “sẽ dẫn tới nguy cơ xuất hiện một chính phủ bị ngáng trở, bị kìm hãm, không thể thực hiện tất cả các dự án cải cách như mong muốn. Điều này khiến chính phủ cần phải đàm phán và giao thiệp nhiều hơn”.
Như vậy, phe đa số tương đối sẽ phải đàm phán với các nhóm đối lập để có thể tạo điều kiện cho chính phủ do tổng thống bổ nhiệm hoàn thành nhiệm vụ. Hàng loạt dự án cải cách mà ông Macron đề ra khi tái đắc cử tổng thống Pháp, chẳng hạn cải cách hưu trí, y tế, an ninh, chống biến đổi khí hậu, hoặc các chương trình cải thiện sức mua cho các hộ gia đình, chống lạm phát... rất có thể sẽ gặp trở ngại từ Nupes. Đó là chưa kể nhóm nghị sĩ “gai góc” hơn của đảng cực hữu RN.
Sau chiến dịch vận động tranh cử thống nhất, các đảng khác nhau của liên minh cánh tả này có thể thành lập các nhóm nghị sĩ độc lập trong quốc hội.
Nupes là một “thỏa thuận bầu cử lâu dài”, nhưng 4 đảng tạo thành liên minh có thể thành lập một nhóm nghị sĩ riêng trong quốc hội để hoạt động theo tôn chỉ của mình, trừ Đảng Cộng sản không đủ điều kiện về số đại biểu tối thiểu.
Các đảng này đều nằm ở vị trí đối lập với chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne. Bởi vậy, trong khi không thể tìm đồng minh từ phe cực hữu, phe thân tổng thống chỉ hy vọng tìm được tiếng nói ủng hộ “hữu ích” từ nhóm đại biểu của đảng LR, vốn gồm nhiều thành viên ly khai từ đảng LREM của Tổng thống Macron, để thông qua các dự luật của mình./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/the-kho-sau-cuoc-bau-cu-quoc-hoi-phap/248194.html