Thế mạnh chiến lược Việt Nam sụt giảm khi sang Trung Quốc
Xuất khẩu thủy sản tháng 9/2021 chỉ đạt trên 628 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm tới 50%. Đây là tháng thứ hai liên tiếp xuất khẩu thủy sản lao đốc.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc nới lỏng giãn cách từ giữa tháng 9/2021 đã giúp doanh nghiệp thủy sản phục hồi sản xuất một phần. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9/2021 chỉ đạt trên 628 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong tháng 9, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành đều giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu cá tra giảm 36%, cá biển các loại giảm 65%, tôm giảm 21%, cá ngừ và bạch tuộc giảm lần lượt là 14% và 12%.
Tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã hồi phục với mức tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ đạt 159 triệu USD. Còn lại xuất khẩu sang các thị trường khác tiếp tục giảm, trong đó giảm mạnh nhất là Trung Quốc (giảm gần 50%), sang các thị trường Nhật Bản, Canada, Anh, Australia đều có mức giảm từ 35-45%. Tương tự, xuất khẩu sang EU và Nga giảm trên 15%, sang Hàn Quốc giảm 5%.
Tính đến hết quý III/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước chỉ thu về 6,2 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Song, với diễn biến Covid-19 vẫn căng thẳng cùng tình trạng xáo trộn lao động giữa các tỉnh, thành, VASEP nhận định, tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 tiếp tục bị gián đoạn, kim ngạch xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm so với cùng kỳ, dù mức giảm có thể thấp hơn so với tháng 8 và tháng 9.
Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD, Bộ NN-PTNT), lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn và tổn thương nặng nề sau hơn 2 tháng giãn cách xã hội. Đến đầu tháng 9, có 176/449 cơ sở ngừng sản xuất. Tổng công suất các nhà máy hoạt động chỉ đạt khoảng 30-40%. Hệ quả, xuất khẩu lao dốc.
Bà Đỗ Thị Thanh Thủy - Giám đốc kinh doanh Công ty Nam Việt, tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất nông thủy sản mới đây, cho biết, DN đang trong tình trạng không thể hoàn thiện các đơn hàng đã ký kết cho các đối tác của mình. Các hệ thống siêu thị ở châu Âu và Mỹ đòi hỏi thời gian giao hàng phải như cam kết. Song, với tình hình hiện tại, việc hoàn thành đơn hàng đúng thời điểm là gần như không thể.
“Chúng tôi đã tiến hành thương lượng lùi thời điểm giao, một số đối tác đồng ý nhưng một số khác dọa kiện và đòi bồi thường thiệt hại”, bà Thủy chia sẻ. Thế nên, nếu hoạt động sản xuất của doanh nghiệp không trở lại như bình thường thì việc mất thị trường sẽ trở thành hiện thực.
Ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho hay, dịch bệnh khiến chuỗi giá trị tôm gần như đổ vỡ. DN nợ đơn hàng khách nước ngoài rất nhiều và không dám ký hợp đồng mới. Giữa tháng 9, bà con nông dân thả nuôi tôm cũng không kịp thu hoạch vào cuối năm. Dự báo, sẽ thiếu nguyên liệu để sản xuất, trả đơn hàng.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP - dẫn kết quả khảo sát của hiệp hội cho thấy, chỉ có 30-40% DN có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số còn lại rất khó hoặc cần có thời gian dài.
Theo ông Nam, Bộ NN-PTNT cần hỗ trợ DN có phương án tổ chức sản xuất trong thời gian mở giãn cách từng phần để địa phương phê duyệt nhanh nhất. Ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động, công nhân tiêm một mũi vắc xin được tham gia sản xuất; điều chỉnh lại cơ chế sản xuất “3 tại chỗ”. Bộ cũng cần tác động với các địa phương để việc đi lại giữa các tỉnh có nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu được thuận tiện.