Thể thao Việt Nam hướng đến SEA Games 31: Tham vọng dẫn đầu
Đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham dự SEA Games 31 trên sân nhà với mục tiêu giành vị trí số 1 trên bảng xếp hạng chung cuộc.
Lực lượng hùng hậu
Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 31 với lực lượng tổng cộng 1.341 thành viên, trong đó, số lượng vận động viên (VĐV) là 957 người đông nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, nước chủ nhà cũng sở hữu lực lượng VĐV hùng hậu nhất kỳ đại hội lần này. Các đoàn xếp sau Việt Nam lần lượt là Thái Lan (với 871 VĐV), Malaysia (654), Philippines (643), Indonesia (541), Campuchia (494), Singapore (474), Lào (363), Myanmar (352), Timor Leste (69), Brunei (24).
Không chỉ có các quan chức, VĐV và huấn luyện viên; đội ngũ các y bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên kỹ thuật của đoàn thể thao Việt Nam cũng lên tới 31 người. Họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, hồi phục thể lực và điều trị các ca chấn thương của VĐV trong suốt quá trình thi đấu tại đại hội.
Tại SEA Games 31, người giữ cương vị Trưởng đoàn thể thao Việt Nam là ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao. Hai Phó Trưởng đoàn là ông Hoàng Quốc Vinh và ông Ngô Ích Quân, các Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 và 2, trực thuộc Tổng cục Thể dục thể thao.
Với lực lượng nhân sự hùng hậu, cùng sự chuẩn bị chu đáo, đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành khoảng 140 Huy chương Vàng (HCV) và dẫn đầu bảng xếp hạng khi SEA Games 31 khép lại. Kỳ đại hội lần này có 526 nội dung thi đấu ở 40 bộ môn khác nhau. Đoàn thể thao Việt Nam sẽ thi đấu ở tất cả 40 môn.
Tại SEA Games 30 năm 2019 ở Philippines, đoàn Việt Nam xếp thứ 2 sau đoàn chủ nhà với 98 HCV, 86 Huy chương Bạc, 105 Huy chương Đồng, cùng với đó là rất nhiều kỷ lục ấn tượng được các VĐV thiết lập.
Những niềm hy vọng vàng
Những kỳ SEA Games gần đây, điền kinh Việt Nam là một “mỏ vàng” thực sự. Ở SEA Games 30, các VĐV điền kinh Việt Nam giành được tổng cộng 16 HCV, 13 Huy chương Bạc và 9 Huy chương Đồng, dẫn đầu bộ môn so với các đoàn thể thao khác.
Tại kỳ SEA Games 31 sắp tới, đội điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu đoạt từ 15-17 HCV để tiếp tục duy trì ngôi vị số 1 khu vực. Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games thì từ đầu năm 2022, hơn 100 VĐV, huấn luyện viên và các chuyên gia của đội điền kinh đã tập luyện liên tục tại 5 địa điểm bao gồm: Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia tại Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
Đội điền kinh Việt Nam sẽ tham dự SEA Games 31 với 85 thành viên, trong đó, có 66 VĐV và 19 huấn luyện viên. Trước thềm đại hội, đội đã gặp tổn thất rất lớn khi “nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh gặp chấn thương và không thể tham dự giải. Lê Tú Chinh là VĐV chạy cự ly ngắn số 1 của Việt Nam và đã có được những thành tích rất ấn tượng tại đấu trường SEA Games. Cô từng giành cả 2 HCV cự ly 100m, 200m tại SEA Games 29 năm 2017. Đến SEA Games 30 tại Philippines, Tú Chinh tiếp tục thống trị cự ly 100m với thành tích 11 giây 54.
Không có Tú Chinh, trách nhiệm “săn vàng” cho điền kinh Việt Nam đặt lên vai Nguyễn Thị Oanh. Cô gái sinh năm 1995 đăng ký thi đấu ở 3 nội dung sở trường gồm 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Đây đều là những nội dung mà Oanh đã giành HCV ở SEA Games 30. Tại giải vô địch quốc gia năm 2021, cô cũng giành cả 3 tấm HCV ở các nội dung trên. VĐV quê Bắc Giang còn phá kỷ lục quốc gia nội dung 5.000m tồn tại suốt 18 năm. Cụ thể, thành tích 15 phút 53 giây 48 của Oanh đã phá kỷ lục quốc gia cũ 16 phút 12 giây 73 của Đoàn Nữ Trúc Vân (Khánh Hòa) lập từ năm 2003.
Trên đường đua xanh, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cũng nhận được nhiều kỳ vọng. Tại SEA Games 30, anh đoạt 2 HCV ở các nội dung bơi 400m tự do và 1.500m tự do. Bên cạnh đó, kình ngư này còn giành 2 Huy chương Bạc ở các nội dung bơi 10km ngoài trời và 4x200m tự do tiếp sức.
Kiếm thủ Vũ Thành An trong 3 kỳ SEA Games liên tiếp 2015, 2017, 2019 đều giành HCV cá nhân nội dung kiếm chém và đang tràn đầy tự tin sẽ tiếp tục duy trì thành tích trong khu vực ở kỳ đại hội tới.
Tại kỳ SEA Games này, Ban Tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam đưa vào nội dung tranh tài rất nhiều môn thể thao được lựa chọn thi đấu ở các kỳ Olympic, ASIAD. Đây là điểm khác biệt quan trọng bởi ở những kỳ đại hội trước, các nước chủ nhà đều lựa chọn phần lớn các môn thi đấu và nội dung thế mạnh của họ, đồng thời cắt giảm các nội dung mà các đoàn thể thao khác có ưu thế.