Thẻ vé ảo xe buýt: khắc phục bất cập để hút khách
Sau một tháng đưa vào hoạt động thẻ vé xe buýt ảo, người dân đã gặp phải một số khó khăn, bất cập. Trước những thông tin phản ánh, đơn vị quản lý cần có những động thái khắc phục kịp thời để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Hành khách gặp khó
Đầu tháng 4, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội khai trương thẻ vé ảo cho hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP.
Thẻ vé ảo, được thiết lập theo tài khoản định danh của khách hàng, hiển thị trên điện thoại di động, có hình ảnh và đầy đủ thông tin như thẻ chip vật lý (mã thẻ, thông tin chủ thẻ, loại đối tượng, thời hạn sử dụng thẻ).
Sử dụng thẻ vé ảo được đơn vị quản lý cho rằng sẽ tiết kiệm chi phí phát hành thẻ vật lý, khách hàng không tốn thời gian, chi phí đi lại để nhận và dán tem trên thẻ vé tháng.
Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng thẻ vé ảo, nhiều khách hàng có những phản hồi về sự bất cập của ứng dụng này như: không thể gia hạn vé tháng; nhân viên xe buýt từ chối tiếp nhận thẻ do đường truyền mạng không ổn định…
Anh Nguyễn Văn Sơn trú tại phường Kim Giang, quận Thanh Xuân chia sẻ: “Tôi chuyển sang dùng thẻ vé ảo ngay khi loại vé này được phát hành. Nhưng, khi gia hạn từ tháng 4 sang tháng 5 thì vé liên tục báo lỗi và không thể gia hạn được.
Như vậy, tôi phải sử dụng tiền mặt để mua vé giấy để lên xe di chuyển”. Anh Sơn cho rằng, việc không thể gia hạn vé tháng trên hệ thống vé ảo gây khó khăn, bất tiện cho khách hàng. Khi khách lên xe nhưng bị nhân viên bán vé từ chối, nếu không mang tiền mặt thì sẽ có rủi ro không được đi xe buýt.
Hay việc thẻ vé ảo mới chỉ áp dụng quét mã QR trên một số tuyến xe buýt. Tại các tuyến chưa quét được QR, nhân viên phụ xe chỉ có thể xác nhận vé ảo bằng mắt thường cũng khiến nhiều người gặp khó khăn khi di chuyển.
Chị Tô Hoàng Linh thường xuyên sử dụng tuyến xe buýt số 26 chia sẻ: “Những ngày đầu áp dụng thẻ vé ảo, một số nhân viên xe buýt còn chưa nắm được, nên yêu cầu hành khách mua vé giấy. Bên cạnh đó, để sử dụng được thẻ vé xe buýt ảo cần có mạng ổn định. Không ít trường hợp bị yêu cầu mua vé giấy khi không có đường truyền mạng ổn định, gây bất tiện cho người tham gia giao thông”.
Chị Linh cho hay, mặc dù sử dụng thẻ vé ảo nhưng vẫn phải mang theo tiền mặt mỗi khi lên xe để phòng trường hợp lỗi mạng hay thẻ không thể hiển thị được.
Anh Nguyễn Đức Huy, hành khách thường xuyên sử dụng xe buýt để đi lại cho biết, sau khi chuyển đổi sang thẻ vé ảo, thẻ xe buýt vật lý sẽ không còn tác dụng. Trong trường hợp không mang theo điện thoại di động hay điện thoại bất ngờ mất mạng, hết pin thì hành khách buộc phải mua thêm vé giấy.
“Việc không thể sử dụng thẻ vé ảo và vé vật lý cùng một lúc cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho người dân thường xuyên di chuyển bằng xe buýt. Chúng tôi rất mong, đơn vị quản lý khắc phục những bất cập để việc tham gia giao thông bằng xe buýt được thuận lợi hơn” - anh Nguyễn Đức Huy chia sẻ.
Cải thiện chất lượng
Sử dụng thẻ vé xe buýt ảo là một xu hướng tất yếu đối với phương tiện giao thông công cộng đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Phần lớn người dân Thủ đô rất hoan nghênh việc Hà Nội triển khai sử dụng loại hình vé xe buýt này.
Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận người cao tuổi không có email, không biết sử dụng mã QR trên điện thoại thông minh, gặp khó khăn trong quá trình tạo tài khoản và sử dụng thẻ này. Một số khác chưa sử dụng thẻ xe buýt thông minh vì đang giai đoạn thí điểm nên sợ xảy ra những trục trặc, phiền phức về tiền bạc. Cùng đó, thói quen dùng tiền mặt của người dân khiến việc tiếp cận thẻ rất khó khăn.
Do vậy, để đạt hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng trong thời gian thí điểm, khắc phục những bất cập và đặc biệt là ý thức chấp hành của người dân khi sử dụng loại thẻ này. Từ đó nâng cao tiện ích và dịch vụ của loại hình giao thông công cộng, thu hút người dân tham gia sử dụng.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết: “Thời gian qua, đơn vị cũng đã nhận được một số phản hồi của người dân liên quan đến bất cập của thẻ xe buýt ảo. Việc không thể gia hạn thẻ vé tháng tiếp theo, chúng tôi đã tiến hành làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ, nguyên nhân là do ứng dụng không kết nối được với ngân hàng. Chúng tôi đã tiến hành, phối hợp khắc phục bất cập này”.
Đối với trường hợp một số tuyến xe buýt từ chối hành khách sử dụng thẻ vé ảo, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị các DN cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP Hà Nội hướng dẫn, phổ biến cho nhân viên bán vé nắm được thẻ vé ảo hợp lệ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi sử dụng.
Bên cạnh một số bất cập phát sinh trong quá trình vận hành thử nghiệm, vé xe buýt ảo cũng được nhiều người dân đánh giá cao khi đây là sự lựa chọn phù hợp với thời đại công nghệ. Chỉ với một chiếc điện thoại, hành khách đã có thể tích hợp đầy đủ thông tin, bao gồm hình ảnh, mã thẻ, thông tin chủ thẻ, loại đối tượng và thời hạn sử dụng mà không phải đến điểm bán vé hay mang theo vé giấy khi đi xe buýt.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, xảy ra những sự việc như người dân bị mời xuống xe hay buộc phải mua thêm vé giấy gây bức xúc, làm xấu đi hình ảnh của xe buýt là do đơn quản lý cũng như DN vận hành chưa lường trước được tình huống này để đào tạo, hướng dẫn phụ xe tiếp cận với loại hình thẻ vé xe buýt ảo.
“Các đơn vị vận tải hành khách cần phổ biến và đào tạo cho lái, phụ xe trên các tuyến buýt sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng, liên kết cùng với các phần mềm như: Thẻ vé giao thông Hà Nội, BusMap, Tìm buýt, tạo ra hệ sinh thái phần mềm để thuận lợi cho người dân sử dụng.
Ngoài ra, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng và đơn vị tư vấn cũng cần xây dựng, quản lý hệ thống dữ liệu chặt chẽ, áp dụng các biện pháp bảo mật thông tin và tuân thủ các quy định về bảo mật dữ liệu để bảo đảm sự yên tâm cho hành khách khi sử dụng dịch vụ” - chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ.
Sau khi theo dõi, đánh giá việc thí điểm thẻ vé ảo đối với xe buýt, từ hiệu quả thu được, Sở GTVT TP Hà Nội sẽ nghiên cứu mở rộng trên khắp mạng lưới xe buýt và các loại hình vận tải công cộng khác như đường sắt, taxi…
Với mục tiêu ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, Sở GTVT TP Hà Nội tập trung vào việc triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến trong quản lý và điều hành giao thông.
Qua đó, hướng đến mục tiêu gia tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng, đồng thời giảm thiểu lưu lượng phương tiện cá nhân trên đường phố.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/the-ve-ao-xe-buyt-khac-phuc-bat-cap-de-hut-khach.html