Thêm 2 quốc gia bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập OECD

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hiện đang chính thức tiến hành đàm phán kết nạp Argentina và Indonesia.

Argentina và Indonesia là những quốc gia mới nhất bắt đầu đàm phán gia nhập OECD. (Nguồn: istockphoto.com)

Argentina và Indonesia là những quốc gia mới nhất bắt đầu đàm phán gia nhập OECD. (Nguồn: istockphoto.com)

Năm 2022, Argentina được mời gia nhập OECD và chính quyền mới của quốc gia Nam Mỹ do Tổng thống Javier Milei lãnh đạo đã tái cam kết thực hiện quy trình này trong năm nay.

OECD đã thông qua lộ trình gia nhập của Argentina vào tháng 3 và hiện đang chờ bản ghi nhớ ban đầu (IM) giữa hai bên.

Tổ chức cũng đã thông qua lộ trình gia nhập của Indonesia vào tháng 3. Theo Phó Chủ tịch cấp cao về thương mại, đầu tư và chính sách kỹ thuật số của Hội đồng Kinh doanh quốc tế Hoa Kỳ (USCIB), Alice Slayton Clark, do có nhiều điểm khác biệt trong các nguyên tắc và thông lệ của OECD, Indonesia có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn và khả năng chưa có IM trong năm nay.

Sau khi nhận được IM, OECD sẽ mời các thành viên đưa ra quan điểm về ứng cử viên của Indonesia.

Indonesia chính thức nộp đơn xin trở thành thành viên của OECD vào tháng 7/2023 dù nước này đã là đối tác quan trọng của OECD kể từ năm 2007.

Quốc gia Đông Nam Á đặt mục tiêu trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2045. Việc trở thành thành viên của OECD được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cải cách kinh tế ở nước này. Nếu được chấp nhận, Indonesia sẽ là nền kinh tế châu Á thứ 3 gia nhập OECD sau Nhật Bản và Hàn Quốc.

Việc Indonesia gia nhập OECD đã nhận được sự ủng hộ từ các thành viên của nhóm, bao gồm cả Vương quốc Anh.

Argentina và Indonesia cùng tham gia với 5 ứng cử viên hiện tại của OECD gồm: Brazil, Bulgaria, Croatia, Peru và Romania.

Được thành lập năm 1961, đặt trụ sở tại Paris (Pháp), OECD hiện có 38 thành viên, chủ yếu là các nước phát triển trải dài từ Bắc và Nam Mỹ đến châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương. Mục tiêu hoạt động của tổ chức là định hình các chính sách thúc đẩy sự thịnh vượng, bình đẳng, cơ hội và hạnh phúc cho mọi người dân.

OECD trở thành diễn đàn, nơi các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và người dân cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, tư vấn và thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tìm ra các giải pháp cho hàng loạt thách thức xã hội, kinh tế và môi trường.

(theo uscib.org)

Anh Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/them-2-quoc-gia-bat-dau-tien-trinh-dam-phan-gia-nhap-oecd-269864.html