Thêm 26 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 26 di sản.

Theo đó, các Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia mới được công nhận gồm nghệ thuật Chèo ở tỉnh Phú Thọ; Mo Mường (tỉnh Đắk Lắk); Lễ hội Cầu mưa của người Thái trắng, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La); Lễ cúng Thần rừng (Yang Brê) của người Mạ, thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông).

Nghề làm bột gạo Sa Đéc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Minh Hải

Nghề làm bột gạo Sa Đéc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Minh Hải

Cùng với đó còn có Lễ hội Cầu ngư làng Cam Lâm, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh); Hát Páo dung của người Dao tỉnh Hà Giang; Lễ cầu Mùa (Mí nhung hơi) của người Pà Thẻn, huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang); Lễ hội Đua thuyền xã Tịnh Long, thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi); Lễ hội Đom Lơng Neák Tà của người Khmer (tỉnh Trà Vinh).

Tỉnh Vĩnh Long có hai di sản được công nhận đợt này gồm nghệ thuật Hát Bội và Lễ hội Văn Thánh miếu.

Tỉnh Thái Nguyên có ba di sản là hát Ví của người Tày huyện Định Hóa; Nghệ thuật May, Thêu Trang phục của người Dao xã Hợp Tiếp, huyện Đồng Hỷ và chữ Nôm của người Dao.

Nghề làm bột gạo Sa Đéc, xã Tân Phú Đông và phường 2, thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) cũng đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia đợt này. Nghề đã hình thành và phát triển trên 100 năm, đến nay, Sa Đéc có trên 350 hộ sản xuất bột, với 2.000 lao động tham gia hoạt động sản xuất và sản phẩm sau bột.

Nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp. Ảnh: Minh Hải

Nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp. Ảnh: Minh Hải

Quảng Nam có hai nghề thủ công truyền thống được công nhận. Đó là nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm và nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh đều ở thành phố Hội An. Trong đó, đan võng ngô đồng vẫn là một nghề độc đáo của Hội An, được thiết kế vào các tour du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng.

Ngoài ra còn có các nghề thủ công truyền thống khác được công nhận đợt này như nghề dệt của người Thu Lao huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai); Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang); Nghề dệt thổ cẩm của người Xtiêng (tỉnh Bình Phước) và nghề làm bánh tráng Túy Loan (thành phố Đà Nẵng).

Thủ đô Hà Nội có sáu di sản được công nhận, gồm lễ hội Chùa Thầy, huyện Quốc Oai; Lễ hội làng Bá Dương Nội, huyện Đan Phượng; Lễ hội đình Tường Phiêu, huyện Phúc Thọ; Lễ hội làng Keo, huyện Gia Lâm; Nghề may Trạch Xá, huyện Ứng Hòa và Nghề làm xôi Phú Thượng, quận Tây Hồ.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/them-26-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/