Thêm đãi ngộ để hút lao động phổ thông

Lao động cực nhọc, quyền lợi không được quan tâm đúng mức khiến người lao động không mấy mặn mà.

Lao động có nhiều kỳ vọng mới khi tìm việc.

Lao động có nhiều kỳ vọng mới khi tìm việc.

Họ có thể chọn bỏ làm công nhân để ra ngoài bán hàng online; chạy Grab… miễn là có thu nhập cao.

Phân vân lựa chọn “kế sinh nhai”

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lao động có việc làm là 51,4 triệu người (tăng 195.700 người so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, khu vực thành thị là 19,7 triệu người (tăng 687.900 người so với cùng kỳ năm trước); khu vực nông thôn là 31,7 triệu người (giảm 492.200 người).

Dù lao động có việc làm có xu hướng tăng, nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Số lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) quý II là 33,5 triệu người (chiếm 65,2% trong tổng số lao động có việc làm và tăng 271.700 người so với quý trước và tăng 210.300 người so với cùng kỳ năm trước).

Theo ghi nhận từ nhiều đơn vị tuyển dụng, hiện nay các chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp với lao động phổ thông vẫn chưa được thỏa đáng. Đó là lương khởi điểm thấp chỉ ở mức 2 - 3 triệu đồng/tháng, yêu cầu công việc giờ giấc lại quá cao. Có nơi người lao động phải làm việc xuyên suốt 8 - 10 tiếng/ngày, nhưng tiền thêm giờ lại không bù đắp được sức lao động họ bỏ ra.

Lao động cực nhọc, quyền lợi không được quan tâm đúng mức khiến người lao động không mấy mặn mà. Họ có thể chọn bỏ làm công nhân để ra ngoài bán hàng online; chạy Grab… miễn là có thu nhập cao. Vì thế, sẽ rất khó để các doanh nghiệp tuyển dụng lao động nếu không có mức tiền lương và chế độ làm việc hấp dẫn để thu hút người lao động.

Anh Hoàng Xuân Phương (huyện Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ, sau một tuần thử việc ở một công ty sản xuất da giày trên địa bàn huyện, anh cảm thấy môi trường làm việc và mức lương đãi ngộ không thỏa đáng nên đã xin nghỉ việc.

“Sau nhiều lần không tìm kiếm được công việc phù hợp, tôi đã chuyển sang hướng tự kinh doanh. Tôi bán hàng online tại nhà. Dù công việc ban đầu vẫn chưa có thu nhập ổn định, song tôi thấy công việc này không gò bó về thời gian mà mức thu nhập cũng khá ổn”, anh Phương cho biết.

Tương tự, anh Phạm Công Bằng (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) quyết định xin nghỉ việc và đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp. Anh Bằng cũng mong mỏi tìm kiếm công việc làm mới, ổn định hơn.

“Sau khi nghỉ việc tại công ty cũ, tôi cũng tìm kiếm một vài công việc làm mới nhưng chưa có việc nào phù hợp. Thời gian vừa qua, tôi đi giao hàng, chạy xe ôm… để trang trải cuộc sống. Với lao động phổ thông cuộc sống còn nhiều khó khăn, rất cần có công việc kiếm ra thu nhập. Nếu so sánh công việc với mức lương “phập phù” tại công ty với kinh doanh tự do thì nhiều người sẽ lựa chọn rời bỏ công ty”, anh Bằng chia sẻ.

 Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cần chính sách thu hút phù hợp

Theo bà Hoàng Minh Kim, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Kim Thành Phát cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông đang có sự khởi sắc và nhiều tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, do phụ thuộc vào yêu cầu sản xuất hoặc đơn hàng, phụ thuộc vào cân đối bài toán chi phí lao động trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn ảm đạm, giá nguyên liệu tăng… đã dẫn đến việc ngày càng nhiều doanh nghiệp tuyển các vị trí thời vụ. Trong khi đó, người lao động lại không mặn mà với các vị trí này vì cho rằng không ổn định.

“Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận lao động phổ thông, đặc biệt là người lao động ở các vùng sâu vùng xa, đây là nơi những người ít có cơ hội tiếp cận với Internet, công nghệ. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chưa thành công trong việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng nên không được người lao động biết đến, khó thu hút”, bà Kim nhấn mạnh.

Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thanh Hương Giám đốc nhân sự toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam (công ty chuyên cung ứng giải pháp nhân sự) cho biết, một trong những khó khăn nữa phải kể đến đại dịch đã khiến người lao động phổ thông thay đổi về những mong muốn khi đi tìm việc.

“Bên cạnh lương và phúc lợi, lao động phổ thông giờ đây quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp, sức khỏe, sự an toàn, khả năng cân bằng công việc và cuộc sống gia đình. Ví dụ số ngày nghỉ mỗi tháng, hay sự tiện lợi khi di chuyển tới chỗ làm”, bà Hương nói.

Đặc biệt, do chi phí và mức sống đắt đỏ ở thành phố, cùng với sự nở rộ của các doanh nghiệp, nhà máy tại nhiều tỉnh thành, một bộ phận lao động phổ thông từ bỏ bám trụ ở thành phố và chuyển về quê để được làm việc gần nhà hơn.

Ngoài ra, một số lao động phổ thông chuyển sang làm các công việc có tính tự do và linh hoạt cao hơn như: Bán hàng online, shipper, kinh doanh tự do…

“Mỗi phân khúc lao động sẽ có những nhu cầu và mong muốn khác nhau khi tìm kiếm công việc có ý nghĩa. Thấu hiểu được những điều này sẽ giúp doanh nghiệp có chính sách thu hút, tuyển dụng và giữ chân người lao động phù hợp, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng”, Giám đốc nhân sự ManpowerGroup Việt Nam nhấn mạnh.

Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023. Chủ đề tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 là “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

Bảo Hân

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/them-dai-ngo-de-hut-lao-dong-pho-thong-post691082.html