Thêm di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội chùa Tây Phương
Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; kỷ niệm 10 năm 34 pho tượng được công nhận bảo vật Quốc gia (2015 - 2025) và khai hội chùa Tây Phương huyện Thạch Thất năm 2025 sẽ được tổ chức từ ngày 2 - 4/4.
Thông tin từ UBND huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) cho biết, Lễ đón nhận sẽ diễn ra trang trọng tại Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Sự kiện được tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, giới thiệu các giá trị di sản độc đáo của Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương; góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của địa phương; từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Chính hội chùa Tây Phương là ngày 6 tháng Ba âm lịch. Ảnh: Hà Thư
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận chùa Tây Phương là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ XVIII đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Năm 2025, Lễ hội truyền thống hội chùa Tây Phương được ghi danh công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
“Năm 2025, là một năm có ý nghĩa đặc biệt, là năm di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương đón nhận thêm một vinh dự lớn, đó là Lễ hội truyền thống được ghi danh công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây cũng là năm kỷ niệm tròn 10 năm Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ XVIII đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia"- Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.
Lễ hội chùa Tây Phương năm nay tiếp tục lan tỏa, quảng bá mạnh mẽ hơn nữa về hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, đồng thời, khơi dậy và nêu cao lòng tự hào dân tộc, tiếp tục giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau biết tôn trọng và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống quê hương, phát huy truyền thống lịch sử, truyền thống yêu nước, tinh hoa văn hóa của dân tộc.
Chùa Tây Phương hay còn gọi là Sùng Phúc tự được xây dựng từ thời nhà Mạc (thế kỷ XVI) và trùng tu vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Ngôi chùa mang phong cách kiến trúc độc đáo với ba nếp chùa, gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Để lên đến chùa, du khách phải vượt qua 239 bậc đá ong - một đặc trưng của vùng đất Thạch Thất.
Toàn bộ công trình sử dụng vật liệu truyền thống như gỗ lim, đá ong và gạch nung, tạo nên vẻ đẹp cổ kính, bề thế nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên. Đặc biệt, hệ thống mái chùa được thiết kế theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, với các đầu đao cong vút mang đậm nét kiến trúc cổ Việt Nam. Các cột và kèo chùa được chạm khắc tinh tế, thể hiện hoa văn rồng, phượng và các họa tiết truyền thống, tạo nên một công trình mang tính nghệ thuật cao.

Hai trong số các pho tượng La Hán nổi tiếng ở chùa Tây Phương.
Chùa Tây Phương nổi tiếng với hệ thống tượng Phật bằng gỗ sơn son thếp vàng, được coi là kiệt tác điêu khắc của nghệ thuật tôn giáo Việt Nam. Đặc biệt, 18 bức tượng La Hán được tạc từ gỗ mít vào thế kỷ XVIII với những đường nét chạm khắc sống động, thể hiện rõ thần thái và tâm trạng của từng vị La Hán. Những bức tượng này không chỉ có giá trị nghệ thuật cao mà còn phản ánh tư tưởng Phật giáo sâu sắc.
Điểm độc đáo của những pho tượng La Hán là sự kết hợp giữa hiện thực đời sống và yếu tố tâm linh. Mỗi bức tượng mang một sắc thái cảm xúc riêng, từ trầm tư, suy ngẫm đến vui vẻ, thanh thoát. Đôi mắt sâu thẳm, những đường nét khuôn mặt khắc khổ hay ánh nhìn đăm chiêu đều toát lên vẻ đẹp của triết lý nhân sinh và tư tưởng Phật giáo. Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như chuông đồng, hoành phi câu đối, bia đá cổ ghi lại lịch sử xây dựng và trùng tu chùa qua các thời kỳ.
Chính hội chùa Tây Phương là ngày 6 tháng Ba âm lịch, gồm phần lễ và phần hội với các nghi thức dâng lễ, cúng Phật; rước kiệu và diễu hành của phường rối nước; dâng lễ vật của lãnh đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện…