Thêm động lực bảo tồn di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Đề án 'Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai giai đoạn 2023-2025' được kỳ vọng sẽ mang đến luồng sinh khí mới, tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn di sản tại địa phương trong vòng xoáy của các luồng văn hóa hiện đại.

Tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình hành động để bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. (Ảnh: Hoàng Ngọc)

Tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình hành động để bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. (Ảnh: Hoàng Ngọc)

Những năm gần đây, các Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng cũng rơi vào những thách thức lớn. Nhiều nghi lễ truyền thống, không gian văn hóa bản địa dần mai một trong đời sống cộng đồng các dân tộc. Tình trạng chảy máu cồng chiêng, bản làng vắng hẳn những nhịp chiêng - xoang, im bặt những làn điệu sử thi mê hoặc lòng người đã không còn hiếm ở Gia Lai.

Luồng sinh khí mới

Trước thực trạng trên, Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình hành động để bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng. Mới nhất, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 09/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, mục tiêu chung của Đề án là bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội, xu thế hội nhập quốc tế và gắn với phát triển du lịch địa phương; quảng bá rộng rãi về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai đến bạn bè trong và ngoài nước.

Đề án hướng đến 4 mục tiêu: Thống kê được số liệu bộ cồng chiêng hiện có, nghệ nhân thực hành trình diễn cồng chiêng, nghệ nhân chỉnh chiêng, bài nhạc cồng chiêng truyền thống…; xây dựng được 6 mô hình “nhà rông-bến nước” truyền thống của dân tộc Bahnar, Jrai nhằm khôi phục không gian truyền thống của văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh; phục dựng một số lễ hội truyền thống có sử dụng cồng chiêng của người Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh; việc thực hành trình diễn cồng chiêng được duy trì thường xuyên ở các làng dân tộc Bahnar, Jrai trên toàn tỉnh.

8 nội dung, dự án thành phần của Đề án gồm: Dự án điều tra, khảo sát về cồng chiêng và người thực hành cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh; Dự án phục dựng một số nghi lễ, lễ hội có sử dụng cồng chiêng của dân tộc Bahnar và Jrai trên địa bàn tỉnh; Dự án tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng cho người Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh; Tổ chức lớp tập huấn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng cho cán bộ cấp huyện, xã; Tổ chức hội thảo khoa học về cồng chiêng kết hợp triển lãm ảnh về sinh hoạt cộng đồng có sử dụng cồng chiêng; Tổ chức liên hoan cồng chiêng khu vực và Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai 2 năm/lần; Dự án khôi phục Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dự án xây dựng Phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai.

Sản phẩm du lịch độc đáo

Trong nỗ lực bảo vệ và gìn giữ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã tổ chức mô hình "Cồng chiêng cuối tuần". Mô hình lần đầu tiên tổ chức vào dịp 30/4-1/5/2022, tại quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku. Đây là hoạt động luân phiên giữa các đoàn nghệ nhân của hai dân tộc Bahnar và Jrai sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai, với sự tham gia của khoảng 40 nghệ nhân vào mỗi đêm diễn, diễn ra vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần trong khung giờ từ 19-21h.

Năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”. Danh hiệu này nay được đổi thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Chương trình "Cồng chiêng cuối tuần" mỗi đêm gồm: Trình tấu cồng chiêng kết hợp múa truyền thống (suang), hát dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ làm từ tre nứa, phục dựng trích đoạn các nghi lễ, lễ hội truyền thống. Ngoài ra, khách tham gia có thể giao lưu chụp ảnh cùng các nghệ nhân, tìm hiểu về văn hóa truyền thống; tham gia trải nghiệm về múa hay đánh chiêng cùng thưởng thức rượu ghè, gà nướng do các đoàn nghệ nhân chuẩn bị.

Cồng chiêng, nhạc cụ, trang phục, đạo cụ được các nghệ nhân sử dụng trong chương trình "Cồng chiêng cuối tuần" đều là dạng nguyên bản, đúng với truyền thống, cơ bản không có yếu tố hiện đại, cách tân. Hoạt động diễn ra trong một không gian tự nhiên thoáng đãng trên thảm cỏ xanh, dưới những tán cây, không sân khấu hóa. Các đoàn nghệ tham gia với tâm thế tự do, thoải mái thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Mô hình đã bước đầu gặt hái những thành công trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai, mỗi đêm diễn ra, "Cồng chiêng cuối tuần" thu hút hàng nghìn lượt du khách và người dân tham dự, nhiều người đã nắm tay nhau nối rộng vòng suang (múa) cùng các nghệ nhân Bahnar, Jrai.

Không chỉ có du khách trong và ngoài nước, rất nhiều học sinh đã coi chương trình là một điểm đến thú vị, sự bổ sung cần thiết cho chương trình giáo dục địa phương mà các em phải học ở trường. Phần lớn khán giả đến với "Cồng chiêng cuối tuần" đều sử dụng các trang mạng xã hội, nhờ đó, những hình ảnh, video về văn hóa cồng chiêng càng được lan tỏa rộng rãi.

"Cồng chiêng cuối tuần" còn là dịp để những nghệ sĩ buôn làng có không gian thực hành di sản, thỏa sức sáng tạo di sản mình đang nắm giữ. Mô hình ra đời đã tạo điều kiện để cồng chiêng được trở về với môi trường vốn có, các nghệ nhân được tự nhiên thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc, đồng thời, trở thành trải nghiệm thú vị cho du khách, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương và giới thiệu, quảng bá rộng rãi hình ảnh vùng đất, con người Gia Lai.

Thêm chất xúc tác

Đến Gia Lai tháng 11 này, du khách sẽ được tận tưởng một mùa lễ hội sối động trên cao nguyên. Festival Văn hóa cồng chiêng với chủ đề “Những sắc màu văn hóa” kéo dài hai ngày 11-12/11 sẽ quy tụ khoảng 1.000 nghệ nhân người Bahnar, Jrai tại chỗ và cộng đồng các dân tộc thiểu số ở một số tỉnh Tây Nguyên cùng phô diễn những nét độc đáo, đặc sắc nhất của không gian văn hóa cồng chiêng.

Cuộc hội ngộ càng thêm ý nghĩa khi mà đoàn nghệ nhân người Jrai của tỉnh Gia Lai vừa trở về sau chuyến tham gia biểu diễn tại Lễ hội âm thanh thế giới (Jeonju International Sori Festival) trên đất nước Hàn Quốc.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai), Trưởng đoàn nghệ nhân chia sẻ: “Tham gia Lễ hội âm thanh thế giới, giữa các thiết bị, âm nhạc hiện đại, trong tổng số 11 quốc gia tham dự, chỉ có Việt Nam và Chile đem âm nhạc dân gian lên sân khấu. Cũng bởi vậy mà chúng tôi nhận được sự quan tâm, theo dõi và ủng hộ của đông đảo khán giả trong suốt các chương trình”.

Trở về từ Hàn Quốc, mỗi nghệ nhân trong đoàn đều mang theo một niềm tự hào rất lớn, mong muốn được lan tỏa, chia sẻ những trải nghiệm của bản thân tại “xứ sở kim chi”, từ đó khơi dậy trong mỗi người dân tình yêu, khát khao được trình diễn, đưa cồng chiêng vươn ra khỏi không gian buôn làng, tôn thêm giá trị để bảo tồn, phát huy bản sắc.

Festival Văn hóa cồng chiêng là một cơ hội lớn để mỗi thành viên tham gia nhận thấy tầm vóc, vai trò, trách nhiệm “chủ nhân” của di sản không gian văn hóa cồng chiêng, từ đó cố gắng luyện tập thuần thục, nhuần nhuyễn, đưa hồn cốt vào trong từng âm điệu.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ cho rằng, việc tổ chức định kỳ Festival Văn hóa cồng chiêng như một chất xúc tác cho công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị mang tính bản sắc của Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. “Qua mỗi kỳ lễ hội, bà con lại thêm một lần được nhắc nhở về nét văn hóa đặc sắc mà cha ông truyền lại từ ngàn đời, được khích lệ để khôi phục và bảo tồn, học hỏi và phát huy hơn nữa”, Trưởng phòng Quản lý văn hóa tâm sự.

Tại Festival Văn hóa cồng chiêng, bên cạnh việc thưởng thức các tiết mục cồng chiêng đặc sắc tại đêm khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh, người dân và du khách cũng được tham gia chương trình lễ hội đường phố với màn diễu hành, biểu diễn của các đội cồng chiêng. Cùng với đó, không gian rợp bóng cây của Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) là địa điểm lý tưởng để các đơn vị tái hiện lại không gian buôn làng vào dịp lễ hội, rộn ràng cồng chiêng. Một số địa phương cũng sẽ phục dựng các lễ cúng có ý nghĩa quan trọng trong đời người theo phong tục truyền thống của người bản địa.

Tin tưởng rằng, với những nỗ lực, cố gắng, người dân Gia Lai sẽ thêm yêu những nhạc cụ truyền thống, những lễ hội bản địa và cả những nhiệt huyết trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Xuân Hạnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/them-dong-luc-bao-ton-di-san-khong-gian-van-hoa-cong-chieng-tay-nguyen-248940.html