Thêm giải pháp ngăn chặn mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, hiện hệ thống hóa đơn điện tử được vận hành ổn định, thông suốt 24/7, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn còn một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã thực hiện hành vi bán hóa đơn khống để thu lợi bất chính. Hiện tại, Tổng cục Thuế tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử để phòng ngừa tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, chống thất thu thuế.

Nguồn: Prtrolimex. Đồ họa tư liệu

Nguồn: Prtrolimex. Đồ họa tư liệu

Hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích

Thông tin tại hội thảo khoa học “Quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử - Những vấn đề đặt ra trong công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong tình hình hiện nay”, do Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) và Tổng cục Thuế tổ chức mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, sau gần 2 năm triển khai, (từ 1/7/2022) đến nay, đã có 100% doanh nghiệp (DN), tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh hạch toán theo phương pháp kê khai chuyển sang sử dụng HĐĐT.

“Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tiếp tục bám sát nội dung về việc thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công an, tiếp tục triển khai quy định về phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính giai đoạn 2022-2025; tiếp tục tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu, dữ liệu,… trong việc phòng ngừa trấn áp tội phạm trong lĩnh vực quản lý thuế và hóa đơn” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn.

Tính đến ngày 15/5/2024, hệ thống HĐĐT đã tiếp nhận và xử lý là gần 7,8 tỷ hóa đơn (trong đó có 2,2 tỷ hóa đơn có mã và 5,6 tỷ hóa đơn không mã). Hệ thống HĐĐT luôn được vận hành ổn định, thông suốt 24/7 và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và DN. Theo đó, toàn bộ chi phí tuân thủ và quản lý, vận hành đều được giảm thiểu. Quan trọng hơn, người dân, DN có thể dễ dàng tra cứu được hóa đơn đầu ra, đầu vào, qua đó giảm thiểu được sai sót, cũng như rủi ro về hóa đơn.

Ông Mai Sơn cho rằng, việc triển khai HĐĐT trên toàn quốc đã góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, cách thức phục vụ người dân của cơ quan thuế nói riêng và cơ quan quản lý Nhà nước nói chung theo hướng tự động và ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các DN bỏ trốn, mất tích; phòng chống tình trạng gian lận thuế, trốn thuế..., từ đó tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành Thuế, trong thời gian qua vẫn còn một số DN, tổ chức, cá nhân đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, thành lập DN không để sản xuất kinh doanh mà để thực hiện hành vi bán hóa đơn khống để thu lợi bất chính.

Một số DN thực hiện hành vi mua hóa đơn không hợp pháp để chiếm đoạt thuế của Nhà nước và các mục đích khác nhau như: kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào, giảm số thuế GTGT phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN); sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hợp thức hóa hàng buôn lậu, tham ô, lập khống chi phí phát sinh, làm giảm chi phí dẫn đến giảm thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp NSNN; sử dụng hóa đơn đầu vào để tăng số thuế được hoàn;...

Để ngăn chặn hành vi trên, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật thuế của người nộp thuế (NNT); tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế như các hành vi trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế; mua, bán và sử dụng trái phép hóa đơn; chống thất thu cho NSNN, đảm bảo công bằng xã hội.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết thêm, hiện nay cơ quan thuế đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro về HĐĐT, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các dữ liệu về HĐĐT, hỗ trợ nhận diện được NNT có rủi ro cao về sử dụng HĐĐT để đưa ra cảnh báo, xử lý nếu có vi phạm hoặc chuyển sang cơ quan công an đối với trường hợp thuộc diện rủi ro cao có dấu hiệu tội phạm để phối hợp điều tra và xử lý nếu phát hiện vi phạm.

Phối hợp ngăn chặn hành vi sử dụng hóa đơn trái phép

Thông tin về công tác phối hợp với cơ quan công an trong quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế, đặc biệt là hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép, ông Mai Sơn cho biết, chỉ tính riêng năm 2023, cơ quan thuế đã chuyển sang cơ quan công an kiến nghị điều tra, khởi tố 88 hồ sơ; đồng thời cũng nhận được 4.416 yêu cầu cung cấp hồ sơ của cơ quan công an đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế của NNT phục vụ công tác quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế của cơ quan công an. Sau khi tiếp nhận đề nghị, cơ quan thuế đã kịp thời phối hợp cung cấp hồ sơ cho cơ quan công an theo đúng quy định.

Một số vụ án điển hình trong công tác phối hợp giữa 2 cơ quan như: Vụ án mua bán hóa đơn GTGT không hợp pháp do Nguyễn Minh Tú cầm đầu; vụ án mua bán hóa đơn của đối tượng Trương Xuân Đước; vụ án Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang và đồng phạm phạm tội “in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn” và “trốn thuế”,…

Để tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số nói chung và tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu nói riêng, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng đã có công văn gửi chính quyền các địa phương đề nghị chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với cơ quan thuế địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để nắm bắt thực trạng đáp ứng việc triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng.

Mới đây nhất, ngày 22/5/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có công văn gửi bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong triển khai áp dụng HĐĐT và thu hồi nợ thuế.

Công văn của Bộ Tài chính đề nghị bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập ban chỉ đạo triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn do lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm trưởng ban và các thành viên tham gia là đại diện cục thuế, cơ quan công an, quản lý thị trường, sở công thương, sở thông tin và truyền thông...; đồng thời xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để triển khai thực hiện.

Công văn cũng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc triển khai HĐĐT nói chung, triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đảm bảo việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả; đặc biệt, phối hợp với cơ quan thuế để giám sát và phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của DN, đặc biệt là hành vi mua bán hóa đơn.

PGS.TS PHẠM TIẾN DŨNG - TRƯỞNG KHOA CẢNH SÁT ĐIỀU TRA TỘI PHẠM VỀ THAM NHŨNG, KINH TẾ, BUỒN LẬU, MÔI TRƯỜNG (HỌC VIỆN CẢNH SÁT NHÂN DÂN):

Phương thức, thủ đoạn mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn diễn biến phức tạp

Quá trình chuyển đổi số quốc gia đang cho thấy những chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc triển khai hệ thống HĐĐT đã giúp ngành Thuế tạo bước đột phá mới trong việc quản lý rủi ro, quản lý thuế, thực hiện kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu cho các cơ quan nhà nước khác, đặc biệt là cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý tội phạm.

Tuy nhiên, các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu đã và đang dần có sự “thích ứng”, với việc sử dụng các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Tình hình mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn vẫn đang có chiều hướng diễn biến ngày một phức tạp. Không chỉ vậy, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp còn là nguyên nhân dẫn đến sự phức tạp của tình hình về tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu.

Trong bối cảnh đó, việc tăng cường phối hợp trong quản lý, phát hành, sử dụng HĐĐT là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Đặc biệt, việc tăng cường phối hợp để làm rõ về thực trạng; nguyên nhân, điều kiện của tội phạm; những khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu liên quan đến HĐĐT.

Từ việc phối hợp, các bên đề xuất kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả công tác của lực lượng cảnh sát kinh tế trong khắc phục, loại trừ tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép.

BÀ NGUYỄN THỊ LAN ANH - VỤ TRƯỞNG VỤ QUẢN LÝ THUẾ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA, HỘ KINH DOANH CÁ NHÂN (TỔNG CỤC THUẾ):

Ngăn chặn các hành vi bán hàng không xuất hóa đơn

Việc triển khai HĐĐT góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước theo hướng tự động và ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các DN bỏ trốn, mất tích, ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế...; từ đó tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Để ngăn chặn các hành vi bán hàng không xuất hóa đơn gây thất thu cho ngân sách, tạo lập môi trường kinh doanh công bằng với các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt pháp luật về hóa đơn, cơ quan thuế các địa phương đã tăng cường xử lý việc bán hàng không xuất hóa đơn, nhằm chống thất thu NSNN.

Thời gian tới, ngành Thuế tăng cường phối hợp với cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan như: cơ quan công an, hải quan, ngân hàng... để truy vết người nộp thuế có dấu hiệu mua, bán hóa đơn và điều tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật. Đồng thời, cơ quan thuế sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung xây dựng các tiêu chí rủi ro về hóa đơn, tổng hợp danh sách những đơn vị có dấu hiệu rủi ro, các đơn vị có vi phạm trong lĩnh vực hóa đơn chuyển cơ quan công an theo quy chế tin báo, tội phạm.

Thùy Dương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/them-giai-phap-ngan-chan-mua-ban-su-dung-hoa-don-trai-phep-151747.html