Thêm một dự án đô thị gần 2.500 tỷ đồng do FLC làm chủ đầu tư bị thu hồi

UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các Sở, ngành chuyên môn hoàn tất thủ tục trình UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

Dự án Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư bị thu hồi. Ảnh minh họa.

Dự án Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư bị thu hồi. Ảnh minh họa.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Sóc Trăng vừa cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành chuyên môn hoàn tất thủ tục trình UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

Được biết, dự án khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt nằm tại phường 5 và 6 TP Sóc Trăng có diện tích trên 47 ha, trong đó 14,64 ha đất xây dựng nhà ở.

Mục tiêu của dự án là xây dựng khu đô thị gắn liền với công viên vui chơi giải trí, gồm: nhà ở, dịch vụ thương mại tổng hợp, trung tâm văn hóa, thể dục thể thao và các tiện ích đô thị khác phục vụ cho nhu cầu của người dân trong khu vực.

Tổng vốn đầu tư của dự án là gần 2.500 tỷ đồng.

FLC từng là một trong những tập đoàn đi đầu trong việc đề xuất đầu tư hàng loạt dự án bất động sản quy mô hàng nghìn tỉ đồng ở khắp tỉnh thành trong cả nước.

Những dự án của tập đoàn này đề xuất đầu tư chủ yếu liên quan đến khu dân cư, đô thị sinh thái, golf có quy mô diện tích lớn và vốn đầu tư “khủng”. Tuy nhiên, có một thực tế là dù đề xuất dự án khắp nơi, nhưng con số thực làm của tập đoàn này tương đối khiêm tốn.

Đặc biệt, sau “biến cố” liên quan đến cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, nhiều dự án của tập đoàn này bị đề xuất thu hồi. Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương đã liên tục thu hồi chủ trương đầu tư nhiều dự án của Tập đoàn FLC. Trước Sóc Trăng, là các tỉnh Quảng Ngãi, Kontum, Thanh Hóa…

Phong tỏa 3 tài khoản ngân hàng của FLC

Mới đây, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã ban hành 3 quyết định vào ngày 29/7, về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản của Công ty CP Tập đoàn FLC mở tại 3 ngân hàng gồm: OCB chi nhánh Hà Nội, VIB chi nhánh quận 1, TP HCM và BIDV chi nhánh Thanh Xuân.

Lý do bị cưỡng chế do Tập đoàn FLC có số tiền quá hạn nộp, phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật quản lý thuế. Trong đó tổng số tiền bị cưỡng chế hơn 223,6 tỷ đồng.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện các dự án do FLC và công ty liên quan là chủ đầu tư.

Công văn đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu về phê duyệt, triển khai thực hiện nghĩa vụ tài chính tại 10 dự án bất động sản mà chủ đầu tư là FLC, Xây dựng FLC Faros, Đầu tư du thuyền và sân golf FLC Biscom.

Cục Thuế Quảng Bình xác nhận Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đang nợ tổng cộng 451 tỷ đồng tiền thuê đất, trong đó nợ quá hạn 220 tỷ đồng.

Số tiền nợ quá hạn này là của dự án trung tâm hội nghị, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với diện tích khoảng 1.954 ha. Dự án này được tỉnh Quảng Bình cho thuê đất trả tiền một lần.

Kết thúc quý II, FLC ghi nhận doanh thu thuần đạt 576,1 tỷ đồng, giảm 65,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với giá vốn hàng bán chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ, FLC báo lãi gộp 104 tỷ đồng, trong khi quý II/2021 báo lỗ gần 149 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của FLC đạt 65,5 tỷ đồng, giảm 89,1% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính ở mức 148,6 tỷ đồng, giảm 24,3% so với quý II/2021. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của FLC cũng tăng lần lượt 39,7% và 65,3% so với cùng kỳ năm trước, lên 46 tỷ đồng và 295 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quý II/2022, FLC còn phải chịu khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết lên tới 317,3 tỷ đồng.

Trong đó, khoản lỗ lũy kế từ Bamboo Airways - công ty được hạch toán là công ty liên kết của FLC - đã lên tới 955 tỷ đồng so với mức chỉ hơn 453 tỷ đồng hồi đầu năm. Cụ thể, khoản đầu tư của FLC Bamboo Airways ghi nhận giá gốc 4.015 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 21,7% vốn cổ phần và giá trị hợp lý tại ngày 30/6/2022 chỉ còn 3.060 tỷ đồng.

Ngoài ra, FLC còn phải trích lập dự phòng 134,4 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào các mã cổ phiếu AMD, HAI và KLF (giá gốc là 174,1 tỷ đồng trong khi giá trị hợp lý hiện chỉ còn 39,7 tỷ đồng).

Kết thúc quý II/2022, FLC báo lỗ sau thuế 640,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 20,9 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế của FLC ở mức âm 1.105,6 tỷ đồng.

Bài viết liên quan

Đình chỉ giao dịch cổ phiếu của FLC Faros (ROS) Báo lỗ nghìn tỷ nửa đầu năm, FLC được thành viên HĐQT cho vay tín chấp 621 tỷ FLC lỗ hơn 1.000 tỷ đồng nửa đầu năm 2022

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/them-mot-du-an-do-thi-gan-2500-ty-dong-do-flc-lam-chu-dau-tu-bi-thu-hoi.html